Theo lời anh tôi kể :
Anh tôi vượt biên vào tháng 11 năm 1978. Cũng đã đi nhiều lần, cũng lên “cá lớn, cá nhỏ” nhiều bận, bị lừa gạt, chạy xất bất xang bang nhiều phen, rốt cuộc đến được xứ sở tạm dung vào một ngày trời tối đen như đêm 30. Đến đảo Kuku, khi nơi đây dân tị nạn vừa chuyển tiếp từng đợt qua đảo lớn Galang nên chỗ này hoang vu lắm. Những dãy nhà dài bỏ không, cây cỏ xanh um, ngôi chùa ở lưng đồi, trơ những hàng cột và những tấm bạt nilon rách bươm phần phật trong gió, và nghĩa địa, nơi những người tị nạn sớm bỏ dương trần, những bia gỗ sắp hàng trong cái lạnh lùng hoang dã không sinh khí.
Nhưng, phong cảnh đảo thì tuyệt đẹp, đi sâu vào trong, có dòng suối, có những mỏm đá hữu tình, bờ biển cát trắng, nước trong. Những ngày đầu, qua một hành trình mệt nhọc trên biển, bây giờ mới biết chắc mình còn sống. Lúc đầu, chân lơ lửng bềnh bồng như trên sóng, mấy ngày sau, mới bình thường đi lại vững vàng trên mặt đất.( Anh tôi bị say sóng khá nhiều )
Thời khắc mà nhìn biển với màu xanh mù mịt thăm thẳm đã qua. Nhớ lại cảm giác,trên hành trình, nhìn đại dương xanh biền biệt một màu, nhất là vào những buổi chiều tắt nắng sao cô đơn và phập phồng chi lạ, biển càng sâu thì là 1 màu tối đen như mực trông rất dễ sợ , không như gần bờ được màu xanh mà ai cũng tả biển thơ mộng và tình tự như những câu truyện hay trong phim, biển với những tay sóng thịnh nộ như lúc nào cũng muốn ra oai vùi dập với con người và con thuyền gỗ nhỏ bé. Biết bao nhiêu người vùi mình dưới đáy đại dương, biết bao nhiêu con thuyền vỡ tan trong giông bão. Đến lúc nhìn thấy những cánh chim sao ấm áp quá, đất liền đã hiện ra, và cái sống đã như trở lại.
Bây giờ, biển lại hiền hòa vỗ về bờ cát, bây giờ, biển lại âm vang những khúc tình ca. Ngay cả khi trong những cơn mưa nhiệt đới, dù mù mịt ngoài khơi nhưng trong bờ nước ấm áp dễ chịu. Ngọn núi ở phía trong, với những đường mòn khuất khúc, với những khoảng rừng thưa, như hứa hẹn những không gian nào, nơi chốn nào cho tìm tòi khám phá. Hết rồi những ngày bị dòm ngó, bị đe dọa ở quê hương. Saigòn, có những lúc rưng rưng nhớ, những lúc lo âu thấp thỏm khi bị gọi đi nghĩa vụ quân sự, thành phố của những ngày mới lớn, của những mơ ước, của những nỗi niềm.
Ở Kuku nửa tháng rồi có tàu lớn chở qua Galang, một cuộc sống khác bắt đầu, như ở một phố nhỏ nào lạ lẫm. Một con đường trải nhựa từ bến tàu đi vào trung tâm đảo. Những dãy nhà tôn hai bên, khu Galang I, con đường đi qua tới cuối đảo là khu Galang II đang xây cất. Lúc ấy cả đảo có chừng gần hai chục ngàn thuyền nhân, có người di chuyển từ Mã Lai, Thái Lan hoặc Hồng Kông tới. Thuyền nhân Hồng Kông thì có bề ngoài bảnh bao hơn những nơi khác đến. Có những nghẹn ngào cố nén xúc động khi nhắc về những người đã khuất và những chuyện thương tâm. Biển đưa người đi nhưng biển cũng vô tình giết người.
Ở đó, một cuộc sống tạm bợ lạ lùng bắt đầu, tất cả mọi người được cấp lương thực hai tuần một lần, có nơi phát thư để mong có những liên hệ với thế giới bên ngoài, và người thân còn ở lại Saigon, có văn phòng cao ủy để làm thủ tục định cư, có ban đại diện trại để lo những công tác công cộng.
Nhìn bề ngoài thì như vậy, nhưng trong thâm tâm mỗi người tị nạn chất chứa đầy ắp những nỗi niềm. Riêng anh tôi, may mắn mọi chuyện trót lọt, không phải lo lắng đến chuyện là có được đi Mỹ hay không như những gia đình khác không có thân nhân hay người thân làm việc cho Mỹ nên tâm tư thoải mái hơn. Còn phần đông, với mọi người là cảnh huống nóng lòng chờ đợi ngày đi định cư. Những ngày ở đảo, dài theo chuỗi đợi chờ, có nhiều người bị ở đây cả 2 năm nên tinh thần khá sa sút. Những cái loa, báo tin mừng, tin buồn. Người đi vui vẻ - Người ở lại, lo lắng đợi chờ....
No comments:
Post a Comment