Sách Đại Nam nhất thống chép: "Đặng Tất đỗ Thám hoa triều Trần, làm quan đến chức Hành khiển, là cháu của Lại bộ Thượng thư Đặng Bá Tĩnh, cuối đời Trần ông giữ chức Đại Tri châu ở Hóa Châu ". Dưới triều đại nhà Hồ, Đặng Tất được Hồ Quý Ly giao làm Đại tri châu Hoá Châu, nắm toàn quyền quyết định ở vùng đất này. Năm Đinh Hợi (1407), cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nhà Hồ nhanh chóng bị thất bại, quân Chămpa nổi dậy đánh chiếm lộ Thăng Hoa (Quảng Nam) uy hiếp Hoá Châu. Cũng trong thời gian này ở phía Bắc, quân Minh đã tiến quân vào đánh Hoá Châu thống trị vùng đất này. Trước hoàn cảnh đó, Đặng Tất phải dùng kế sách “trá hàng” quân Minh để củng cố lực lượng đối phó với quân Chămpa ở phía Nam. Sau khi Đặng Tất được tướng nhà Minh là Trương Phụ giao giữ chức Đại tri châu Châu Hoá, ông cùng với quân dân Hoá Châu đã đẩy lùi được cuộc tấn công của quân Chămpa, ổn định được biên giới phía Nam và bắt đầu chăm lo xây dựng lực lượng khởi nghĩa để chống giặc Minh.
Năm Đinh Hợi (1407) quân Minh xâm chiếm được nước ta, Trần Ngỗi (con Trần Nghệ Tông) được lực lượng của Trần Triệu Cơ tôn làm minh chủ, dựng cờ khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Biết tin, Đặng Tất liền tiến đánh quân Minh đang hoành hoành ở Thuận Hoá rồi đem quân ra Nghệ An hợp với Trần Ngỗi tạo nên thanh thế lớn cho cuộc khởi nghĩa. Đặng Tất được Trần Ngỗi phong làm Quốc Công và ông đã gả con gái của mình cho Trần Ngỗi để khẳng định sự cố kết và niềm tin trong lực lượng lãnh đạo chống quân Minh, nhiều tướng lĩnh đem quân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, trong số tướng lĩnh đó có Nguyễn Cảnh Chân vốn là bạn thân tín và cũng là tâm phúc của Đặng Tất.
Cuối năm Mậu Tý (1408), nghĩa quân của Trần Ngỗi - Đặng Tất liên tiếp mở các cuộc tiến công giặc Minh ở Nghệ An, Quảng Bình. Nhân thế thắng, Trần Ngỗi ra lệnh cho Đặng Tất mở cuộc tấn công ra Bắc nhằm tiêu diệt giặc Minh. Khi quân kéo đến Tràng An, hào kiệt các vùng kéo đến ngày càng đông, cứ theo tài năng của từng người mà giao chức trách, lòng người phấn khởi, thế quân mạnh thêm, vì thế lực lượng của cuộc khởi nghĩa phát triển nhanh chóng. Cuối năm 1408, quân xâm lược Minh và 4 vạn viện binh do Mộc Thạch chỉ huy, tập trung quân ở bến đò Bô Cô (Nam Định) quyết chiến tiêu diệt quân ta. Tại Bô Cô, Đặng Tất đã dựng trận địa mai phục, từ giờ Ngọ đến giờ Dậu ngày 30/12/1408 nghĩa quân đã chiến đấu mưu lược, anh dũng tiêu diệt toàn bộ binh lực của giặc Minh, trong đó có cả tổng chỉ huy quân Minh là Lũ Nghị, tên thượng thư Lưu Tuấn, đánh tan 4 vạn quân giặc. Với chiến thắng Bô Cô cho thấy được tài thao lược quân sự và lòng dũng cảm của Đặng Tất.
