'cookieChoices = {};'

Friday, October 10, 2014

Khu Cầu Kho


Khu Cầu Kho trước kia thuộc quận Nhì, Sài Gòn, nay nằm ở quận Một, cũng là một địa danh quen thuộc như Nancy, Mả Lạng, Đa Kao, Vườn Chuối, Bàn Cờ...
Cầu Kho vốn mang ý nghĩa cây cầu nằm cạnh kho chứa lương thực. Kho lúa ngày đó nằm trên nền nhà thờ Cầu Kho ngày nay.
Địa danh này nằm trong bài phú Cổ Gia Định Phong Cảnh Vịnh, do Trương Vĩnh Ký sưu tầm:

Kho Cẩm Thảo chứa thuế vua, mạch nước sữa dân ai dám đá.
Chùa Kim Chương làm tôi Phật, tương chua muối mặn sãi trường chay

Bùi Thụy Đào Nguyên chú thích như sau:
“Kho Cẩm Thảo còn gọi là kho Giản Thảo ở làng Tân Triêm, do chúa Nguyễn sai lập năm 1741. Đây là dãy nhà kho chứa lúa thuế từ Nam Kỳ lục tỉnh chở lên nộp cho triều đình. Trên bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815, nó được vẽ rõ rệt (hình vuông, có sông rạch bao quanh). Vị trí kho nay là nhà thờ Chợ Kho. Mạch nước sữa dân, ý nói số lúa này dành để phục vụ cho dân cho nước.
Chùa Kim Chương hay Kim Chung tự. Chùa này lại xây trên một nền chùa Chân Lạp đã có trước đời Gia Long. Theo Trương Vĩnh Ký thì chúa Nguyễn Phúc Thuần và chúa Nguyễn Phúc Dương đều bị quân Tây Sơn hành quyết tại đây lối năm 1777. Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ (1861), chùa Kim Chương đã được tháo dỡ đem về xã Mỹ Thiện (nay là xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnhTiền Giang)”.

