'cookieChoices = {};'
Ai Hát Giữa Rừng Khuya - Chương 10
Chương 10
Tôi ở Ðồng Giao về, trong lòng lại canh cánh đeo thêm một nguyện vọng thiết tha, trong ký ức lại tăng thêm một đoạn bí sử mới; nhưng bị trôi nổi trong cuộc mưu y, mưu thực thường ngày, tôi dần dà cũng chẳng có thì giờ đâu để nghĩ đến hai câu chuyện ở núi Gôi và Ðồng Giao nữa. Mãi cho đến ngày tình cờ khiến tôi gặp gỡ ông Trần Công Chất, trong một trường hợp ngẫu nhiên, khi tôi mang vợ con lên nghỉ mát tại Sapa.
Riêng tôi, tôi chả muốn đi xa diệu vợi để làm gì, nhưng vợ tôi, Tuyết Tiên, cứ nằng nặc đòi lên Sapa một lần cho khỏi thẹn với chị em. Không thể từ chối được, tôi đành theo ý vợ tôi.
Thế là, dắt dìu bồng bế "quan san ngàn dặm, thê nhi một đoàn" tôi đi nghỉ mát Sapa. Cái cảnh đi nghỉ mát mà phải đeo đàng sau một bà vợ dềnh dàng một lũ con nheo nhóc, thì còn gì là thú nữa? Còn gì thú nữa nếu tôi không gặp cụ Chất ngay trong mấy hôm đầu?
Cái cảnh rừng núi Sapa, không có gì là rừng sâu núi thẳm cả. Sapa là một hòn ngọc, là một vườn hoa cao hơn mặt đất, làm một nơi khí hậu đầm ấm, thảo mộc mọc tốt tươi, non nước hữu tình. Những đường lối những bãi cỏ, những cây rừng ở đó sạch như ly như lai, có thể nằm trên cỏ mà ngủ không sợ bệnh tật gì cả. Không một con ruồi, không một con muỗi, loại vắt thì thật không có hẳn. Sapa không phải chỉ đẹp ở những vườn đào, thác bạc, đẹp ở những căn nhà xinh xắn dựng chênh chếch trên sườn đồi, Sapa còn đẹp ở chỗ khách đến đây cư ngụ toàn là tay chơi hào hoa lịch sự, con gái mơn mởn như trái đào vừa chín, con trai khỏe mạnh như các hiệp sĩ đời Chiến Quốc, thỉnh thoảng đánh con ngựa thồ lên dốc núi, dừng cương đứng lẫm liệt giữa vùng thảo mộc xanh tươi, gợi cho kẻ bàng quan một bức ảnh thanh kỳ, tưởng chừng có thể làm sống lại một thời oanh liệt của lịch sử...
Trước khi mắt được ngắm phong cảnh Sapa, ta hãy phải vượt hết một con đường xoắn ốc chừng ba mươi lăm cây số, ngùng ngoằng lượn quanh sườn đá theo hình chữ chi, khúc khuỷu, cong queo, có từng đoạn chênh vênh hết sức. Trong cái thú đi chơi Sapa, có lẽ khoái lạc là con đường ấy cũng dự một phần. Một bên là sườn núi cheo leo hiểm hóc, một bên là hang sâu vực thẳm đầy cây cối um tùm, mọc chi chít hai bên bờ một dải suối khổng lồ nước cuồn cuộn chảy nhanh như suối thác, đương chảy thỉnh thoảng lại vấy phải một thân cây đổ bắt ngang qua khe, hoặc một tảng đá nhẵn lì năm ngay giữa lòng, khiến vì thế lại bồng bột nhảy chồm lên, bọt bắn tung tóe trắng phau, như muôn ngàn tia bạc. Trong khi đi đường, xe ô tô không chỗ nào mở được máy ba cả, cứ phải mở máy hai, sè se cắn lấy đường thong thả lên dần. Ði chừng ba mươi ba, ba mươi bốn cây số, khí hậu vẫn còn như thường, trong người vẫn còn thấy nóng nực như khi chưa lên núi; thế mà gần đến địa hạt Sapa, thì tựa hồ như có phép tiên biến hóa, khí hậu thấy dịu đi ngay, mình bỗng cảm thấy hơi lành lạnh. Một khi tới hẳn nơi rồi, sự mát mẻ khoan khoái không tả xiết được. Chỉ từ sáng đến chiều, xem trong người cũng đã thấy khác ngay; nào là nhức đầu, khó thở, sổ mũi, hắt hơi những bệnh vặt đó biến đi như bị thánh dược xua đuổi; đi chơi chỉ một chốc về nhà ăn cơm đã khỏe bằng hai ngày thường, mà sự tiêu hóa cũng rất lưu thông, không bị bí, bị trệ như ở chốn thị thành.
