'cookieChoices = {};'

Thursday, July 31, 2014

BÀ NGOẠI TÔI ( Part 2 )


Hai đứa con chồng
Người đàn bà tên Ngọ chính là bà ngoại tôi. Ở địa vị “Bà cò”, ngoại tôi là người đàn bà uy quyền, hét ra lửa nhưng lại có lòng hảo tâm. Chắc vì chỉ có mẹ tôi là con gái duy nhất, nên bà ngoại tôi sẵn lòng nuôi nấng những đứa cháu hay những đứa trẻ nhà nghèo mà ba mẹ chúng không đủ sức nuôi con. Số người kêu bà ngoại tôi bằng má rất đông, nhưng dĩ nhiên mẹ tôi vẫn là người được ông bà ngoại thương yêu nhất. Vì phải di chuyển nhiều nơi theo công việc, ông bà ngoại tôi đã xây cho mẹ và bà cố một căn nhà riêng hai tầng ở Quận 8 , có người hầu người hạ lại có chị em bà con tới ở làm bạn. Mẹ tôi sống vui tươi như một nàng công chúa nhỏ không lo âu, không phiền hà. Căn nhà này còn có thể coi như là một quán trọ tạm thời cho bà con dòng họ những lúc họ không có nơi trú thân.
Khi mẹ tôi vừa tròn 20 tuổi thì mẹ tìm được tình yêu thật sự của mình. Mẹ tôi gặp ba tôi trong một lớp học bổ túc ban đêm về môn Triết học. Chàng trai phi công trẻ tuổi hào hùng có giọng bắc ngọt ngào đã làm trái tim con gái của mẹ rung động. Mẹ tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã gặp được hoàng tử bạch mã mà mình hằng mong đợi. Ba mẹ tôi hẹn hò với nhau được một thời gian thì ông bà ngoại tôi biết được, ông bà đã phản đối vô cùng kịch liệt bởi vì mẹ tôi lỡ đính hôn với một người thuộc gia đình danh giá vào năm mẹ 18 tuổi. Người Nam lại có thành kiến là con trai Bắc rất lãng mạn và không chung tình nên ông bà ngoại sợ mẹ tôi sẽ bị đau khổ về sau. Với quyền lực của một vị cảnh sát trưởng , ông ngoại tôi dùng mối quan hệ với quân đội để uy hiếp ba tôi phải rời xa mẹ tôi. Đứng trước sự phản kháng quá mạnh của ông bà ngoại, cuối cùng ba tôi đành dắt mẹ tôi rời khỏi gia đình và mẹ đã theo tiếng gọi của tình yêu mà khăn gói theo ba, bỏ lại cuộc sống xa hoa của nàng công chúa, đi lẫn trốn nay đây mai đó với người mình yêu. Bà ngoại tôi đau lòng vì phải xa đứa con gái yêu thương duy nhất nhưng cũng không làm gì hơn được vì ông ngoại tôi nhất định không cho ba tôi bước vào nhà nửa bước.

Khoảng gần hai năm sau khi mẹ tôi bỏ đi, người vợ không chính thức tên Cúc của ông ngoại tôi tìm được nhân tình mới, nên quyết định chia tay với ông ngoại và bỏ lại hai đứa con nhỏ không ai nuôi. Ông ngoại cùng với bà cố tôi nhất quyết bắt bà ngoại tôi phải đem hai đứa nhỏ về nhà. Bà ngoại tôi bị kẹt vào thế khó xử, nhưng vì lòng nhân từ nên cũng sẵn lòng nhận nuôi hai đứa con chồng không mẹ. Bà ngoại tôi bèn nhân cơ hội này ra điều kiện với ông ngoại là phải chấp nhận cho ba mẹ tôi trở về. Sau cuộc thảo thuận, ông ngoại tôi bỏ đơn thưa ba tôi, ba mẹ tôi trở về nhà mang theo đứa con trai nhỏ vừa được vài tháng. Cũng cùng lúc đó, bà cố tôi ẳm về nhà một đứa bé gái vừa được vài tháng và dắt theo đứa con trai được hơn hai tuổi, hai đứa trẻ ngây thơ đã bị mẹ chúng bỏ.
Người ta thường nói: “ Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Nhưng bà ngoại tôi lại đối xử với hai người con chồng như con của mình, thậm chí nhiều khi còn tốt hơn đối với ba anh em chúng tôi là những đứa cháu ruột của bà. Những gì chúng tôi có và hưởng được thì hai người con chồng tức là cậu và dì tôi cũng có và hưởng được. Bà ngoại tôi cũng ra sức khuyên dạy hai người con chồng hết mình, mong rằng họ được lớn lên có học thức văn hóa và có nền tảng làm người. Trong hàng xóm và bà con, có người khen bà ngoại tôi có lòng tốt, đồng thời cũng có nhiều người chê bai ngoại tôi sao lại khờ dại đi nuôi con chồng, bà ngoại tôi có nghe được cũng chỉ mĩm cười bỏ ngoài tai.

