'cookieChoices = {};'

Saturday, May 9, 2015

Dòng kênh đen


Gió từ cầu Calmette thổi đìu hiu, cuốn theo một lớp mùi hăng hắc. Dòng kênh đen đặc nay thôi không hục hặc ho từng cơn. Thi thoảng con nước trở mình khe khẽ giống như có một đàn cá lớn, nghịch ngợm quẫy đuôi. Hai bên bờ kênh, những dãy nhà tạm của công nhân lụp đụp đội lên. Như thường lệ, chiếc ghe gỗ mục nát từ từ cập vào bờ. Một cô gái chừng 20 tuổi dừng mái chèo. Mái tóc cô bay ngược gió, xõa ra ôm lấy gương mặt tròn vành vạnh. Bộ quần áo mốc meo, lem ngoem bùn lầy không che lấp vẻ đẹp trong sáng của cô. Từng đường nét hài hòa trên gương mặt cô gái tỏa xuống dòng kênh đen một luồng sáng loang loáng. Chiều nào tôi cũng ngồi trên những kè đá trắng nhấp nhô. Đơn giản chỉ một lí do: Tôi muốn nhìn thấy cô gái nhỏ.
Trong căn chòi lá liêu xiêu, bé gái thò đầu ra ngoài, cười nắc nẻ. Nhác thấy chị, bé reo lên: “A! Chị hai về rồi”. Người mẹ cụt một chân, nhảy cò cò ra mạn bờ. Nước da bà xám nghoét, hai má chảy xệ, nhão nhoẹt như lớp bùn đáy kênh. Mặt bà lúc nào cũng nhàu nhĩ, hai con mắt sụp xuống như chỉ chực khóc. Người cha ì ạch kéo lên bờ một bao sắt lụn vụn. Cả nhà cô gái xúm xít bên bao sắt vụn như những người thợ săn vây quanh con thú vừa săn được.
Trưa nay đang vác đá trên bờ kè, tôi bối rối khi nhìn thấy chiếc ghe của cô gái nhỏ chầm chậm lướt qua. Gió phần phật, bật ngược chiếc nón lá ra sau, gương mặt cô gái xuất hiện ở khoảng cách thật gần. Cánh thanh niên nhìn ngơ ngẩn. Họ huýt sáo, gọi nhau ơi ới. Là người phát hiện ra vẻ đẹp mộc mạc của cô gái từ lâu nhưng lần này, tôi không khỏi ngỡ ngàng như kẻ phàm phu nhác thấy bóng thiên thần. Hôm nay, cô gái đi một mình. Chiếc ghe mắc kẹt giữa hai nhánh cây khô. Nước cạn. Đáy kênh lồ lộ ra. Một nửa người cô gái ngập sâu dưới lớp bùn đen nhão nhoét. Thao tác giống người cha, cô sục sạo tay chân trong lớp bùn tanh tao. Xung quanh cô, rác rưới lềnh làng mặt nước. Những đợt gió mạnh, múc mùi hôi hám dưới lòng kênh vãi tung tóe khắp nơi. Trông thấy cảnh ấy, cánh phụ hồ im bặt. Họ ngó lơ chỗ khác. Cô gái không mảy may để ý đến xung quanh. Cô vẫn cặm cụi mò sắt. Chốc chốc, cô gái xuýt xoa, rút ngón tay lên nhăn nhó. Tôi biết tay cô quệt trúng mảnh chai. Lòng tôi se sắt lại, nóng bừng như ăn cả bao ớt. Quá nửa trưa, nắng xuống đốt nóng cả dòng kênh. Nước lên. Cô gái nhanh tay chèo. Ra giữa dòng, chiếc ghe chao đảo. Buông mái chèo, cô ôm bụng, mặt nhợt nhạt. Trống ngực tôi đập liên hồi. Tôi buột miệng gọi to. “Em sao vậy?”. Đáp lại lời tôi, cô gái cố xua tay, lắc đầu ra hiệu không sao. Chiếc ghe tròng trành, lắc lư như gặp vũng nước xoáy. Cô gái nhỏ hết ngả bên trái lại nghiêng bên phải. Tôi không rời mắt khỏi chiếc ghe cho đến khi cô vào được bờ. Suốt buổi chiều, tôi ra bờ kè chờ đợi nhưng không thấy cô.




