Vào những ngày giữa mùa đông chúng tôi có một tin buồn. Lê Thùy Kim Liên sắp đi lấy chồng. Nguyễn Thịnh báo tin buồn não nề này. Tôi bỗng thấy mình lớn để thấy mình... thất tình.
- Thằng này ở Hải Phòng sang cớp Kim Liên, chúng mày ạ!
Thịnh chán nản nói. Và hỏi:
- Làm sao đây?
Làm sao bây giờ? Những giờ học không còn hứng thú nữa. Những buổi sáng chào cờ, dù Hoàng văn Lộc chỉ diễn có mỗi màn hài hước duy nhất, chúng tôi vẫn cườ khoái trá.Trò của Lộc hơi nguy hiểm. Theo lệnh của tòa tỉnh trưởng, học sinh buổi sáng làm lễ thượng quốc kỳ, học sinh buổi chiều hạ kỳ, và cả hai buổi đều phải hát bài chào cờ từ đầu đến cuối. Con nhà Lộc tranh chức kéo cờ. Hôm thì "ăn cơm tháng" ở cuột cờ, nghĩa là nó kép cờ nhích lên tí một. Cả làng hát hết quốc cá lá cờ mới lơ lửng giữa cột. Thầy giáo và học trò đứng nghiêm vì tôi chưa hô "thôi". Lộc kéo cờ, tôi hô lệnh. Con nhà Lộc bắt cả trường chào cờ mỏi... cổ.
Tôi không thiết hô "chào cờ, chào" và "thôi" làm hề với Lộc nữa. Bởi tại người yêu chung của chúng tôi sắp đi lấy chồng. Tôi vẫn ngồi trong lớp, tôi vẫn ăn cơm, uống nước, lên giường ngủ nhưng tâm hồn tôi gửi ở nhà ông đồng Tía hay in trên cánh buồm máu. Và khi tâm hồn tôi nằm trên cánh buồm máu, tôi bèn tái bản giấc mơ làm tướng cướp, tái bản với phần sửa đổi.
"Em Lê Thùy Kim Liên,
Ta biết em bị ông bà via bắt lấy thằng chồng xí giai kia. Em đau khổ. Em đã khóc xưng mắt. Ô, chỉ vì ta mê mải chuyện hải hồ không về kịp, dân ông via em trăm cân vàng để ông via em cung cấp cho lũ chầu văn mà tha hồ lên đồng và xin cưới em. Ta vừa cướp được một cục kim cương, ta định rở về đưa em thì em đã... sang ngang. Ta là Thủy Tinh đến muộn. Không, ta sẽ không thua thằng Sơn Tinh đâu. Ta sẽ về đúng đêm tân hôn, cho thủ hạ lên bờ, xua chúng vào nhà trai, bắt thằng chồng xí giai của em đem đi làm nô lệ. Và đôi ta sống bên nhau.. Kim Liên, em hỡi, Kim Liên, Anh đưa em tới một miền yêu đương. Đợi anh, anh lại về trong tiếng cười rộn rã, em nhé!"
Lúc mơ màng, tôi thấy mình thật vĩ đại. Bây giờ, hàng ngày chúng tôi tập trung ở nhà anh rể của Thịnh để bàn bạc tin tức "con đẹp quá" đi lấy chồng.
- Thằng rể ông đồng Tía già quá, chúng mày ạ!
- Bao nhiêu tuổi?
- Gần bằng ông đồng Tía!
- Trời ơi, sao nó lấy em của chúng ta? Phải bảo thằng Lộc cho nó một bài học đích đáng.
- Này, thằng này có vợ rồi. Em bị lấy nó làm vợ lẽ!
- Mẹ, chắc nhà nó giầu!
- Nghe nói ông đồng Tía đánh bạc thua liểng xiểng, phải bán con gái cho thằng ở Hải Phòng.
Đàm Viết Minh nghe tin-có-phần-bình-luận, thở dài.
- Ôi, nàng bán mình chuộc tội giùm cha.. Nàng là Thúy Kiều. Còn ta, ta là Kim Trọng.
Minh chủ quan:
- Tao biết, nàng đã than thở Đàm lang, ơi hỡi, Đàm lang. Thôi thôi, thiếp đã phụ chàng từ đây.
Tôi hung hăng:
- À, nếu vậy, ông sẽ đếch làm hải tặc nữa, ông noi gương Từ Hải. Biên thùy một cõi vẫy vùng, Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
Đặng Xuân Côn đập bàn:
- Cần phải có vụ cháy nhà trong đêm tân hôn. Thằng xấu giai kia sẽ chạy lấy cái thân nó. Nó ích kỷ, hèn nhát. Còn tao, tao khoác bao tải tẩm nước, lao vào lửa cứu em ra.
Côn hiền lành nhất trong bọn tôi. Thế mà khi yêu..."tập thể", nó hung hăng ra phết. Nguyễn Thịnh "yếm thế" hơn cả ai. Nó thở dài:
- Nhạc sĩ Canh Thân mê nàng Ngọc Dậu, theo nàng mòn cả đường liên khu ba. Cuối cùng, chàng về Hà Nội, nàng ở lại đem tiếng hát reo rắc khắp chốn. Ôi, tao sẽ rời Thái Bình cho nàng đi lấy chồng.
Vào những ngày thất tình "tập thể" của chúng tôi, chiến trường Thái Bình đã bắt đầu khốc liệt. Đêm, ngày, giàn đại bác 105 ly đặt ở gần bờ sông, quay mặt về làng mạc phía bên kia sông, khạc đạn không ngừng. Chiến tranh sát nách chúng tôi. Chiến tranh tàn nhẫn cùng độ. Những cái chết khủng khiếp diễn đều mỗi đêm tại cầu Bo. Chúng tôi chỉ nghe để sợ. Mấy thanh sắt chắn ở hành lang cầu đã bị bẻ cong, đủ lọt một người bị đẩy rơi xuống sông Trà Lý. Phòng nhì Pháp và thuộc hạ của ông ba Ch., tức quan ba Vương V. Ch. đã thủ tiêu hàng ngàn người nơi đây. Người lớn kể rằng: ông bà Ch. Có gã vệ sĩ uống máu người không tanh tên Tâm. Nó là người Thổ. Gã Tâm bắt tử tội há miệng rồi dùng dao găm đâm thẳng vào họng kẻ bất hạnh. Và đạp xuống sông Trà Lý. Mỗi xác chết được đem về địa ngục một con dao găm. Dân chài vớt được xác chết nào có lưỡi dao đâm vô họng lút cán thì đó là "tác phẩm" của thuộc hạ của ông bà Ch. Rồi những cuộc hành quân càn quét của lính Pháp, bắt về thị xã biết bao nhiêu dân quê. Chúng tôi nhìn rõ sự khốn cùng của đồng bào mình. Nhưng mà, tất cả chỉ thoánng qua rồi trở thành xa lạ. Dân thành thị vốn ích kỷ. Chiến tranh kệ nó, mình không sao cả là được. Và dẫu có muốn làm gì cũng vô ích. Dân vùng tề, sống cá chậu, chim lồng. Thân phận mình ví như con cá nằm trên thớt. Người lớn câm lặng. Trẻ con... vô tư. Học trò nô đùa, nghịch ngợm. Chúng tôi lại còn yêu "tập thể" nữa. Yêu trong những tiếng đạn đại bác đêm ngày liên tiếp câu về quê hương mình.
- Bây giờ tính sao?
- Tính sao bây giơ?
Đặng Xuân Côn chợt nhớ em Hà cạnh đền Mẫu. Nó không thích có vụ "cháy nhà trong đêm tân hôn" nữa. Nó nói:
- Em đi lấy chồng là hết. Như chó chết là hết chuyện vậy.
Đàm Viết Minh gân cổ:
- Tại sao mày ví em với chó?
Nguyễn Thịnh cũng bất bình:
- Thế ra bọn mình yêu... chó à?
Tôi cáu sườn:
- Thằng Côn có con Hà rồi, nó cóc cần em Liên đâu. Từ xưa đến nay, nó yêu em... giả vờ. Mẹ, nó chép thơ Nguyễn Xuân Huy suốt ngày ngâm cái câu Cho Hà thêu đi anh.
Tôi vênh mặt nhìn Côn:
- Mày tưởng con Hà hách lắ hả, Côn? Nhà em bán nước mắm, em sẽ bị nước mắm ám mùi.
Côn đỏ mặt, chối lia lịa:
- Tao..tao.. đâu thèm mê con nhà bán nước mắm. Mày chỉ được cái nước bịa. Em bán nước mắm bao giờ? Ông via em làm ở tòa tỉnh. Nhà em cho thuê cửa hàng bán nước mắm đấy chứ.
Tôi cố hạ Đặng Xuân Côn:
- Nhưng tao đã thấy em thường đứng bên cạnh chum nước mắm. Em thêu bên cửa bao giờ? Nước mắm nó ám vào người em thì mơn mớn trăm vẻ xinh ở cái khổ nào nhỉ!
Đặng Xuân Côn lý luận:
- Em chỉ đi qua mấy chum nước mắm thôi.
Tôi hỏi:
- Đi qua mỗi ngày mấy lần?
Côn chưa kịp đáp, Nguyễn Thịnh đã gắt:
- Đang bàn chuyện em Lên đi lấy chồng, chúng mày lại tương... nước mắm vào.
Đàm Viết Minh khôi hài:
- Cho nó sót sa. Mà sót sa thật. Tao tự hỏi tại sao chúng ta nỡ để một thằng xấu giai từ Hải Phòng qua Thái Lọ, cuỗm con gái ông đồng Tía? Chúng ta hèn thế ư? Kim Trọng hèn thế ư? Tao muốn nhờ thằng Lộc cho thằng Hải Phòng một trái quai hàm quá.
Nguyễn Thịnh xua tay:
- Không nên, âm nhạc không diễn tả các cuộc đánh nhau.
Minh sự nhớ ra:
- Ừ nhỉ, thơ cũng vậy.
Vậy là "âm mưu" dùng "đồ tể" Hoàng văn Lộc "cho thằng xấu giai lấy em Kim Liên một bài học" đã bị hủy bỏ để thay bằng một "cuộc" đau khổ âm thầm! Dĩ nhiên, vẫn là đau khổ... "tập thể". Chúng tôi âm thầm đau khổ... "tập thể" cho tới "ngày cưới em". Ôi, ngày mà tnằng Hải Phòng cưới em trời lạnh như cắt, mưa lê thê. Chưa một ngày mùa đông nào buồn thế. Chúng tôi không đi học. Buổi tối, bốn thằng tụ họp tại nhà anh rể Nguyễn Thịnh - cũng làm nghề phó bô tức phó chũi tức thợ may - Anh rể Thịnh cho Thịnh một căn phòng riêng. Nó đi xin pin nhà binh về nối lại thành một chuỗi pin đủ thắp một ngọn đèn năm nến. Đêm hôm ấy, pin yếu rồi, ngọn đèn vàng khè. Dưới ánh điện hiu hắt, mỗi đứa khóac một chiếc chăn viện trợ Mỹ, đưa "con đẹp quá" về nhà chồng bằng những tiếng thở dài ỏao não. Cứ làm như em đã yêu mình, đã thề chung tình và nếu không lấy được mình, em uống thuốc chuột hay thắt cổ tự tử ấy!
Ăn xong hai cái bánh nếp nhân đường, nốc cạn tách cà phê đen, tôi ngồi bó gối, thở ra cái giọng óan trách con gái của Nguyễn Bính:
- Một trăm con gái thời nay ấy
Đừng nói ân tình với thủy chung
Hai câu thơ này không bị ba thằng thất tình phản đối. Chúng nó gật gù, ra cái điều bị em...phụ tình thật lực. Tôi bèn nương cái hứng... trách con gái mà ngâm thêm một bài thơ mà không rõ tác giả là ai:
- Trong buồng một mẹ một cô dâu
Tôi ngước trông cô mắt đỏ ngầu
Bên ngòai thiên hạ đang vui vẻ
Cô còn nũng nịu chả đi đâu
Không đi rồi lại thấy cô đi
Nhị hỉ cô im chẳng nói gì
Rồi từ khi ấy trừ khi tết
Chẳng thấy cô về được mấy khi
Tết sau cô bế đứa con trai
Nhìn cô tôi nhắc chuyên xưa chơi
Thôi, thôi cô chả đi đâu nhỉ
Rõ khi anh này đến nhớ dai
Rồi tôi ngồi nhìn phin cà phê nhỏ giọt trên bàn của Thịnh, đọc thầm những bài thơ thất tình. Trong khi, con nhà Thịnh, con nhà Côn sáng tác nhạc; con nhà Minh làm thơ. Tiếng nước mưa từ mái gianh rơi xuống nghe buồn bã lắm. Đêm khuya, giun dế, cóc, nhái, ễnh ương còn đùn lên cơ man là giọng sầu ai bi thiết. Thê thảm hơn, tiếng kèn đám ma, tiếng vợ khóc chồng, tiếng trống cơm đệm nhịp cho tiếng kèn, tiếng khóc từ nhà gần đó vọng sang. Và, tiếng đại bác câu đi... Ôi, chẳng có cảnh nào lâm ly hơn. Lại có cả tiếng càu nhàu, tiếng xé giấy ráp của ba nhà "nghệ sĩ" của tôi nữa chứ.
Đêm thật khuya, thật lạnh. Đàm Viết Minh tung chăn quàng, hân hoan:
- Xong rồi, xong rồi.
Nó bắt ba đứa tôi bu quanh nó, nghe nó được mấy câu thơ đắc ý nhất:
- Đêm nay em uống rượu tân hôn
Men ngọt dân lên ủ tận hồn
Em ơi ngừng lại trong giây lát
Nhận giúp lòng anh nửa chiếc hôn
Bài thơ của Đàm Viết Minh mở đầu bằng câu:
- Ai đã mang theo giấc mộng vàng
Và những câu tiếp, vần vò là lỡ làng, sang ngang lọan cả lên. Nghe nó đọc, nó ngâm, nó súyt xoa chán, tôi nói:
- Không ổn.
Minh hỏi:
- Không ổn ở chỗ nào?
Tôi lắc đầu:
- Ở chỗ nhận giúp lòng anh. Như thế là một mình mày yêu em à? Mày khôn quá.
Côn vuốt mặt:
- Ừ, đúng. Tao muốn sửa thành nhận giúp bốn anh bốn chiếc hôn đi.
Minh bĩu môi:
- Thơ thế ai ngửi nổi! Thiếu nhạc điệu.
Tôi nói:
- Chỉ cần đổi "anh" thành "ta" thôi. Ta là chúng ta. Mỗi đứa hôn em một ly ông lão đủ góp nên... nửa chiếc hôn rồi.
Tất cả đồng ý. Minh ngồi chép lại bài thơ thật đẹp. Một tiếng sau, Thịnh khoe sáng tác:
- Tập hát bài của tao đi!
Nó vẫn khác chăn, ôm lục huyền cầm, búng nhẹ và hát khẽ:
- Muộn rồi khi chiều êm nắng
Nhớ em suối lệ sầu tuôn
Anh nhớ dáng em mái tóc huyền
Bởi vì đâu duyên tơ đau thương
Bên lều tranh ai mang em đi
Khi về con đò sang ngang
Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười...
Tiếng đàn lục huyền nghe trầm buồn làm sao! Bài ca thật hay bấy giờ và cả bây giờ dù lời ca ngây ngô. Hát qua một lần, Thịnh bảo chúng tôi tập cho thuộc. Tôi thắc mắc:
- Thằng xấu giai Hải Phòng mang em đi chứ ai mang em đi. Mà nó mang em đi bằng ô tô không đi đò. Đổi tí ti được chăng?
