'cookieChoices = {};'

Thursday, August 28, 2014

Tây Sở Bá Vương

Hạng Tịch (項籍) (232 TCN-202 TCN), tên tự là Vũ/Võ (羽), còn gọi là Tây Sở Bá Vương (西楚霸王). Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ (Lưu Bang) đầu thời nhà Hán.

Tiểu sử
Hạng Vũ có tên húy là Tịch, người đất Hạ Tương. Vũ là tên tự của ông. Hạng Vũ là cháu nội đại tướng Hạng Yên nước Sở thời Chiến Quốc, người bị tướng nước Tần là Vương Tiễn giết.


Theo Sử ký, họ Hạng đời đời làm tướng nước Sở, được phong đất ở Hạng cho nên lấy họ là họ Hạng. Cha Hạng Vũ mất sớm nên ông sống với chú là Hạng Lương - con thứ của Hạng Yên.

Lúc còn nhỏ, Hạng Tịch học chữ nhưng học không nên, bèn bỏ đi học kiếm thuật, cũng không nên. Hạng Lương nổi giận mắng, Hạng Vũ nói:

Biết chữ chỉ đủ để viết tên họ mà thôi. Kiếm chỉ đánh lại một người, không bõ công học. Nên học cái đánh lại được vạn người!

Hạng Lương bèn dạy cháu binh pháp. Hạng Vũ rất mừng, nhưng ông cũng chỉ học để biết qua ý nghĩa, chứ không chịu học đến nơi đến chốn.

Hạng Lương có lần giết người, để tránh báo thù, bèn cùng Hạng Vũ bỏ trốn đến đất Ngô Trung. Hạng Lương tỏ ra là người có tài hơn các kẻ hiền sĩ và đại phu ở đất Ngô Trung, rất có uy tín trong vùng. Còn Hạng Vũ khi lớn lên mình cao hơn tám thước[1], có sức mạnh cất nổi cái vạc, tài năng, chí khí hơn người. Các con em ở đất Ngô Trung đều sợ ông.

Khi Tần Thủy Hoàng đi chơi đất Cối Kê, vượt qua Chiết Giang, chú cháu Hạng Lương và Hạng Vũ cùng đi xem. Hạng Vũ trông thấy vua Tần nói:

Có thể cướp và thay thế hắn!
Hạng Lương nghe nói vội bịt miệng cháu:
Đừng nói bậy! Bị giết cả họ bây giờ!
Tuy mắng cháu nhưng nhân việc này, Hạng Lương coi cháu là kẻ khác thường.

Biệt Ngu Cơ

Hạng vương đóng quân ở trong thành Cai Hạ, binh ít, lương hết. Quân Hán và quân chư hầu bổ vây mấy vòng. Đang đêm, Hạng vương thức dậy nghe quân Hán ở bốn mặt đều hát giọng Sở, Hạng vương kinh hoàng, nói:

Hán đã lấy được Sở rồi sao? Sao mà người Sở lại đông như thế?

Đêm đó Hạng vương uống rượu trong trướng cùng mỹ nhân Ngu Cơ. Hạng vương đau đớn cảm khái làm bài thơ, được đời sau gọi là bài "Cai Hạ ca":

Lực bạt sơn hề, khí cái thế,
Thời bất lợi hề, Truy bất thệ
Truy bất thệ hề khả nại hà,
Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà.

Dịch:

Sức dời núi, khí trùm trời,
Ô Truy chùn bước bởi thời không may!
Ngựa sao chùn bước thế này?
Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng?

Hạng vương ca mấy lần, Ngu Cơ múa kiếm, hát hòa theo, lời ca rằng:

Hán binh dĩ lược địa,
Tứ diện Sở ca thanh.
Trượng phu ý khí tận,
Tiện thiếp hà liêu sinh.

Dịch:

Quân Hán lấy hết đất,
Khúc Sở vang bốn bề.
Trượng phu chí lớn cạn,
Tiện thiếp sống làm chi.

Rồi Ngu Cơ tự vẫn. Tương truyền nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ hễ có rót rượu gần bên thì cỏ múa lả lướt như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ. Người ta gọi cỏ ấy là "Ngu mỹ nhân thả.

Theo Sử ký, khi Ngu Cơ chết, Hạng Vương khóc chảy nước mắt, tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng lên nhìn.

No comments:

Post a Comment