'cookieChoices = {};'

Monday, December 1, 2014

9 nguyên nhân dẫn đến xe bị ‘overheat’



1. Thiếu coolant


Dĩ nhiên, khí hậu nóng nực Mùa Hè cung cấp thêm môi trường để Overheat có thể xảy ra. Nhưng vốn không phải là bệnh thời khí, nó có thể xảy ra bất cứ mùa nào. Và nếu chẳng may, nó lại chiếu cố bạn ngay giữa đường sương tuyết thì còn khổ nhục gấp mấy lần hơn là trong mùa hè. Nguyên nhân thứ nhất là vì... thiếu coolant. Có thể vì coolant không được tiếp đầy đủ trong lần bảo trì vừa qua. Cũng có thể vì coolant bị bay hơi dần trong tiến trình sử dụng. Như chúng ta đã biết, khi xe chạy, một phần coolant nóng lên, chảy tràn ra khỏi két nước. Cũng may, số nước này không mất đi mà tràn vào trong 1 bình phụ móc ở bên cạnh két nước, gọi là Reservoir. Thế nhưng, một phần coolant nóng cũng vẫn bị bốc hơi, và bay đi mất. Mỗi lúc mất đi một ít, trải qua thời gian, lượng coolant trong máy chắc chắn hao hụt. Chính vì vậy, ít nhất mỗi tháng một lần, chủ xe cần phải xem xét mực coolant trong Radiator, để nếu thiếu thì châm vào cho đầy đủ. Nhớ châm cho đầy đủ cả két nước chính và bình phụ.

2. Hệ thống dẫn coolant có thể bị rò rỉ


Rò rỉ có thể xảy ra ở nhiều chỗ, thường xuyên nhất là ở nơi két nước chính và máy sưởi (heater core). Sau nhiều năm sử dụng, Radiator cũng như Heater Core đã trở nên cũ kỹ, kim loại bị ăn mòn. Khi làm việc dưới áp suất cao, những chỗ mòn này rất dễ bị vỡ, đưa đến rò rỉ. Những chỗ rò rỉ này, thật ra chỉ là những vết rạn, giống như vết chân chim bình thường rất khó nhận ra, nhưng khi các đường ống đầy coolant dưới áp suất cao, những vết châm chim này mới nứt ra và rỉ nước.
Bên cạnh đó, hệ thống giải nhiệt còn nhiều chỗ có thể làm rò nước, chẳng hạn các water jacket, là những “thủy lộ” chạy quanh lốc máy để giải nhiệt. Những water jacket này có thể để rò coolant qua những nút chặn gọi là freeze plug. Nút chặn có thể bị han rỉ, làm coolant thoát ra qua đó. Và sau cùng, coolant cũng có thể nhỉ ra khi những miếng đệm gasket bị rách hoặc bị hở. Những chỗ rò này thường có thể nhận ra ngay khi chúng ta mở nắp đậy đầu xe lên khi đầu máy còn nóng; hoặc phát giác coolant nhỏ xuống trên sân dưới gầm chỗ xe đậu.

3. Ðiều nhiệt kế trục trặc




Ðiều nhiệt kế (thermostat) là bộ phận điều khiển dòng coolant thông qua nhiệt độ. Nó phải đóng, mở đúng lúc để dòng nước chảy xuôi. Những trục trặc chính của điều nhiệt kế là “đóng rồi không mở được”, hoặc “mở rồi không đóng lại được”. Trong đa số trường hợp, điều nhiệt kế thường bị kẹt đóng, nghĩa là đóng rồi mở ra không được. Khi đó, coolant không chạy ngược về Radiator để xả nhiệt, mà cứ chạy loanh quanh miết trong máy, rốt cuộc làm cho máy bốc lên quá nóng. Khi thấy kim nhiệt dâng cao, mà không tìm ra nơi rò coolant, mà máy bơm cũng không hư, thì thủ phạm chính là cái điều nhiệt kế này.

4. Máy bơm bị hư

Máy bơm (water pump) là bộ phận hút đẩy giúp dòng coolant lưu thông trong hệ thống. “Tội” thứ nhất của nó là để coolant rỉ ra qua một lỗ nhỏ ở đáy gọi là Peep Hole. “Tội” thứ hai là chính nó ì ra, không làm việc, tức là không quạt nước đưa vào máy nữa. Dòng Coolant không luân lưu được, đưa đến hậu quả đương nhiên là máy xe overheat.
Ða số máy bơm thường có một dấu hiệu gì đó trước khi đình công hẳn, rõ nhất là tiếng nghiến ken két nghe chói tai, cứng lòng đến đâu cũng không làm ngơ được. Nghe tiếng nghiến đó có nghĩa là bạn chỉ còn chừng vài ba ngày để sửa chữa, nếu không muốn xe nằm ụ giữa đường.