Bà Ngoại Tôi
Vào năm 1975 khi nước nhà có biến cố, gia đình tôi bị suy sụp như nhiều gia đình khác. Tiền trong nhà bank đã bị mất hết. Sau lần đổi tiền thì gia đình càng túng thiếu hơn. Ba tôi bị mất tích không có tin tức ngay sau ngày 30 tháng tư. Trong gia đình không có ai làm ra tiền, mẹ tôi làm bánh trái hoặc làm hoa để cho tôi đem ngồi bán ở trước hàng hiên hay đem qua khu Nguyễn Trãi ngồi bán. Dĩ nhiên là số tiền bán được không bao nhiêu. Bà ngoại tôi phải đem bán dần những món nữ trang và vòng vàng mà bà đã dành dụm lâu ngày để mua gạo nuôi 9 miệng ăn. Mỗi lần thấy vàng bị hết dần thì bà ngoại càng lo. Tôi thương nhất là ngay cả số nữ trang mà ngoại khoe với tôi là nữ trang của ngày cưới, bà cũng phải đem đi bán. Cũng may là khi số vàng lẫn nữ trang đã hết sạch thì mẹ tôi được người quen giới thiệu đi làm. Sau đó chúng tôi cũng nhận được tin tức của ba tôi ở nước ngoài. Ông ngoại tôi càng tài giỏi, ông dò la ra cách đem chiếc xe hơi trong nhà làm thành xe chạy đám cưới. Đời sống từ đó cũng dễ thở hơn một chút. Thỉnh thoảng ông ngoại tôi kiếm được nhiều tiền hơn thường lệ, ông hay mua những món ăn hoặc trái cây rất mắc tiền nhưng chỉ vừa đủ cho bà ngoại và mẹ tôi, không đủ chia cho những đứa nhỏ, ông lén đưa cho bà rồi nói:
- “Em với con gái ăn đi”.
Tôi thoáng nghe được bà trả lời:
- “Có ăn thì ăn cả nhà, tôi không ăn một mình. Thôi ông ăn với con gái đi”
Ở cái thời buổi khó khăn ăn uống còn thiếu thốn, bà ngoại hay nhường đồ ăn cho năm đứa nhỏ chúng tôi. Bà nói:
- ”Cả đời ngoại đã ăn đầy đủ rồi, chỉ có thiếu nem rồng chả phụng thôi, mấy đứa ăn phần của ngoại đi”
Trong khi ông ngoại và mẹ tôi bận rộn kiếm ăn, bà ngoại phải chăm sóc cho ba anh em chúng tôi cùng với cậu dì. Những chuyện vặt vảnh của người con gái bước vào tuổi trưởng thành đều do bà ngoại chỉ dạy tôi. Bên cạnh đó, bà cố tôi vì bị bệnh có bướu nước ở bụng nên nằm liệt trên giường, phải do bà ngoại tôi chăm sóc từ vấn đề vệ sinh cho tới ăn uống. Thỉnh thoảng vì cực khổ quá sức chịu đựng, vì nhớ lại sự đối xử không công bằng của mẹ chồng ngày xưa, bà ngoại tôi cũng cằn nhằn chút chút rồi cũng vẫn tiếp tục phụng vụ mẹ chồng chu đáo. Ở tuổi hơn 60 mà bà ngoại tôi phải làm việc quần quật suốt ngày, tay chân ngoại vì lam lũ vất vả nên bị phong thấp đau nhức thường niên nhưng bà không bao giờ than vãn. Bà ngoại tôi vẫn luôn nói với chúng tôi: “Đời người lên voi xuống chó, miễn sao sống cho trong sạch là được”. Câu nói này nghe sao đơn giản lúc tôi còn nhỏ, bây giờ nghiệm lại, tôi không biết mình có được thản nhiên đương đầu với nghịch cảnh nếu phải bị “xuống chó” như bà ngoại tôi không.

Thời gian trôi qua thì cuối cùng mẹ và ba anh em tôi được phép đi Mỹ để đoàn tụ với ba tôi. Lúc đó chính phủ Việt Nam còn chưa mở rộng cửa nên khi người Việt cất bước ra đi thì không biết khi nào sẽ được trở về quê hương. Một lần nữa, bà ngoại tôi phải chia tay với đứa con gái duy nhất của mình mà lúc đó tưởng như là chia tay vĩnh viễn. Tôi luôn nghĩ có lẽ bà ngoại tôi sẽ khóc lóc thê thảm lúc chia tay vì không nở xa con cháu. Nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh của bà ngoại tôi ngày hôm đó lúc tiễn chúng tôi đi. Bà ngoại tôi không hề khóc một tiếng, nước mắt không hề rơi. Bà ngoại im lặng hơn thường ngày nhưng miệng luôn hơi mỉm cười, trong khi đó mẹ tôi khóc ngất lịm nhiều lần trong tay bà. Khi chúng tôi bước vào sau hai cánh cửa kiếng của phi trường, tôi quay đầu lại vẫn thấy bà ngoại tôi đứng sững đó nhìn theo chúng tôi. Dáng bà đứng cô đơn trong chiếc áo dài bay phất nhẹ, mái tóc búi tròn phía sau khuôn mặt bình thản. Bà ngoại tôi vẫn không rơi một giọt lệ nhưng cũng không hề cử động. Tôi biết rằng bà ngoại tôi không khóc vì sợ mẹ tôi bịn rịn ba mẹ già không nở bỏ đi, bà muốn mẹ tôi an lòng mà đi đoàn tụ với chồng sau mười năm xa cách để được hưởng hạnh phúc đoàn viên, bà cũng muốn những đứa cháu ngoại của bà sẽ có ba như những đứa trẻ khác. Bà ngoại tôi đứng đó không khóc ra lệ mà là khóc trong lòng. Tôi cảm thấy bà ngoại tôi thật là một người đàn bà kiên cường.
DTDT

No comments:

Post a Comment