Chân dung đệ nhị Tứ linh
Theo truyền thuyết, ngày xưa, có một thầy thuốc nhân hậu, vui tính, suốt ngày đi lên non, xuống biển tìm thảo dược để trị bệnh cho bá tánh. Một hôm, ông tình cờ hái được cây tiên thảo linh chi có tác dụng trường sinh bất lão. Nhà vua biết được tin này liền đòi ông tiến cung dâng lễ vật và sẽ được ban cho vinh hoa phú quý nhưng ông không đồng ý mà bỏ làng trốn đi biệt tích. Nhiều năm sau, vào tháng chạp âm lịch (tức tháng 12) có một con quái vật hình thù quái dị, rất hung hãn, có sức mạnh kinh hoàng từ biển lên bờ, ăn gia súc của người dân trong làng rồi trở về biển. Ông thầy thuốc nghe tin này liền trở về làng tìm hiểu sự việc và tìm cách dẫn dụ con quái vật lên rừng cho ăn tiên thảo linh chi để từ đó biến nó thành một con vật huyền thoại hiền lành gọi là con lân. Người đã thuần hóa được lân chính là ông Địa. Sau này, cứ mỗi khi năm hết, tết đến, ông Địa lại cùng lân về làng mang lại điều may mắn, chúc cho mọi gia đình được hạnh phúc vui vẻ, an khang thịnh vượng.
Lân được xem là một thánh vật đứng hàng thứ nhì trong bộ tứ linh (long, lân, quy, phụng). Lân có dung mạo kỳ dị là một hình tượng nghệ thuật được thêu dệt từ trí tưởng tượng của người xưa nhưng đồng thời ẩn chứa trong đó một sức mạnh tâm linh lớn lao. Lân được "đời sống hóa" bằng chiếc đầu sặc sỡ đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen...; có cái sừng nhô lên như sừng tê giác, cái mũi thật to. Trên trán, trên má của lân, người ta đính những chiếc gương nhỏ. Hàm dưới của lân có râu dài, cái miệng lúc nào cũng hớp hớp như muốn đớp mồi. Đặc biệt trong đoàn múa lân luôn có một nhân vật "tai to, mặt lớn, bụng phệ, miệng cười ngoác tận mang tai" một tay cầm cây gậy có quả cầu trên đỉnh, một tay phe phẩy cái quạt mo là ông Địa. Vẻ mơn trớn, bông lơn, ngớ ngẩn của ông Địa làm cho đám múa lân càng thêm phần nhộn nhịp, không khí Tết nhất, lễ hội thêm phần ý vị.
Nói đến múa lân, người Hoa Chợ Lớn có điệu múa lân nổi tiếng là "Thất tinh cổ" (điệu trống bảy ngôi sao) mà theo võ sư Lưu Kiếm Xương thì điệu trống này có từ thời Xuân Thu chiến quốc cách đây hơn 2.000 năm, gồm 7 tiết điệu lúc khoan lúc nhặt là: Chúc mừng phong thư, hân hoan cổ vũ, nhất nghiệp giao tế, lôi đình vạn quân, thất tỉnh bản nguyệt, mã đáo thành công, phổ thiên đồng khánh... Múa một con lân gọi là độc chiến giao đầu, múa hai con gọi là song hỷ, múa ba con là biểu tượng của Phúc-Lộc-Thọ...
Một đội lân thường có 5 thành viên gồm ông Địa, một người múa đầu lân, một người múa đuôi lân, một người gõ trống, một người gõ thanh la thường tạo ra rất nhiều tiết mục độc đáo như lân leo cột hái lộc, hái lộc thủy bàn, hái lộc kiểu bò cạp hộ linh chi... Để biểu diễn thành công, vận động viên phải thể hiện những tình cảm phức hợp như hỉ (vui), nộ (giận), ái (yêu), ố (khinh ghét), động (hoạt động), tịnh (im), kinh (sợ hãi), nghi (nghi ngờ), thị (ngủ), tịnh (thức) cùng với những động tác như nhảy, vồ, cắn, nuốt, thở, lăn vòng, vặn mình, ngồi, nằm, đứng, tiến, lùi, cảnh giác, dò xét... Từ tư thế phủ phục đến uốn lượn, leo cao, thăng bằng... Những võ sĩ có võ công cao cường thì hình tượng con lân càng trở nên sống động, mạnh mẽ và hấp dẫn. Các động tác càng khó thực hiện, tiết mục càng thu hút người xem và uy tín của đội lân sẽ tăng cao.
Tuyệt kỹ Mai Hoa thung
Tuy nhiên, tuyệt kỹ của múa lân vẫn là Mai Hoa Thung và đây chính là nội dung thi đấu chính thức ở các giải đấu quốc tế. Mai Hoa Thung được thiết kế gồm những cây cột có độ cao từ 80cm đến 3m xếp từ thấp đến cao với chiều dài 15m, bề ngang 80cm để 2 võ sĩ phối hợp múa một con lân. Để bước được lên giàn Mai Hoa Thung, các võ sĩ phải có thâm niên ít nhất... 5 năm luyện võ. Có nhiều bài lân đi trên Mai Hoa Thung như Ngũ Phúc Lâm môn, Tứ Quý Hưng Long... Độ khó của nó nằm ở chỗ hai võ sĩ phải thực hiện các động tác phức tạp và nguy hiểm giữa đầu lân và đuôi lân như đầu lân đứng 1 chân trên đùi đuôi lân, rồi 2 chân đứng trên đùi, quay 180 độ, nhảy ngồi lên đầu... nếu để sơ sẩy trượt chân xuống đất thì... chưa biết chuyện gì xảy ra dù rằng dưới sàn đã được lót nệm.
Trong múa lân, bộ gõ có vai trò hết sức quan trọng vì người múa đầu lân chỉ có thể quan sát khoảng 30% đến 40%, còn người múa đuôi thì hầu như bị "bịt mắt" vì thế sự phối hợp giữa người điều khiển trống và lân phải nhịp nhàng, hòa quyện với nhau.
Mỗi khi đến độ xuân về, nghe tiếng trống thùng thùng, tiếng thanh la xập xình, cái cảnh con lân múa may, uốn lượn, cái cảnh ông Địa cầm quạt vỗ phì phạch vào cái bụng to đùng khiến lũ trẻ con cười nắc nẻ, làm người lớn nghĩ về những năm tháng thanh bình, no ấm vừa qua và đang tới. Một nét đẹp thật quyến rũ...
Công ty TNHH Quảng Cáo Phú Tài chuyên bán Xưởng sản xuất in móc khóa quạt nhựa chính hãng – giá rẻ hàng đầu Việt Nam
ReplyDelete--------------------------------
Giá rẻ nhất – Cao cấp nhanh nhất – bền nhất – Liên hệ ngay:
Web: Xưởng sản xuất in móc khóa quạt nhựa
( Xem tai day): Xưởng sản xuất in móc khóa quạt nhựa
( xem tai day ): xuong san xuat it moc khoa quat nhua