Khu Cầu Kho nhìn ra rạch Bến Nghé. Con rạch này một đầu đổ ra sông Sài Gòn để ra biển, đầu kia chảy xuống kênh Tàu Hủ, kênh Đôi... tỏa xuống các sông ngòi kênh rạch nên ghe thuyền hàng hóa lưu thông dễ dàng từ dưới miền Tây lên. Mấy chục năm trước, rạch Bến Nghé nước còn trong xanh, tàu thuyền qua lại nườm nượp. Về sau, nhà sàn ngày càng lấn ra khiến con rạch giống như kênh Nhiêu Lộc, kênh Ba Bò... trở nên ô nhiễm nặng nề.
Rạch Bến Nghé có nhiều nhánh mương đâm ngang. Vì thế có những cây cầu nhỏ nằm trên đường Bến Chương Dương bắc ngang qua các nhánh đó như cầu Bà Đô nằm ở ngã ba chợ Nancy bắc qua rạch Bà Đô, cầu Bà Tiềm gần chợ Cầu Kho... Ngày xưa, ghe nhỏ có thể đi trên các nhánh mương rạch này vào sâu trong đất liền. Hai bên dừa nước mọc, lau cỏ um tùm và dưới làn nước trong, cá lội tung tăng. Hàng mấy chục năm nay, nhà cửa mọc lên lấn chiếm, rác rến đổ xuống, các nhánh mương nhỏ bị bồi lấp, cạn dần và cây cầu hòa lẫn vào đường dài, chỉ là đoạn bê tông hơi dốc một chút. Mặc dầu tấm bảng cầu Bà Đô đặt đó nhưng ít ai thấy được mình đang đi trên một cây cầu.
Riêng cầu Bà Tiềm thuộc khu Cầu Kho vẫn tồn tại mặc dù nhìn xuống mương phía bên trong, sau này chỉ là đống rác lưu cữu. Phía ngoài, bờ rạch Bến Nghé ngay dốc cầu là một cây gòn cao xanh tươi. Tới mùa trái chín, lá rụng hết bày ra toàn gòn dài như trái mướp xanh rồi chín vàng treo lủng lẳng đầy cành. Cầu Bà Tiềm chưa biến thành đường hẳn như cầu Bà Đô nhưng cũng không được sửa chữa nên từ nhiều năm trước, người ta đã phải đặt hai chiếc thùng phuy giữa đường để ngăn xe tải nặng đi qua.
Cho đến mấy năm gần đây khi nhà cửa bị giải tỏa để xây xa lộ thì khúc mương cụt hoàn toàn thế bằng cống hộp, mặt mương san bằng thành mảnh sân rộng rãi cạnh trường tiểu học Chương Dương, cầu Bà Tiềm mất luôn, chỉ còn dấu tích là vạt đất cao chạy ngang trước mặt trường. Cùng dãy với trường Chương Dương có kho kiểm lâm sau 75 vẫn dùng chứa cây, gỗ, bán củi thước cho dân chúng mua về đun nấu. Nay là chung cư.
Bến Chương Dương như các “Bến” khác là những con đường cặp theo sông rạch nhưng ít ai nhìn thấy sông nước vì nhà cửa che khuất. Mặt tiền đường phía rạch là các vựa bán vật liệu xây dựng: cát, gạch, xi-măng…, xưởng gỗ chuyên đóng cánh cửa, khung cửa, cầu thang, ván, tủ... và đủ thứ hàng: cửa hàng bán gạo, lò heo quay, hàng nghêu sò ốc hến... Đằng sau dãy nhà mặt tiền đó là nửa nhà sàn tức là nhà xây một nửa trên đất, một nửa dưới sông. Tiếp theo mới là nhà sàn thực sự bắc trên cọc tua tủa. Không phải một lớp mà là nhiều lớp nhà sàn nằm song song có lối đi bắc ván ngoằn ngoèo như hẻm hẹp để rẽ vào các nhà. Nhà sàn thường được làm bởi vật liệu nhẹ, đơn sơ. Mái lợp tôn, cả vách và nền đều là ván nên Bà Hỏa thường xuyên rình rập. Cư dân nhà sàn than thở đồ vật lặt vặt cứ lọt sàn rớt xuống sông hoài. Nhà sàn phát triển theo dân số gia tăng. Rác rưởi, chất thải trong mọi sinh hoạt thường ngày đều đổ thẳng xuống sông khiến cái bể chứa rác tự nhiên ấy cũng chịu hết nổi. Mặc dù vẫn thủy triều lên xuống nhưng nước rạch dần dần trở nên đen ngòm và đặc sệt đưa mùi hôi khó chịu.