Sau đại thắng Bô Cô, Trần Ngỗi định thừa thắng tiến lên đánh chiếm lấy Đông Đô, trái lại Đặng Tất cho rằng lực lượng ta chưa đủ mạnh để đè bẹp được quân Minh do vậy cần có thời gian để dưỡng binh và củng cố lực lượng, truy bắt bọn giặc cùng tay sai. Do bất đồng chiến pháp giữa Trần Ngỗi và Đặng Tất đã làm hỏng thời cơ chiến thắng, gây tổn thất lớn cho cuộc khởi nghĩa. Lòng ngờ vực của Trần Ngỗi trỗi dậy, lại bị bọn hoạn quan gièm pha nhân cơ hội thổi thêm vào (vì ông vốn là quan nhà Trần, sau lại làm quan nhà Hồ chống Minh rồi trá hàng quân Minh để tính mưu kế phát triển lực lượng kháng chiến chống quân Minh xâm lược) nên Trần Ngỗi đã tìm cách ám hại hai danh tướng của mình là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Chân. Tháng 3/1409, khi thuyền Trần Ngỗi đóng ở sông Hoàng Giang, Trần Ngỗi cho gọi Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đến để bàn việc quân. Đặng Tất bị Trần Ngỗi cho quân bóp cổ chết tại chỗ, quẳng xác xuống sông, Nguyễn Cảnh Chân chạy trốn lên bờ cũng bị đuổi theo chém chết. Cái chết oan nghiệt của Đặng Tất đã dẫn đến sự tan rã, phân hóa trong toàn bộ nghĩa quân và đẩy nước ta tiếp tục chịu gần 20 năm đô hộ của giặc Minh (1409- 1427).
Sử thần Ngô Sỹ Liên đã nhận xét về sự kiện này: “...chỉ vì vua tin lời gièm pha mà vội giết Tất thôi. Than ôi, Đặng Tất sau khi phá được giặc mạnh, trổ tài mới trong khoảng một tuần, một tháng, công việc chưa làm được một nửa mà bị chết oan, đó là cái họa sụp đổ của nhà Trần chứ đâu phải tội của Tất...Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi bày mưu lược, đủ để lập được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận thắng Bô Cô, thế nước lại nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh của mình, thì làm sao làm nên việc được”.
Với những công lao, đóng góp to lớn cho đất nước, Đặng Tất được sử sách lưu danh, các triều đại ghi nhận và nhân dân tôn kính, thờ phụng.
Thi hài Đặng Tất được các con ông mang về chôn ở làng Thế Vinh, huyện Sĩ Vang, ngoại thành Hóa châu (nay là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Mộ ông nằm ở ven bờ nam sông Hương, cách bến đò Sình khoảng 3 km và cách thành Hóa châu khoảng 7 km. Dân trong vùng tôn ông làm Thành Hoàng.
Thi hài Đặng Tất được các con ông mang về chôn ở làng Thế Vinh, huyện Sĩ Vang, ngoại thành Hóa châu (nay là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Mộ ông nằm ở ven bờ nam sông Hương, cách bến đò Sình khoảng 3 km và cách thành Hóa châu khoảng 7 km. Dân trong vùng tôn ông làm Thành Hoàng.
Năm 1428, Lê Lợi sau khi đánh xong quân Minh, ban chiếu cho hai cha con ông (cùng Đặng Dung) biển vàng tám chữ: "Tiết liệt cương trung - Trung thần hiếu tử", truy phong Đặng Tất làm Đại quốc công, Khuông quốc đại vương Thượng đẳng tôn thần; cho lập đền thờ tại quê hương Tả Thiên Lộc, cấp 200 mẫu ruộng lộc điền, giao cho huyện xã hằng năm cúng tế.
Vua Lê Thánh Tông ban chiếu tặng cha con ông hai câu đối:
Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ
Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng
Vua Lê Thánh Tông ban chiếu tặng cha con ông hai câu đối:
Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ
Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng
No comments:
Post a Comment