'cookieChoices = {};'

Tuesday, August 5, 2014

BÀ NGOẠI TÔI ( Part 3 )

Kỳ tích
Dần dần chính phủ Việt Nam mở rộng cửa mời Việt kiều về nước, cũng nhờ đó mà mẹ con chúng tôi được trở về thăm ông bà ngoại. Lần đầu tiên tôi trở về thăm quê hương sau 7 năm xa cách và cũng là 17 năm sau khi cuộc chiến tàn, cảm giác náo nức hồi hộp xen lẫn vui mừng không thể tả. Ngày ấy tuy đất nước đã trải qua nhiều thay đổi nhưng không có phát triển mạnh như ngày hôm nay. Lúc máy bay hạ cánh trên phi trường Tân Sơn Nhất, đứng trên máy bay nhìn qua khung cửa kiếng nhỏ tôi đã bật khóc khi thấy cái phi trường củ rích, những chiếc máy bay rỉ sét đang đậu trên sân bay. Tôi cảm thấy thương quê hương tôi nghèo nàn vì chiến tranh. Khi trở về căn nhà xưa tôi càng thấy bùi ngùi hơn, nước vôi trên các bức tường nhà đã bị loang lỗ rất nhiều, cái lan can bằng gạch cốt sắt vậy mà hình như cũng đã bị lệch, hàng hoa hồng tỉ muội chứa bao nhiêu kỷ niệm cũng không còn nữa. 

Ông bà ngoại tôi thì đã già yếu đi, chúng tôi bị cách biệt nhau khá lâu rồi còn gì. Tôi ôm bà ngoại tôi vào lòng, bà gầy nhom, lưng hơi còng, mái tóc lưa thưa bạc trắng xóa. Cuộc sống thực tế của ông bà không được thoải mái như được diễn tả trong những bức thư ông ngoại tôi gởi qua cho chúng tôi. Tôi quyết định khuyên ông bà ngoại tôi đi di dân để chúng tôi được gần gũi với ông bà hơn. Lúc đầu bà ngoại tôi sợ vì tuổi đã quá già sẽ là gánh nặng cho mẹ tôi, nhưng sau khi tôi nêu ra lý do là chính phủ Mỹ sẽ trợ cấp tiền sinh sống cộng với bảo hiểm sức khỏe cho người già, ông bà ngoại tôi chẳng những sẽ giúp đỡ mẹ tôi về mặt tinh thần mà còn giúp đỡ mẹ tôi về mặt vật chất, thì bà ngoại tôi bằng lòng di dân để giúp đỡ đứa con gái không chồng. Ông ngoại tôi cũng đồng ý đi theo bà ngoại:”Em đi, thì anh cũng đi”. Tôi cảm kích ông ngoại tôi, ông đã bỏ lại con cháu riêng của ông và đã chọn bà ngoại với mẹ tôi.
Mẹ tôi tiến hành việc bảo lảnh cho ông bà không bao lâu thì ông bà ngoại tôi được xuất cảnh. Đời sống của ông bà ngoại tôi ở Mỹ hơi buồn tẻ vì không có hàng xóm láng giềng hay có nhiều bà con để giao tiếp. May mắn là mẹ với ông bà ngoại tôi sống ở gần khu “Saigon nhỏ” ở miền nam Cali, nơi có cộng đồng người Việt đông đúc nhất, nên ông bà ngoại tôi có thể làm quen được nhiều người Việt. Còn về đồ ăn thì các món ăn Việt Nam từ Bắc, Trung, Nam tới món ăn Mỹ, Mễ, Thái lan ... đều khá đầy đủ. Bà ngoại tôi lại vốn rất ghét chế độ tại Việt Nam nên bà cảm thấy hạnh phúc và vô cùng hài lòng với cuộc sống mới. Điều an ủi to lớn nhất của bà ngoại vẫn là được sống bên cạnh mẹ tôi, và thỉnh thoảng được thấy mấy đứa cháu.
Vì phải chật vật với cuộc sống, luôn di chuyển từ thành phố này qua thành phố khác đi theo công việc, tôi đã không được ở gần với ông bà ngoại và mẹ tôi nhiều. Mãi cho tới khi đứa con trai đầu lòng của tôi được bốn tuổi, tôi mới tìm được công việc ổn định ở miền Bắc Cali. Gia đình tôi mua góp một căn nhà rồi tôi mời mẹ và bà ngoại tôi về ở chung. Tiếc rằng ông ngoại tôi đã qua đời trước đó vài năm. Sống với chúng tôi khoảng chừng hai năm thì bỗng dưng một hôm bà ngoại tôi bị trở hôn mê, đầu óc không còn tỉnh táo. Chúng tôi quá lo sợ gấp rút đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cố gắng chạy chửa được hai hôm nhưng tình trạng của bà ngoại tôi không hề tiến triển, càng lúc càng suy yếu. Bác sĩ chỉ biết phổi của bà ngoại tôi có quá nhiều nước nhưng không có cách nào để chữa trị ngoại trừ tiếp tục hút nước ra. Mẹ tôi đau buồn khóc lóc báo tin với bà con bạn bè xa gần để chuẩn bị tinh thần, vì có lẻ bà ngoại tôi sẽ phải ra đi bất cứ lúc nào. Tôi cảm thấy vô cùng bàng hoàng, tuyệt vọng đến cùng cực. Từ nhỏ tôi đã chứng kiến quá nhiều sự ra đi của những người thân người quen, tôi không có can đảm để đưa tiển bà ngoại tôi đi. Tôi lại đang mang thai đứa con thứ hai đã được hai tháng trong bụng, tôi rất mong muốn bà ngoại tôi nhìn thấy đứa nhỏ chào đời. Chơi vơi lạc lỏng trong cảm giác sợ hải, tôi không biết phải nếu kéo vào đâu và phải làm sao để cứu sống bà ngoại tôi. Tôi thẫn thờ đi dọc theo cái hành lang của bệnh viện vừa đi vừa lo lắng. Tôi bỗng để ý tới một bức tượng chúa Jesus nhỏ được đặt trên một cái bệ dựa vào gốc tường, bên cạnh là những bức tường làm bằng kiếng có thể nhìn ra ngoài sân trước của bệnh viện. Không hề suy nghĩ, tôi bước dần tới trước tượng chúa Jesus cầu nguyện:

