'cookieChoices = {};'

Thursday, July 31, 2014

Châu Thị Tế


Nhờ công lao dày dặn, Nguyễn Văn Thoại được triệu về kinh. Mỗi khi hồi trào, ông được vua Gia Long hậu đãi vào bậc công thần. Ở kinh không lâu, Nguyễn Văn Thoại được cử làm Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh. Toàn cõi Vĩnh Thanh ngày ấy rất rộng gồm các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Kiên Giang (một phần), Sa Đéc và Vĩnh Long. Với chức vụ này, Nguyễn Văn Thoại được dịp gần gũi quê hương thứ hai của ông, nơi mà ông đã di dân lập ấp, dựng thành thôn xã. Ông được giao ấn phù để đáo nhậm trấn Vĩnh Thanh.
Quê hương thứ hai của Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại ở cù lao Dài nằm giữa sông Bang Tra và Cổ Chiên thuộc huyện Vũng Liêm- Vĩnh Long ngày nay. Xưa nơi đây là miền cùng tịch. Dừa nước, bần, cồng là những thứ cây ưa đất trầm thủy, mọc um tùm trên đó. Nơi đây xa phố thị, không có nhà cửa nên không mấy khi có giặc về. Nguyễn Văn Thoại cưới bà Châu Thị Tế, hai họ Châu- Nguyễn kết nghĩa “châu trần” với nhau. Họ Châu tức là Châu Vĩnh Huy sanh được con gái là Châu Thị Tế (còn gọi Vĩnh Tế), họ Nguyễn tức là Nguyễn Văn Lượng sanh được con trai là Nguyễn Văn Thoại.
Bà Châu Thị Tế không những đẹp nết đẹp người mà còn là người đàn bà đức hạnh cao dày trong đường lễ giáo, bao năm sát cánh giúp chồng hoàn thành nhiệm vụ vua giao trong việc đào kinh khai mở giao thương và bảo vệ bờ cõi phía Nam được ổn định, phát triển đất nước trong những ngày đầu khai hoang lập ấp mở làng. Đó là 2 đường thủy huyết mạch của vùng đất mới Nam Bộ: kinh Thoại Hà nối liền Đông Xuyên- Kiên Giang và kinh Vĩnh Tế Hà nối Châu Đốc- Hà Tiên.
Ngày nay, chúng ta thấy được lợi ích lớn của việc làm đó. Nó không những chỉ làm một đường nước lưu thông bằng thuyền để mua bán, đi lại, hoặc để giữ gìn đường ranh giới. 2 kinh đào này còn có tác dụng quan trọng khác nữa là đưa nước ngọt của sông Cửu Long vào các khu đồng ruộng mênh mông để rửa sạch chất muối, chất phèn, cho mùa màng thêm xanh tốt và phục vụ sinh hoạt đời sống.
Việc đào xong kinh Châu Đốc- Hà Tiên là một thành quả to tát, dân chúng mừng vì việc đi lại thông thương. Giới chức biên phòng nhẹ bớt gánh nặng nhờ có đường nước án ngữ. Riêng vua Minh Mạng thì lấy làm mãn nguyện vì nối được chí cha và đã đạt được một quốc sách. Vua Minh Mạng rất mừng liền giáng chỉ khen ngợi công khó của Nguyễn Văn Thoại, ban thưởng tiền bạc the lụa cho ông, đồng thời sắc cho quan hữu tư địa phương làm bia dựng ở bờ sông để đánh dấu cho một công trình lớn lao của Nguyễn Văn Thoại.
Nhà vua thấy trước kia đã lấy tên của Thoại Ngọc Hầu mà đặt tên kinh và tên núi (Thoại Hà và Thoại Sơn) nên sau khi đào xong kinh Đông Xuyên- Kiên Giang, nay không lẽ lại cho lập lại cùng một tên cũ. Nhà vua xem thấy bên bờ kinh mới đào có núi Sam y như bờ kinh trước kia có núi Sập, lại xét thấy Thoại Ngọc Hầu phu nhân, dòng họ Châu Vĩnh, nhũ danh là Thị Tế, vốn là người đàn bà đức độ, từng tận lực giúp chồng trên đường công bộc, cho nên ban đặt tên kinh là Vĩnh Tế Hà và bên núi ở bờ kinh là Vĩnh Tế Sơn.
Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) khi triều đình cho lệnh đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của Hoàng gia, vua cho chạm hình kinh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh. Cao đỉnh là một trong 9 cái đỉnh hiện nay còn để trước nhà Thế miếu tại Đại nội của cố đô Huế. Tất cả các đỉnh đều có tên riêng: Huyền, Tuyên, Nghị, Chương, Cao, Nhơn, Anh, Thuần, Dụ. 8 chiếc đặt thẳng một hàng ngang và đều khoảng đứng ra hai bên, riêng Cao đỉnh được đặt ở chính giữa, ngay đường vào Thế miếu và được đưa về phía trước các đỉnh khác.
Trên Cao đỉnh, hình kinh Vĩnh Tế được chạm rất mỹ thuật, dãy Thất sơn lô nhô trùng điệp, có điểm lác đác những gò đất, lùm cây và lạch nước Vĩnh Tế lăn tăn gợn sóng. Trên bờ kinh, dưới chân núi, ba chữ Vĩnh Tế Hà khắc theo Hán tự khá sắc sảo và rõ ràng, phô lộ tầm quan trọng của một việc làm bất hủ.
Triều đại nhà Nguyễn ở Nam Bộ từng có 2 bà hoàng hậu. Một, hoàng hậu sống qua 8 đời vua, có thể chi phối chuyện quốc gia đại sự, đạo đức của các vị vua, cháu chắt. Đó là Hoàng hậu Từ Dụ, sau đọc chệch thành Từ Dũ. Bà được ngợi ca là bà hoàng tài đức vẹn toàn, yêu nước thương dân, sống giản dị, khiêm tốn. Những đức tính của bà ảnh hưởng rất lớn đến tư cách của vua Tự Đức. Hai, là Nam Phương Hoàng hậu, từng là tú tài Tây, có vẻ đẹp đài các và là con gái một điền chủ. Công việc hàng ngày là dạy dỗ các hoàng tử, công chúa, bà còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Không chỉ là một hoàng hậu, bà còn là công dân yêu nước như bất kỳ ai. Bà chính là người đã khuyên giải, nài nỉ Bảo Đại thoái vị để tránh đổ máu.
So với hai bà hoàng hậu ở Triều Nguyễn, Châu Thị Tế cũng là người tài đức, tuy địa vị giai cấp có khác nhau nhưng cũng cùng một lòng thương dân yêu nước. Bà lúc nào cũng cận kề giúp chồng trong việc đào kinh. Khi gặp khó khăn, trở ngại về thời tiết, khí hậu hoặc về nhân sự, một tay bà lo liệu để chồng bớt gánh nặng.
Bà được vua Minh Mạng khen là người có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng trung thành bền chặt, không ngại công lao khó nhọc. Bà thật xứng đáng được phong tặng là Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế khắc trên bia Vĩnh Tế Sơn và được khắc trên Cao đỉnh. Lịch sử luôn ghi công bà, nhân dân luôn dành cho bà một niềm tôn kính bậc tiền nhân có công cùng chồng khai mở đất nước

No comments:

Post a Comment