Nghỉ dưỡng sức mà lên Sapa, chả mấy chốc lành mạnh không cần uống thuốc, tinh thần mình cũng nhờ khí hậu mà sáng suốt tỉnh táo thêm. Tôi chỉ được lên ở Sapa có một thời hạn mười ngày, khi về lấy làm quyến luyến, tiếc rẻ, không muốn về nữa. Nếu không có vợ tôi, Tuyết Tiên, nhất định bắt tôi phải trở xuống Hà Thành, thì có lẽ tôi cứ ở lỳ tại Sapa, dầu phải sống nghèo nàn kham khổ cũng cam lòng- chúng tôi đi chơi là do sự tình cờ, ai ngờ sự tình cờ ấy rất hữu ích cho tôi, giúp tôi được đủ vật liệu viết xong quyển tiểu thuyết này. Tôi đương bị tâm trí bứt rứt vì chưa tìm được ra bí thuật để giải quyết một vấn đề mà đầu óc tôi đương suy tính: vấn đề tìm ra nguyên thủy của câu chuyện tráng sĩ không đầu ở núi Gôi. May thay đặt chân lên trên đất Sapa tính tò mò hiếu sự của tôi được thỏa mãn đến cực điểm; không những tôi gây dựng lại được một đoạn bí sử ngày nay đã bị vùi lấp hẳn trong gầm dĩ vãng xa xăm u ám, không những tôi đem được hẳn bí sử ấy ra ánh sáng, tôi còn được hạnh phúc biết rõ sự tích của hai bóng oan hồn ở núi Gôi, và dây liên lạc của sự tích đó với câu chuyện rùng rợn tôi đã nghe ở Ðồng Giao trong cái đêm mưa gió.
Người đàn ông giúp tôi đi ngược dòng thời gian để làm sống lại cuộc đời Oanh Cơ và hai tráng sĩ bị tử hình, người đó là cụ Trần Công Chất, một cụ già thâm nho thuộc về thế hệ trước, sống lạc loài ngơ ngác trong xã hội này, nhưng vẫn thành kính nhẫn nại thờ quan niệm cổ hủ của ông cha, không bị ánh sáng lộng lẫy rực rỡ của đồng tiền làm lu mờ mất tính tình, nhân cách. Tôi ngẫu nhĩ được gặp cụ Chất trên chuyến xe lửa Hà Nội - Lào Kay, giữa lúc đang bồn chồn thấp thỏm không biết vợ chồng tôi sẽ trú ngụ ở đâu một đêm trước khi đáp ô tô lên Sapa nghỉ mát. Tuyết Tiên và tôi bàn tán cùng nhau về cách sẽ xử sự như thế nào trên đất lạ, hai chúng tôi đều tỏ vẻ lo ngại, rì rầm suy đi tính lại mãi không thôi, nhất là khi tàu sắp tới ga Phố Mới, sau một ngày lúc lắc trên một con đường gay go khúc khuỷu vô cùng.
Thấy dáng bộ lúng túng của Tuyết Tiên xoăn xoe chung quanh mấy đứa con thơ và mấy va li đồ đạc, hết dặn bảo các con lại kiểm điểm sửa soạn hành lý, một ông cụ già ngồi ngay cạnh chúng tôi từ sân ga Hà Nội, bồng tự nhiên quay lại phía tôi:
- Tôi xem chừng hai thầy cô đi nghỉ mát Sapa thì phải?
- Thưa cụ vâng! Thưa cụ cũng đi Lào Kay?
- Không, tôi về Sapa chớ. Tôi có nhà ở đó. Tôi di cư lên Sapa đã mười mấy năm nay rồi, từ lúc Nhà nước mới bắt đầu khai khẩn hạt ấy.
- Vậy ạ? Thưa cự chúng cháu hỏi cụ khí, không phải: chúng cháu lên nghỉ mát lần đầu, chả có ai quen thuộc cả, muốn xin cụ cho chúng cháu ở đậu ít ngày, chẳng hay như thế có phiền phức hay chăng? Cụ có thể vui lòng dung nạp chúng cháu được chăng?
