Phúc, Lộc, Thọ (còn được gọi là Tam đa) là lời chúc đã có từ lâu đời và còn tồn tại cho đến ngày nay. Cứ mỗi độ Xuân về Tết đến, chúng ta thường thấy ba chữ Phúc-Lộc-Thọ trên các thiệp chúc Tết, các bức hoành phi, tờ lịch đầu năm, các cửa tiệm buôn bán...
Trong ngành gốm mỹ thuật, người ta chạm nổi hình ông Phúc bế đứa nhỏ; ông Lộc mặc phẩm phục đeo đai, trên đầu đội mão cánh chuồn; còn ông Thọ người thấp lùn, đầu nhẵn bóng u lên, tay chống gậy, tay cầm quả đào. Cả ba ông nét mặt hồng hào phúc hậu, chòm râu lất phất, tươi cười.
Bên cạnh các hình tượng trên, còn có một ý nghĩa ẩn dụ khác: con dơi, trong tiếng Hoa gần như đồng âm với chữ Phúc (chữ Hán: biển bức), Lộc là con nai (đồng âm), còn Thọ thì dùng chữ Hán cách điệu hóa trong vòng tròn hoặc cây Tùng gốc cằn cỗi, nhưng cành lá xum xuê; cây Tùng với con nai đã là Thọ, Lộc với con dơi bay trên cao có khi còn có thêm hai đồng tiền “Song tiền” đọc gần như Song Toàn. Vậy nên, cuối cùng chính là Phúc - Lộc - Thọ Song Toàn.
Cầu Phúc là để mong được đông con, nhất là con trai để nối dõi, trông coi tài sản, ruộng vườn, bởi vì ngày xưa chỉ có con trai mới được phép đi thi đỗ đạt làm quan. Đối với những gia đình nghèo, đông con thì mỗi đứa con trai là một thành phần lao động quan trọng, cày cuốc ruộng vườn. Có nhiều con, khi về già cha mẹ được yên tâm vì có người trông nom chăm sóc lúc đau ốm.
Lộc là bổng lộc, quan tước của triều đình. Trong một nước nông nghiệp, đất chật người đông, người có ruộng nương hiểu rằng đến đời con đời cháu, gia tài của cải đem chia cho con, nhiều lắm mỗi đứa chỉ được cái nền nhà. Do vậy, người ta quan niệm chỉ có lối thoát duy nhất là lo học hành, đỗ đạt ra làm quan, hưởng lộc vua ban.
Thọ là sống lâu như loài hạc, loài rùa, như cây tùng, cây bách. Khoảng từ bốn mươi tuổi trở đi là đã bắt đầu mừng thọ, người ta gọi là mừng Tứ tuần (40 tuổi), Lục tuần (60 tuổi) cứ thế mà đếm tới.
Nói chung, lời chúc Phúc-Lộc-Thọ ngày nay đối với mọi người vẫn là một lời chúc bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Và là một lời ước mà mọi người vẫn đi tìm, chờ đợi vào mỗi độ Xuân về Tết đến.
|
No comments:
Post a Comment