Dọc rạch Bến Nghé có mấy bến đò ngang. Phía bờ sông thuộc Cầu Kho trước kia cũng có một bến đò để qua lại quận Tư. Đường xuống bến nhỏ hẹp như một con hẻm vì phải đi xuyên qua dãy nhà mặt tiền, qua lớp nhà sàn. Nếu không phải dân địa phương hoặc dân cần qua sông thì người đi đường, hiếm ai biết có một bến đò nằm ở đó. Hết quãng đường đất mấp mô lầy lội vào mùa mưa đến mấy tấm ván bắc xuôi xuống mép nước. Nhà sàn ăn lấn ra rạch nhiều quá nên đò trôi chưa được mấy nhát chèo đẩy đã quay mũi lại. Lòng rạch bồi lắng nếu gặp hôm nước cạn thì chỉ xoay mũi đò là vừa bắc cầu leo lên bờ rồi. Cả người đi bộ, cả xe đạp, xe máy của dân chúng hai bên bờ Chương Dương và Vân Đồn đã bao nhiêu năm lưu thông trên những chuyến đò tiện lợi ấy.
Dọc theo Bến Chương Dương có nhiều cảng. Ngay ngã ba Nancy là cảng Thơm. Còn ở đây, gần bến đò là cảng Mía. Mỗi khi con nước lên, mía xuống cảng tạo nên khung cảnh đông đúc, rộn rịp. Để lên hàng, nhiều ghe neo mấy ngày liền san sát dưới sông, các thanh niên cởi trần vác từng bó mía dài chuyển lên xe tải phân đi các nơi. Khi xe chưa kịp đến, mía chất cao bên đường. Người khuân vác, kẻ đẩy xe cút kít ồn ào...
Cảng bao giờ cũng gắn liền với chợ. Vì thế đối diện với cảng Thơm là chợ Nancy, còn đối diện với cảng Mía ở đây là chợ Cầu Kho. Đây được tính là ngôi chợ khá lớn vì có nhà lồng hẳn hoi. Xửa xưa, chợ chỉ là mái lá lợp trên cột là những thân cây tràm cong queo trống trải như mọi cảnh chợ quê. Thời Pháp thuộc, xe ngựa chạy lóc cóc. Ông xà ích ghé chợ uống ly cà phê xây-chừng...
Rồi chợ dần dần được sửa sang đẹp hơn, tường xây, mái ngói... Ghe thuyền neo dưới bến, dân thương hồ lên bờ ghé chợ chơi. Vì thế chợ lúc nào cũng tấp nập. Chung quanh chợ là các quán ăn uống. Từ chiều tối, bàn rượu bày ra trên vỉa hè, đèn hột vịt leo lét suốt đêm trên những chiếc bàn gỗ thấp bé, những chiếc ghế gỗ xiêu vẹo túm tụm cho bữa nhậu bình dân của các tay giang hồ.
Tuy nhiên, khi chợ khang trang lên, ngoài cổng là mấy tiệm vàng sáng rực, tiệm chụp hình, tiệm may vest... thì khách đi chợ lại giảm nhiều. Chợ Cầu Kho sửa chữa mấy lần. Lần cuối vào những năm 90, chợ được xây vững chắc. Tầng trệt là chợ, trên lầu là nhà chung cư. Sau này chỉ số ít người ở ngay sát cạnh mới đi chợ Cầu Kho, các bà nội trợ tỏa ra chợ Cô Giang, chợ Thái Bình, chợ Sở Thùng hoặc chợ chồm hổm họp trong hẻm gần xóm Chùa tức chùa Thiên Phước, cũng nằm trong khu vực Cầu Kho. Lại thêm một loạt siêu thị mọc ra gần đấy ở Cống Quỳnh, Nguyễn Trãi, khu nhà bờ sông bị giải tỏa trắng... khiến chợ Cầu Kho càng đìu hiu. Trong nhà lồng tối om, rộng rinh toàn sạp trống.
Bây giờ gọi là chợ Cầu Kho chỉ còn sót một xe đẩy bày vài miếng thịt heo, một hàng rau. Mặt tiền tầng trệt quây tường kín nên vài người chiếm vỉa hè bán thức ăn. Ban ngày là hàng bánh cuốn, cà phê, uốn tóc... Đặc biệt buổi tối có hàng mì và hủ tíu chỉ là món chay bình dân mà ngày càng nổi tiếng. Vào những tối rằm và mùng một, xe gắn máy của khách ăn từ khắp nơi kéo đến đậu chật cứng, bàn ăn bày dài dài dưới lòng đường vì đâu còn chỗ ngồi trên lề. May đây là cuối đường khá vắng nên hàng ăn mặc sức bành trướng. Mọi sinh hoạt buôn bán, ăn uống đều bung ra hết ngoài lề đường quanh chợ thật vui vẻ.
Những người buôn bán cũ đã chuyển nghề khác nhưng vẫn ráng chiếm chỗ. Sau lưng chợ là dãy phòng hộp quẹt chừng vài ba mét vuông với lối đi rất hẹp nhưng tập hợp mấy gia đình ba đời làm đủ nghề, cùng sống trong một không gian không thể chật hẹp hơn.