Ông cụ cười khà khà vẻ nhân từ hiền hậu lắm:
- Nếu thế thì quý hóa quá! Thầy cô có lòng yêu hạ cố đến tệ xá thì còn gì bằng. Tôi tuy già rồi, nhưng nhà vắng lắm, chỉ có một đứa con gái đã lớn và một thằng nhỏ mà thôi. Thầy cô ở chơi làm bạn với tôi, tôi rất vui lòng. Tôi xin làm hướng đạo cho thầy cô.
Tuyết Tiên hết sức mừng rỡ, vội vàng cho hai con lại lạy chào ông cụ; cụ vuốt ve hai cháu một cách rất âu yếm tưởng chừng như cháu ruột cụ vậy. Tàu đến ga Lào Kay cụ săn sóc cho cả bầu đoàn chúng tôi, dắt chúng tôi về ở Thiên Nhiên khách sạn. Chúng tôi thuê hai phòng, một phòng cho vợ con tôi, một phòng cho tôi và ông cụ. Cơm nước xuềnh xoàng cho qua bữa...
Tối hôm đó, câu chuyện của cụ Chất và tôi chỉ loanh quanh ở các vấn đề làm ăn, ở lai lịch tôi và thân thế cụ. Tôi được biết qua loa, cụ là nòi Thổ, mẹ người bản xứ mà cha người Kinh; thuở bé có xuống Hà Thành học rồi được bổ đi phán sự các miền Cao Bằng, Hà Giang, Lào Kay và Phong Thổ. Sau khi làm việc được hơn hai mươi năm, cụ xin về hưu, lên an cư tại Sapa, chỗ mà cụ cho là kỳ quan đệ nhất. Tôi cũng kể cho cụ nghe tông tích và chí hướng của tôi, sự tích nhân duyên của Tuyết Tiên, con một nhà đại phú hào chốn kinh đô với tôi, là một nhà văn sĩ nghèo nàn...
Nghe tôi nói, cụ chỉ gật gù điểm một lời rất ôn tồn, song chứa đầy triết lý:
- Chẳng qua chỉ là duyên nghiệp cả! Ai mà tránh khỏi nghiện duyên tự mình, mình đã gây nên?
Thì giờ êm ả bằn bặt trôi, không biết đã lướt qua bao nhiêu độ. Tuyết Tiên và con tôi ngủ yên thin thít trong phòng bên cạnh, chỉ có tôi cùng cụ Chất nằm lim dim, giữa một vùng lặng lẽ âm u. Bồng đâu, tôi mơ màng thấy bên cạnh có bóng dáng một thiếu phụ áo quần trắng toát, tóc lòa xòa phủ kín ngang vai, giữa ngực một dòng máu tuơi phọt ra đỏ sẫm. Tôi giật mình thức dậy, mồ hôi đẫm ước cả áo sơ mi. Ngọn đèn dầu lạc lụn bấc tỏa ra một thứ ánh sáng lờ mờ, gian phòng tối vắng đìu hiu nhuộm một vẻ thê lương ảm đạm.
Không dám chợp ngủ nữa, tôi lấy thuốc hút để xua đuôi những tư tưởng rùng rợn đến ám ảnh tôi. Khó thuốc cuồn cuộn tỏa khắp gian phòng, tựa hồ có mãnh lực thiêng liêng gạn lọc sạch trong không gian những bóng hình ma quỷ.
Khi nghe tiếng động cụ Chất mở mắt ra. Tôi thấy cụ còn thức nên mời cụ hút thêm vài điếu thuốc cho vui:
- Thưa cụ hút với con vài điếu thuốc nữa cho vui, con sợ quá, không dám ngủ.
- Làm sao mà thầy sợ.
- Con vừa chợp mắt đi, thấy ngay một bóng ma đàn bà trắng lốp, giữa ngực có một vết thương máu tuôn đỏ chóe, đến sờ tay lạnh buốt vào tay con, con giật mình tỉnh dậy mồ hôi ướt đẫm khắp mình...
- Thôi, đích thị rồi! Ấy là con gái ông Hường Quyền, bị người nhân tình ghen đâm chết trong phòng này đó. Chị ả chết đến năm nay đã mười mấy năm rồi. Ra cái thứ ma chết oan lại bất đắc kỳ tủ này nó sống dai dẳng thật, có khi đến mấy chục năm mà vong hồn vẫn chưa siêu linh.
- Bẩm cụ cũng tin có ma?