5. Hệ coolant có chứa bọng khí

Khi không khí lọt vào trong coolant, nó không tan hòa mà gom lại một chỗ, tạo thành những “túi khí” (air pocket), làm cho coolant lưu thông không đều. Chúng ta có thể hình dung tình trạng này bằng cách lấy một ống nhựa trong để chuyền nước từ một nơi này sang nơi khác: Bình thường nước sẽ lưu thông liên tục, nhưng nếu một bên gần hết nước, ống sẽ hút thêm không khí ở ngoài vào, tạo thành những bọng khí trong ống chuyền, khiến dòng nước chảy chậm lại. Muốn dòng nước lưu thông đều đặn, chúng ta phải lấy hết các bọng khí đó ra. Trong hệ thống giải nhiệt của xe hơi, không khí có thể lọt vào bằng nhiều cách, tạo ra hậu quả tương tự, và làm cho máy xe trở nên quá nóng. Vì thế việc thay coolant bao giờ cũng phải đi kèm với việc xả gió, tức là tìm cách hút không khí vô tình lẩn vào trong. Một số loại xe được thiết kế “nút xả gió” gắn trên hộp điều nhiệt kế, đôi khi cần mở ra để giải tỏa những bọng khí bị kẹt bên trong.

6. Quạt giải nhiệt nước bị hư

Ðể tăng cường khả năng giải nhiệt, nhà sản xuất có gắn thêm một cái quạt bên ngoài két nước, quay liên tục trong thời gian máy nổ. Nếu quạt ngưng, không quay nữa, két nước không giải nhiệt kịp thời, đương nhiên dẫn đến overheat. Một trong những cách để kiểm tra hoạt động của quạt là mở công tác máy, cho xe nổ tại chỗ, rồi mở máy lạnh, hoặc máy sưởi: Không thấy có hơi nóng, hoặc hơi lạnh thổi ra, đó là dấu chỉ quạt đã “chết”.

7. Thùng nước bị nghẹt


Nếu cái xe đã cũ thì vấn đề két nước (radiator) bị nghẹt không phải là điều khó hiểu. Xuyên qua thời gian sử dụng, mùn, vẩy, cặn sinh ra do tác dụng ốc xít hóa... tích lũy làm nghẹt đường thông thương trong két nước. Nhớ rằng két nước không phải là một cái “bể” rỗng ruột, nhưng là một tổng hợp các đường ống ngoằn ngoèo, nên chuyện nghẹt đường lưu thông rất dễ xảy ra, nhất là khi xe đã cũ, chạy đã nhiều.

Nếu trước đây bạn đã từng dùng một chất “stop leak” nào đó để tạm thời ngăn rò rỉ coolant, thì bây giờ chất “stop leak” đó có thể gây tác dụng ngược, làm nghẹt đường lưu thông trong radiator.

Nếu nguyên nhân Overheat là do nghẹt két nước, thì trước hết chúng ta có thể súc bình bằng một dung dịch “radiator flush” thật tốt . Nếu không có kết quả, tốt nhất là thay luôn Radiator mới.

8. Nắp áp suất bị hư

Ðó chính là cái nắp đậy Radiator. Nhưng phải gọi nó là nắp áp suất mới thực sự đúng tên, vì nắp có nhiệm vụ nén chặt, làm tăng áp suất dòng coolant bên trong. Bằng không, dòng coolant sẽ lưu thông chậm lại, và hậu quả Overheat phát sinh. Nếu thấy kim nhiệt bốc lên cao, bạn cho dừng xe lại, mở Hood lên, và nhìn thấy coolant ứa ra chung quanh nắp đậy, thì đó là dấu hiệu lò xo trong nắp đã yếu, không còn đủ lực giữ áp suất cho dòng coolant nữa.
Nắp áp suất hư có thể dẫn đến nhiều biểu hiện khác, mà chỉ có dụng cụ thử nắp (cap tester) mới cho ta biết được thực hư. Nếu nguyên nhân Overheat đúng là do nắp thì chỉ việc thay nắp là giải quyết xong vấn đề.

9. Head gasket bị nổ, rách



Head Gasket là miếng đệm, chen giữa khối máy và phần úp trên đầu máy. Mục đích của nó là để giữ hơi nén bên trong xi lanh, và ngăn không cho 3 loại chất lỏng - nhớt, coolant và xăng - hòa trộn với nhau. Khi Head Gasket bị rách, hậu quả sẽ hiển lộ ngay với nhiều lụm khói trắng cuồn cuộn thoát ra từ ống bô, chứng tỏ coolant đã len vào xi lanh, và hòa lẫn với xăng.

Head Gasket rách gây nhiều hậu quả trầm trọng, mà tối hậu là máy không nổ nữa, đòi hỏi chủ xe phải ứng phó ngay. Miếng gasket thực không đáng giá bao nhiêu, nhưng tiền công rất đắt là vì thợ máy phải gỡ bỏ nhiều bộ phận trước khi có thể vào trong máy, để thay “miếng đệm” mới.

Nói chung, overheat là hậu quả, còn nguyên nhân thì có nhiều, mà phần lớn cũng xuất phát từ sự lơ là của chủ xe do không chịu thay coolant đúng định kỳ. Vậy, đúng định kỳ là thế nào? Ðối với các loại coolant thường, chủ xe phải nhớ thay coolant mỗi 25,000 tới 30,000 dặm, hay sau 3 năm, tùy điều kiện nào đến trước. Công việc này không tốn kém, hoặc đòi hỏi nhiều công sức: Một đời xe, chúng ta chỉ phải thay coolant chừng 5 hoặc 7 lần mà thôi.

TML

No comments:

Post a Comment