Wednesday, August 27, 2014
Chu Công
Chu Công (chữ Hán: 周公), tên thật là Cơ Đán, là công thần khai quốc nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông có công giúp Chu Vũ Vương (Cơ Phát) lập ra nhà Chu (1122 - 256 trước Công nguyên), giành quyền thống trị Trung Hoa từ tay nhà Thương. Sau khi Chu Vũ Vương chết, Cơ Đán đã giúp vua mới là Chu Thành Vương xây dựng và phát triển nhà Chu thành một nước mạnh mẽ và có công xây dựng nên nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ trong quá khứ. Công lao to lớn của Cơ Đán với sự phát triển của văn hóa Trung Hoa khiến người ta gọi ông bằng chức vụ là Chu Công (quên đi cái tên Cơ Đán), khiến cho nhiều người lầm tưởng Chu Công là tên thật của ông.
Cơ Đán là con thứ tư của Tây Bá hầu Cơ Xương (Chu Văn Vương), sau Bá Ấp Khảo, Cơ Phát và Quản Thúc Tiên. Ban đầu Cơ Đán làm quan dưới triều của Cơ Xương.
Sau khi Cơ Xương mất, Cơ Phát thay chức của cha (do Bá Ấp Khảo bị vua Trụ nhà Thương sát hại), Cơ Đán làm quan giúp anh mình ổn định triều chính, cùng với công thần khác là Khương Tử Nha phát triển quân đội nhà Chu, từng bước tấn công nhà Thương đang suy sụp.
Năm 1123 TCN, khi Khương Tử Nha cùng Cơ Phát chỉ huy quân đội phát động cuộc chiến tranh chống nhà Thương, Cơ Đán cùng ra mặt trận. Tại trận quyết định ở Mục Dã, ông đã giúp Cơ Phát viết Mục thệ, kể lại toàn bộ tội ác của vua Trụ. Quân Chu đại thắng, tiêu diệt nhà Thương. Trong lễ lên ngôi của Cơ Phát, Cơ Đán cầm búa lớn, cùng một người em khác là Thiệu Công cầm búa nhỏ đứng hai bên Cơ Phát làm lễ cáo tế trời đất.
Nhà Chu lật đổ nhà Thương làm thiên tử, nhưng để giữ lòng người, vẫn phân phong cho người cũ của nhà Thương làm chư hầu. Vũ Vương cho con của Trụ Vương là Vũ Canh tiếp tục cai trị đất Ân để giữ hương hoả cho nhà Ân. Các vùng xung quanh nhà Ân còn chưa ổn định, nên chia làm ba khu vực: phía bắc Triều Ca đến đất Bội phong cho em trai Vũ Vương là Hoắc Thúc; phía đông Triều Ca là đất Vệ phong cho em vua là Quản Thúc, phía tây Triều Ca là đất Dung ông phong cho người em khác là Sái Thúc. Trên danh nghĩa, ba người em ông có trách nhiệm giúp đỡ Vũ Canh nhưng trên thực tế là để giám sát, vì vậy sử gọi là “Tam giám”.
Chu Vũ Vương lên ngôi khi tuổi đã cao, lại lo nghĩ nhiều về việc nước nên được vài năm thì mắc bệnh nặng. Ông sai người lập đàn tế, cầu khấn trước bài vị Thái Vương, Vương Quý và Văn Vương, mong được chết thay cho Chu Vũ Vương. Được vài hôm, bệnh của Vũ vương thuyên giảm.
Tuy nhiên không lâu sau đó, Chu Vũ Vương tái phát bệnh và qua đời (1116 TCN). Thái tử Tụng còn nhỏ lên nối ngôi, tức là Chu Thành Vương. Chu Công Đán được Chu Vũ Vương uỷ thác phụ chính cho cháu. Ông đã hết lòng phù trợ Chu Thành Vương qua giai đoạn khó khăn nhất của nhà Chu khi mới giành chính quyền.
Ba người em khác của Chu Vũ Vương là Quản Thúc Tiên, Hoắc Thúc Xử và Sái Thúc Độ được phong đất làm "Tam giám" để canh chừng Vũ Canh nhưng lại nghe theo lời dụ của Vũ Canh, mưu lật nhà Chu để khôi phục nhà Thương nên cùng khởi loạn. Quản Thúc sai người phao tin rằng:
Chu công có âm mưu cướp ngôi vua
Chu Công bèn đến giãi bày với Khương Tử Nha và Thiệu công Thích rằng:
Tôi không trốn tránh việc, phải ra mặt giúp nhà vua giải quyết việc trị quốc, là vì sợ có người chống lại vương thất nhà Chu.
Chu Công được phong ở nước Lỗ nhưng ông ở lại triều đình làm phụ chính cai quản mọi việc. Ông cho con là Bá Cầm thay mình về nước Lỗ thụ phong, trước khi đi ông dặn dò Bá Cầm phải rất khiêm nhường và giữ lễ nghĩa trong việc trị quốc.
Không lâu sau, Quản Thúc Độ, Hoắc Thúc Xử và Sái Thúc Tiên giúp Vũ Canh dấy binh của bộ lạc Hoắc Địa nổi loạn chống nhà Chu. Chu Công và Thiệu công tập trung dàn xếp xong việc nội chính, sau đó ông mang quân đi đông chinh.
Qua 3 năm chiến tranh (1113 TCN), Chu Công đánh bại được quân nổi loạn. Ông giết chết Vũ Canh và Quản Thúc Tiên; bắt Hoắc Thúc Xử và Sái Thúc Độ đi đày. Tuy nhiên Chu Công vẫn không hoàn toàn tận diệt họ nhà Ân. Ông phong cho tông thất nhà Ân là Vi Tử Khải ở nước Tống, phong đất Vệ của Quản Thúc trước đây cho em nhỏ của Vũ Vương là Khang Thúc.
Labels:
Truyện Cổ tích
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment