'cookieChoices = {};'

Friday, November 7, 2014

36 Phố phường Thăng Long



Từ năm 1831, thành Thăng Long được đổi tên là Hà Nội qua sắc dụ thành lập và phân chia ranh giới các tỉnh thành của vua Minh Mạng. Vì thế trước đây tại khu phố cổ sinh hoạt buôn bán đông đúc và tấp nập nhất của Hà Nội được gọi là Thăng Long 36 phố phường. Trong cuốn Bắc Thành Dư Địa Chí do tiến sĩ Lê Chất của triều Nguyễn, nguyên là Tổng trấn Bắc Thành trước đây, có chép về 36 phố phường làm nghề của Thăng Long (Hà Nội) như sau:



"Thăng Long từ xưa là đất Kinh thành, bốn phương đi lại tấp nập, bao nhiêu hóa vật cũng tụ ở đó, ngày trước có đặt ra 36 phố phường, đến nay cũng còn ít nhiều. Những nghề nghiệp của dân, những vật liệu sản xuất cũng có thể kể qua được, như phường Thái Cực (tục gọi Hàng Đào) thì có nghề nhuộm, phường Đông Hà (tục gọi Hàng Bát) thì có nghề buôn chiếu.

Lại như phường Đông Lạc thì bán A tử, phố Hàng Đông thì bán đồ đồng, phường Báo Thiên thì bán dù xanh bằng vải, phường Đông Vụ thì bán những đồ làm bằng vàng bạc, phường Diên Hưng (tục gọi là Hàng Ngang) thì người Tàu ở lẫn với người Nam, cùng buôn bán thuốc bắc và tạp hóa, phường Hà Khẩu (tục gọi là Hàng Buồm) thì người Nam cũng ở lẫn với người Tàu, cùng buôn sách vở và tạp hóa, phường Thụ Cổ thì đúc đồ thiếc, phường Kim Hoa thì dệt đoạn nội hóa, phường Tây Hồ thì nấu lụa, phường Thạch Khối thì nung vôi, phường Thụy Chương, phường Võng Thị thì có nghề nấu rượu.



Các phường Nghi Tàm, An Hoa, Nhật Chiêu, Quảng Bố thì có nghề nuôi tằm. Các phường Hồ Khẩu, An Thái, Trích Sài, Bái Ân thì có nghề làm giấy ngũ sắc và dệt the. Các phường Đồng Xuân, Cổ Vũ, Vinh Thái, Phúc Lâm, Đắc Thọ, Hồng Mai, Đông Tác, Xã Đàn, An Hội, Hoè Giai, Thịnh Quang, Công bộ Quan tự thì đều có nghề buôn bán tạp hóa, duy có phường Bích Câu thì xiêu tán đã lâu.”

Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Bài, hàng Khay
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang,
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng
Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà
Quanh đi đến phố hàng Da
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền
(Ca dao)

Hà Nội 36 phố phường nằm quanh quẩn trong quận Hoàn Kiếm ngày nay, khá nhỏ so với diện tích tổng thể của Hà Nội. Dưới đây là đoạn chép về thành trì Hà Nội trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn:

"Thành tỉnh Hà Nội: Chu vi 432 trượng, một thước hai tấc, hào rộng trên dưới một trượng. Thành có năm cửa, ở vào đất hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Từ đời Lê trở về trước, đều đóng đô ở đây, còn gọi là thành Phụng Thiên, ở trong thành Đại La, lâu ngày đã đổ nát. Đến khi Tây Sơn chiếm giữ, mới nhân nền cũ, đắp thành chung quanh, suốt từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng.

Đầu năm Gia Long triều ta, lấy nơi đó làm lỵ sở của Bắc Thành. Năm Gia Long thứ 3 (1804), các quan bàn rằng thành này đời Tây Sơn làm không hợp quy củ, tâu xin sửa lại. Năm thứ tư (1805), sai quan đốc thúc xây thành. Trong thành dựng hai tòa chính điện hành cung (cung tạm thời để vua ngự khi đi ra ngoài tuần du), bên tả bên hữu mỗi bên làm một nhà Giải vũ (nơi dừng chân nghỉ mát). Mặt sau dựng ba toà Nội điện, bên tả bên hữu đều có hai nhà Giải vũ. Sau điện có dựng lầu Tĩnh Bắc. Bốn mặt Nội điện đều xây tường gạch.

Lại ở trước chính điện lấy đá xây một đường hành lang thẳng ra cửa Đoan Môn, có biển đá khắc hai chữ "Đoan Môn" đấy là di tích của triều Lý. Ngoài cửa xây nhà bia để dựng bia, xây kỳ đài để cắm cờ, quy chế rất rộng rãi. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831) chia tỉnh, đặt nơi này làm thành tỉnh Hà Nội. Năm thứ 16 (1835) vì cho là thân thành quá cao nên hạ thấp xuống một thước tám tấc. Những năm Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đều dùng nơi này làm chỗ bang giao."

 DXGK

No comments:

Post a Comment