- Thầy hỏi lạ chửa! Có chớ sao không? Ma là giống ở cõi âm cũng như mình là loài ở cõi dương, có gì là lạ. Ai ở địa hạt người ấy, miễn đừng xâm phạm đến nhai, đừng làm hại đến nhau thì thôi.
- Thưa cụ, mình có làm gì mà họ hại mình?
- Có chớ. Nó không thể xâm phạm đến mình được, nhưng nó chọc ghẹo mình thử chơi. Cũng tựa hồ như mình nói đùa con gái vậy. Một đôi khi, có lợi cho nó, thì nó tìm kế tàn sát mình nữa, tỷ như lũ ma trành chẳng hạn....
- Bẩm cụ, con nghe nói trên các miền thượng du này có rất nhiều chuyện ma kỳ quặc, chẳng hay có đúng hay chăng? Con chưa bao giờ ở lâu tại đồng rừng, nhưng cứ như mắt con đã thấy ở núi Gôi và tai con đã nghe ở Ðồng Giao, thì con phải tin rằng, trong cõi âm u lạnh lẽo của linh hồn, có nhiều sự dị kỳ hết sức. Con xin kể cụ nghe hai chuyện này, may ra cụ có thể chỉ giáo cho con được chút nào bổ ích chăng, vì sống trước con bốn năm chục năm, có lẽ cụ đã từng nghe nói về hai sự tích đó?
Vừa tiêm thuốc, tôi vừa kể dần dà hai câu chuyện bí hiểm lạ lùng, mà tôi đã tường thuật ở trên. Cụ như chăm chú nghe tôi lắm, thỉnh thoảng lại cười mỉm gật gù thưởng thức lời tôi. Khi thuật xong, cụ không đợi tôi phải hỏi, nói ngay rằng:
- Thầy với tôi hẳn có tiền duyên, nên mới gặp nhau tình cờ như hôm nay đó! Ðã là bạn có duyên với nhau tôi nhẽ nào chẳng bổ chính thêm vào câu chuyện của thầy cho nó có nghành có ngọn, khiến thầy có thể, một ngày kia, đêm hiến cho người đời. Quả như thầy đã tưởng, tôi có thể giúp thầy gây dựng lại sự tích nàng Oanh Cơ được. Hai câu chuyện của thầy vừa kể, mặt ngoài tuy không có liên hệ gì mật thiết với nhau, song, bề trong chính là do một gốc mà ra cả.
Ai ngờ một chuyện bị chìm vào dĩ vãng ngoài năm chục năm rồi, bây giờ lại còn có người moi móc lên được? Giá thầy không gặp tôi, chuyện đó sẽ không có gì lý thú đáng ghi chép cả, nó chỉ là hai đoạn dã sử rời rạc mà thôi. Ðã gặp tôi, tôi đem hai đoạn ấy chắp liền làm một, biến chúng thành một thiên bi sử ly kỳ. Ngoài tôi ra, hiện thời nay, thực không còn ai có thể giúp thầy làm nên việc ấy. Tôi nói ngoài tôi, bởi tôi là người độc nhất vô nhị giấu trong ký ức thiên bi sử ly kỳ đó. Thầy đã có duyên với tôi, thì tôi xin kể thầy nghe.
Ông cụ nói đến đây, ngừng lại một chút. Tôi càng nghe cụ, càng như nở từng khúc ruột, tai tôi nuốt lời cụ một cách thèm nhạt, ngon lành. Tôi thấy mở đầu đã khá dài, cũng hơi nóng ruột, muốn đi vào đầu đề tức khắc. May sao, ông cụ không để tôi mất công chờ đợi.
Ðêm hôm ấy, cũng trong một gian phòng lặng lẽ âm u, tôi được hớt trên môi ông bạn già lai lịch của hai võ sĩ ở núi Gôi, cũng như tôi đã trên môi anh Thuỷ đã làm quen được với một đóa hoa vô cùng mỹ lệ và biết một phần sự tích của nàng Oanh Cơ.
Trong hoàn cảnh đêm đó, chỉ kém có một cái bóng yêu kiều của Lệ Thi. Một cái bóng khác, may sao đền bù vào chỗ thiếu; Tuyết Tiên không hiểu vì đâu không nhắm mắt được, có lẽ cũng như tôi sợ con ma đàn bà bị đâm chết, nên mở cửa phòng sang nghe chõ chuyện dưới chân chồng, vẽ lên nền vàng xám của bức tường khách sạn một hình ảnh mảnh khảnh, dịu dàng, tha thướt như thông lay, buồn rầu như liễu rũ...
No comments:
Post a Comment