Không đứa nào đồng ý. Và chúng tôi tập hát bản Lỡ làng của Nguyễn Thịnh. Sau đó, học thuộc bài thơ Vỡ mộng của Đàm Viết Minh. Đặng Xuân Côn xé bản nhạc dang dở của nó. Khi đã thuộc thơ, nhạc rồi, chúng tôi bật diêm, đốt thi phẩm và nhạc phẩm sáng tác trong đêm buồn nhất một ời người đi. Gọi là gửi chút tình cho người tình chung - chung nhau đó - Lê Thùy Kim Liên.
Ngọn lửa cháy. Ngọn lửa của bốn tấm lòng bốn đứa yêu một mối tình "tập thể" đã cháy lóe lên trong khoảnh khắc. Rồi tắt ngóm.
Đúng lúc pin của Thịnh hết. Ngọn đèn năm nến vốn đã vàng khè, bây giờ, chỉ còn là sợi giây đỏ cam. Bóng tối thê lương đã phủ tâm hồn chúng tôi. Tôi tự hỏi, chẳng biết người nữ tỳ của nàng Kiều Nguyệt Nga có nghe tiếng trái tim thổn thức của "thi sĩ" Đàm Viết Minh mà... Em ơi, ngừng lại trong giây lát, Nhận giúp lòng anh nửa chiếc hôn chăng? Chúng tôi lên giường ngủ. Thơ Huy Cận, hôm nay, mới dĩễn tả đúng tâm trạng chúng tôi: Ôi, rét đêm nay mấy học trò...
Nhưng nằm nghe mưa, buồn lắm. Đêm mưa làm nhớ không gian. Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la, Tai nươn nước giọt mái nhà, Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn...Nên, nằm chưa ấm chiếu, chúng tôi đã lồm cồm bò dậy, thắp đèn dầu hỏa, hợp ca bản nhạc thất tình của Nguyễn Thịnh và ngâm khẽ bài thơ tuyệt vọng của Đàm Viết Minh. Ôi, tôi đã không thể làm tướng cướp nổi. Thưa thầy Trịnh Đình Rư, giá lời tiên tri của thầy đúng và có giá trị như lời nguyền của bà tiên độc địa trong cổ tích Công Chúa ngủ trong rừng, con đã trở thành tướng cướp. Vâng, con muốn trở thành hải tặc để, thưa thầy, đêm nay con trương cánh buồm máu, từ biển vào cửa sông Trà Lý, bắt thuộc hạ chèo gấp rút về bến Bo và đổ bộ lên thị xã, dông thẳng tới nhà ông đồng Tía, bắt nàng Lê Thùy Kim Liên ra đi cùng con sống cuộc đời tang bồng hồ hải. Tôi muốn hét lớn: "Ta muốn làm tướng cướp đường biển, ta muốn làm hải tặc"! Song tôi không hét được. Cổ họng tôi vướng víu cái gì đó. Và dưới ánh đèn dầu hỏa tôi thấy hai giọt nước của Đàm Viết Minh đọng ở đuôi mắt. Có lẽ, Minh đã yêu Kim Liên nhiều nhất. Tình của thi sẽ vẫn thiết tha hơn.
Bốn chúng tôi ngồi bó gối, khoác chăn đơn nghe mưa rơi tí tách, nghe tiếng đại bác cầu đi và nổ ì ầm từ những miền xa sau khi Thịnh đã dựa cây lục huyền cầm Y pha nho vào xó nhà. Đêm không thích sáng. Đêm dài bao la. Nỗi buồn của tôi cũng bao la như đêm dài. Tôi biết buồn vì con gái từ đêm hôm đó. Và từ đêm hôm đó, tôi thấy khung trời êm cho những giấc mơ của tôi. Đưa bàn tay xoa cằm, mới rõ, cằm mình đã tua tủa những sợi râu. A, cuộc đời, cuộc tình đã cắm chông lên cằm mình.
No comments:
Post a Comment