-“Chúa ơi, xin chúa giúp cho bà ngoại con hết bệnh đi. Con thiệt không muốn xa bà ngoại con đâu!”
Tượng chúa im lặng... Lúc đó tôi điên rồ nghĩ tới câu chuyện mà tôi đã đọc, có người con vì muốn cứu sống cha mình, anh ta đã nguyện hy sinh tuổi thọ cho cha. Tôi lại khấn:
-“ Chúa ơi, con sẵn sàng hy sinh 10 năm tuổi thọ của con cho bà ngoại con. Xin chúa hãy cứu bà ngoại con đi!”
Tuyệt vọng tôi lại khấn tiếp:
-“Xin chúa cùng đức mẹ từ bi, hãy cho con dấu hiệu gì, xin cho con biết chúa sẽ nhậm lời con cầu xin. Xin cho con biết đi chúa ơi, chúa ơi…”
Vừa lúc đó, tôi nghe một tiếng nói của người đàn bà Mỹ phát ra từ sau lưng tôi:
-“Oh chúa tôi, trời đỗ tuyết!”
Theo phản xạ tự nhiên, tôi nhìn ra ngoài khung cửa kiếng lớn. Tuyết trắng đang rơi nhẹ giữa buổi trưa nắng ấm của tháng Hai. Tôi ngơ ngẩn hỏi người đàn bà Mỹ:
-“Vùng này thường có tuyết rơi vào tháng này không bà?”
Tôi hỏi vậy vì ở đây đã ba năm mà tôi chưa hề thấy tuyết rơi giữa ban ngày, có chăng chỉ là mưa đá. Người đàn bà nói:
-“Tôi chưa thấy tuyết rơi đã hơn 10 năm nay. Nếu có tuyết rơi thì ở vùng cao hơn một chút nhưng rất ít khi. Hôm nay mình chứng kiến được tuyết rơi ở đây thật là hiếm”
Tuyết rơi chừng khoảng 1 phút rồi ngưng hẳn, những hạt tuyết trắng tan nhanh trong nắng ấm. Bỗng dưng tôi cảm thấy có hy vọng, tôi chạy nhanh đi gặp bà ngoại tôi, bà đang nằm ngủ mê mang trên giường bệnh, hơi thở thật mệt nhọc. Dù vậy, tôi vẫn vững tin sẽ có phép mầu hiện ra cứu sống bà ngoại tôi.
Trưa hôm sau tôi vào bệnh viện thì gặp mẹ ở hành lang. Mẹ vui mừng nói với tôi:
-“Bà ngoại khoẻ rồi con ơi. Bác sĩ đã hút hết nước trong phổi cho ngoại. Từ tối hôm qua tới giờ, cơ thể bà ngoại không còn tạo ra nước nên phổi hoạt động lại bình thường. Bác sĩ muốn theo dõi thêm, bà ngoại mình có thể xuất viện trong nay mai”.
Tôi mừng rỡ chạy nhanh đi kiếm bà ngoại tôi. Vào phòng thì thấy bà đã ngồi dậy tươi tỉnh đang ăn sáng. Tôi hỏi thăm bà, rồi kể cho bà ngoại tôi nghe chuyện hôm qua tôi thấy tuyết rơi giữa trưa nắng, dấu hiệu chúa và đức mẹ sẽ cứu ngoại. Bà ngoại tôi là người đạo Phật nhưng rất tin đức mẹ và tôn trọng các tín ngưỡng khác. Bà ngoại nhẹ nhàng chỉ lên cây thánh giá treo trên tường nói:
-“Tối qua ngoại cũng thấy đức mẹ về, đứng gần trên cây thánh giá ở đầu giường nè. Đức mẹ im lặng không nói gì hết, chắc muốn kêu ngoại đừng lo”
Tôi tò mò hỏi:
-“Đức mẹ mặc áo gì ngoại?
-“Mặc nguyên bộ đồ đen”
-“Thông thường đức mẹ mặc đồ trắng mà, sao lại đồ đen? Ngoại có thấy mặt của đức mẹ không?”
Bà ngoại lắc đầu trả lời:
-“Không, đức mẹ cũng có mặc áo đen chứ. Ngoại biết chắc là đức mẹ”
Tôi không hỏi thêm gì nữa, bán tin bán nghi không lẻ bà ngoại tôi gặp tử thần áo đen như trong các giả thuyết. Hay không lẻ đức mẹ thật sự mặc áo đen thay vì áo trắng như tôi vẫn tưởng... Nghỉ ngơi ở bệnh viện vài hôm nữa thì bà ngoại tôi được xuất viện về nhà. Mọi người đều thở phào nhẹ nhỏm, bà ngoại tôi được khỏe mạnh lại như một kỳ tích lạ.


DTDT

No comments:

Post a Comment