Chợ Cầu Kho đi xuống một chút về phía đại lộ Trần Hưng Đạo là nhà thờ Cầu Kho. Đối diện là trường tiểu học Thanh Trí sau này thành trường cấp II rồi giải tán.
Kho đã mất dấu từ lâu nhưng Cầu Kho quá nổi tiếng, được định vị trí cho cả một khu vực rộng lớn đến nỗi băng qua đường Trần Hưng Đạo sang bên kia đường là trường tiểu học cũng được đặt tên Cầu Kho, về sau đổi thành trường Trần Hưng Đạo. Hồi đó nữ sinh tiểu học mặc đồng phục nguyên bộ quần áo vải trắng. Đó là trường tiểu học lớn nhất khu vực này. Như mọi ngôi trường xưa được xây cất khi đất đai chưa chật chội, kiến trúc giống trường Nguyễn Thái Học, Phan văn Trị... đều có sân rộng rãi với tàng cây cổ thụ. Một trong sân, một ngoài trường tỏa bóng mát xanh mướt.
Trường Cầu Kho gần Sở Cứu Hỏa có nhiều con em của nhân viên trong đó theo học nên lúc trước, vào cuối ngày, Sở Cứu Hỏa thường cho xe bồn qua phun nước rửa sân. Bởi vậy sân trường bao giờ cũng rất sạch. Giờ Thể dục, giờ Nhạc hay chơi đùa dưới sân, học sinh có thể ngồi xệp xuống đất mà không sợ dơ.
Gần đó cũng ngay mặt tiền Trần Hưng Đạo là nhà của nghệ sĩ cải lương Thanh Nga từng có lúc mở quán ăn Phà Ca. Giờ tan học, lũ học sinh nhỏ thường đến lấp ló đợi cô đào giải Thanh Tâm hiện ra để chạy tới xin hình mà chẳng bao giờ gặp.
Bên này đường đối diện với Sở Cứu Hỏa là hẻm trại cưa vì hai căn nhà đầu hẻm là xưởng gỗ, trại cưa. Trại An Quốc Cường giờ là nhà hàng Food Center thường được mọi người gọi Nhà hàng Đen, do mặt tiền ốp toàn đá đen. Còn trại kia không hiểu sao vẫn còn khi các nhà khu vực này đều xây mới thành ngân hàng, văn phòng công ty, cửa tiệm... sáng sủa phù hợp với vị trí mặt tiền của đại lộ chính hơn là một trại cưa cũ kỹ.
Con hẻm này chạy thông ra Bến Chương Dương, trong đó có chùa Thiên Phước và miếu Ngũ Vị. Hiện nay, ngôi miếu là một căn nhà nhỏ lâu ngày không được sửa chữa nên hư hỏng trong khi trang thờ Ngũ Vị náu trong sân chùa không biết ngày nào trở về. Mỗi năm tới ngày cúng Bà, tại nơi trú tạm ấy, lễ hội vẫn được dân trong xóm tổ chức cúng bái long trọng, linh đình.
Khu vực này cũng là nơi từng đặt tòa soạn của nhật báo Tia Sáng, The Sài Gòn Post..., là nơi cư ngụ của một số nhà văn như Tam Lang Vũ Đình Chí, tác giả phóng sự nổi tiếng Tôi Kéo Xe, nhà văn Sỹ Trung viết tiểu thuyết tâm lý tình cảm xã hội sau này sống ở Pháp. Nhà văn Viên Phong trong nhóm Hàn Thuyên đã qua đời tại Mỹ, ở cùng ngõ với thầy Nguyễn Văn Phú, hiệu trưởng trường Hưng Đạo (đường Cống Quỳnh) hiện sống ở Canada và em trai là ông Nguyễn Trọng Nho, chủ nhà xuất bản Đường Sáng...
Khu Cầu Kho bây giờ thay đổi khó nhận ra. Các chung cư, ngân hàng, nhà cao tầng... mọc lên mang vẻ mặt đô thị mới mẻ. Chợ Cầu Kho trong tương lai không biết sẽ làm gì, trung tâm thương mại chăng, hay chung cư phức hợp... Ngoại trừ nhà thờ Cầu Kho thì địa danh này chỉ còn nằm ở tên phường. Nhà sàn giải tỏa trắng trả lại bờ sông phẳng phiu kè đá. Con đường dọc theo rạch biến thành đường cao tốc chạy dài từ Thủ Thiêm xuống tận Long An. Nước rạch đã bớt đen, những con cá nhỏ bắt đầu xuất hiện lại.
Nào cảng, nào bến đò... đã lui vào nằm trong Sử cùng với Kho, với Cầu... của Sài Gòn trăm năm.... 


Anh Nguyễn 

1 comment:

  1. Tên tác giả bài viết là NGuyễn thị Hàm Anh

    ReplyDelete