Được biết đến như một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới nhưng ẩn chứa phía sau "cái nôi đào tạo ra thiên tài" này còn là những bí mật thú vị mà ít người biết tới.
Bức tượng dối trá giữa sân trường
Tọa lạc trong khuôn viên của trường Đại học Harvard, bức tượng Giáo sĩ John Harvard được xem như tượng đài tưởng nhớ tới người sáng lập ra ngôi trường danh tiếng. Như một cách để thể hiện lòng thành kính tới người quá cố, sinh viên trường Đại học Harvard thường xoa vào mũi giày của tượng John Harvard để lấy may mắn trước mỗi kỳ thi.
Mũi giày bạc màu của bức tượng John Harvard.
Tuy nhiên, họ vẫn vui đùa gọi bức tượng này là "Bức tượng 3 điều dối trá". Tên gọi vui này được bắt nguồn từ 3 sự thật ẩn chứa phía sau bức tượng mà không phải ai cũng biết được:
Thứ nhất, Giáo sĩ John Harvard thực chất không phải là người đã sáng lập ra ngôi trường. Ông chỉ là một tu sĩ hảo tâm đã dành hết nửa gia sản và thư viện sách gồm hơn 400 cuốn của mình để xây dựng nên ngôi trường trong những ngày đầu.
Thứ hai, Đại học Harvard chính thực được thành lập từ năm 1636 chứ không phải là từ năm 1638 như đã khắc trên bức tượng. Trong những ngày đầu mới thành lập, trường được biết đến với tên gọi New College (tạm dịch: Cao đẳng Tân thời) và được thành lập ra để đào tạo tu sĩ. Phải tới tháng 3/1639, trường mới chính thức được đổi tên theo họ của vị "Mạnh Thường Quân" đáng kính.
Thứ ba, bức tượng John Harvard không phải là chân dung thực sự của Giáo sĩ John Harvard vì trên thực tế, không có bất kỳ hình ảnh nào còn sót lại của ông. Các nhà điêu khắc đã phải sử dụng chân dung của một sinh viên đẹp trai trong trường có tên Sherman Hoar làm mẫu thay thế.
Cái nôi kiến thức của những vĩ nhân
Harvard đã đào tạo ra 8 tổng thống Mỹ, trong đó có tổng thống đương nhiệm Barack Obama, 62 tỷ phú (chỉ tính những người còn sống) và 150 chủ nhân giải Nobel.
Tại sao nhiều người gọi ngôi trường này là Harvard Đỏ thẫm?
Năm 1858, 2 thành viên của câu lạc bộ đua thuyền Harvard là Charles Eliot và Benjamin Crowninshield đã mua 6 chiếc khăn mùi-xoa màu đỏ tươi để lau mồ hôi cho cả đội, sau khi cuộc đua kết thúc, những chiếc khăn ướt nhẹp đã biến thành màu đỏ sẫm (crimson) và trở thành màu đại diện cho Harvard đến tận ngày hôm nay, đại diện cho sự cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ sinh viên.
Truyền thống "truổng cời chạy dông" khi hết một học kỳ
Hằng năm, khi chuông đồng hổ điểm đúng 12 giờ đêm báo hiệu một học kỳ đã kết thúc, sinh viên Harvard có truyền thống chạy bộ, hò hét, uống bia, nhảy múa trong tình trạng "trần như nhộng" như một cách để thể hiện sự tự do và thoải mái.
Sở hữu sân vận động nổi tiếng nhất nước Mỹ
Ít ai biết, kích thước sân vận động chính của trường Harvard là nguyên mẫu để xây dựng nên các sân bóng bầu dục chuẩn quốc tế ngày nay. Bên cạnh đó, sân bóng được xây từ năm 1903 này là công trình đầu tiên sử dụng bê tông cốt thép trên thế giới. Năm 1987, sân bóng Harvard được công nhận là di tích lịch sử quốc gia Mỹ.
14% sinh viên Harvard là "cậu ấm cô chiêu"
Hiện tại, 14% sinh viên trong trường có xuất thân từ những gia đình giàu có với mức thu nhập hơn 500.000 USD/năm . Bên cạnh đó là 15% sinh viên nghèo đến từ những gia đình có thu nhập dưới 40.000 USD/năm (khoảng 889 triệu đồng).
Theo thống kê, những sinh viên đến từ những gia đình giàu có thường có điểm thi SAT (kỳ thi chuẩn hóa) cao nhất.
Thư viện Widener
Thư viện chính của trường đại học Harvard được đặt theo tên của ông Henry Widener, một cựu sinh viên của Harvard và là một nhà sưu tập sách, năm 1907, khi đang trên đường từ Pháp trở về Mỹ sau một chuyến đi tìm sách, con tàu ông đi đã đâm vào băng trôi, khiến Widener mãi mãi nằm lại nơi biển khơi, đó chính là con tàu Titanic huyền thoại.
Sau khi ông mất, bà Eleanor Elkins - mẹ của Henry - đã quyên góp toàn bộ số sách của con cho trường và chi ra thêm 3,5 triệu USD để xây dựng thư viện này. Vì hết đất để mở rộng mà số sách ngày càng nhiều, nên sau này các kỹ sư đã phải đào đường hầm để chứa. Hiện tại, có khoảng 3 triệu đầu sách quý đang nằm dưới lòng đất trong khuôn viên Harvard
Cánh cổng chính cô đơn
Cổng vào chính của trường Harvard là cánh cổng Johnston, không như các cổng phụ khác, cổng Johnston đóng quanh năm ngày tháng và chỉ mở ra 2 lần mỗi năm.
Trong suốt những tháng ngày học tập tại Harvard, mỗi sinh viên chỉ đi qua cổng này đúng 2 lần: Một lần trong ngày nhập trường và một lần trong ngày tốt nghiệp. Sinh viên Harvard tin rằng nếu đi qua cánh cổng này quá 2 lần thì sẽ gặp xui xẻo đủ đường.
Vì thế, tuy cổng Johnston không bao giờ khóa, nhưng nó luôn lặng lẽ và hiu quạnh từ hàng trăm năm nay.