- Con sao vậy?
Người mẹ hoảng hốt khi thấy đằng sau quần cô, máu đỏ ướt từng mảng. Cố mở một nụ cười gượng gạo, cô lúng túng.
- Con đến tháng mà quên mang…
- Sao tháng này mẹ thấy con bị liền liền vậy. Hai tuần rồi giặt quần cho con mẹ đều thấy có máu. Con nói thật cho mẹ biết đi. Con bị sao vậy?
- Chắc con bị rong kinh, ít bữa là hết. Không sao đâu mẹ.
Cô giấu mẹ những cơn đau quằn quại. Nhưng bằng linh cảm của một người mẹ, bà nhận ra có điều gì đó không bình thường đang xảy ra với con gái. “Hôm nay mẹ dẫn con đi khám bệnh. Con cứ ra máu như vậy, mẹ lo lắm”. Mặt bà trĩu buồn. Ánh mắt bà nôn nao nhìn con. Cô miễn cưỡng theo mẹ đến bệnh viện. Căn phòng trắng toát, lạnh lẽo như những phiến đá vôi khiến cô rùng mình. Qua vài lần siêu âm, xét nghiệm, bác sỹ gọi cô vào phòng riêng. Ông nhìn cô thật lâu, giọng ngập ngừng: “Chú không muốn giấu con. Những lời chú sắp nói ra sẽ khiến con khóc nhưng là bác sỹ chú không thể giấu bệnh nhân tình trạng bệnh. Con phải hết sức bình tĩnh… Con bị bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối…”. Giọng bác sỹ lướt qua vành tai cô lúc nặng, lúc nhẹ. Và cuối cùng hai tai cô ù đặc, lùng bùng như có kiến chui vào. Cô không còn nghe thấy gì nữa. Tại sao chính cô lại mắc phải căn bệnh quái ác này? Có phải đó là kết quả của bao năm cô ngập ngụa dưới những dòng kênh đen, nồng nặc rác thải và mùi hôi. Cô thất thểu lê từng bước ra ngoài hành lang. Từ xa, cô trộm nhìn dáng mẹ. Bà đang lò cò một chân, dáo dác tìm cô khắp các dãy phòng. Thi thoảng hụt chân, bà suýt ngã. Nước mắt cô ri rỉ ra hai khóe. Cô phải nói sao với mẹ về căn bệnh đây? Mẹ chỉ có một chân, nếu nghe xong có lẽ mẹ không đủ vững để đứng được. Cô đưa tay áo quệt hai dòng nước mắt thi nhau trượt dài trên má. Cô vùng chạy thật nhanh như một đứa trẻ. Gương mặt ráo hoảnh, cô mở miệng thật rộng. “Bác sỹ bảo con bị rong kinh. Uống hết số thuốc này là ổn..”. Da mặt giãn ra, người mẹ cười tươi tắn. “Mẹ biết con sẽ không sao mà”.
Dạo gần đây, cô hay nhìn tôi mỉm cười. Mỗi lần chèo ghe qua chỗ tôi, cô gái lại khe khẽ hát một vài câu rời rạc, đôi khi chắp nối lung tung. Giọng cô trầm và trong veo vẻo. Một góc miền quê lắng lại nơi cô, cứ mỗi lần nhìn cô, tôi lại nhớ quê đến nôn nao. Gió tạt chiếc ghe sát bờ kè. Tôi mừng rơn. Biết bao ngày chờ đợi, nay tôi mới có dịp trò chuyện với cô gái nhỏ. “Em ốm và xanh đi nhiều. Công việc cực quá phải không em?”. Sửa lại chiếc nón lá xộc xệch, cô gái thoáng buồn. “Tại dạo này em ít ăn…”. Cô trả lời gọn lỏn và đưa chân đẩy mái chèo thật nhanh. Tôi đứng xớ rớ, bứt rứt trong người vì không biết đã nói câu gì làm cô gái phật ý bỏ đi.
Mùa mưa sắp đến, gió cứ lừng lững như lực sỹ, chỉ chực quăng quật đồ đạc của mọi người xuống kênh đen. Một tấm tôn trên mái chòi của gia đình cô bị gió hất tung lên không. Trên nóc chòi, khoảng không hở ra rộng ngoác. Gió luồn vào trong chòi, cha cô nằm trùm mền, rên rỉ từng hồi. Cơn ho khan rút sạch sức lực của ông. Suốt tuần nay, ông chẳng ăn gì ngoài cháo. Mẹ cô ngồi đơ như khúc gỗ mục. Mắt bà vàng đục như nước sông mùa lũ. Gần đây, chồng bệnh, nhà túng thiếu, bà hay nổi cáu. Chị hai đi mò sắt, chỉ có mình Út ở nhà chơi. Bao nhiêu bực tức bà trút hết lên đầu con bé. Đến bữa cơm, không thấy Út, bà gọi treo trẻo. Vừa thấy con, bà xách cây quất vùn vụt. Bà tru tréo: “Từ mai trở đi mày theo chị hai đi mò sắt nghe con. Suốt ngày lêu lổng. Mày liệu hồn với tao”. Kéo bao sắt lên đến mạn bờ, một cơn đau âm ỉ kéo dài. Vấp phải cục đá, cô ngã dúi dụi xuống đất. Ôm bụng xuýt xoa, cô loạng choạng đứng dậy. Cô cố giữ cho bước chân thật vững. Những giọt máu lấm tấm in trên bãi cỏ xanh. Từ xa, nghe đến hai tiếng “mò sắt”, cô cuống cuồng.
- Út không đi đâu cả.
- Hết gạo rồi. Không đi làm ở nhà mà ôm nhau chết à! Nó lớn rồi, tập làm cho quen đi.
- Con nói bao nhiêu lần rồi. Có chết đói cũng không cho em đi mò sắt.
Bao nhiêu bực dọc, mệt mỏi trong người dồn lên tận cổ. Bà trút một hơi.
- Ừh. Chị em mày lớn rồi, xấu hổ, không dám đi mò sắt. Mai để đó tao đi. Có một chân tao cũng làm được…
Hai chị em rươm rướm nước mắt. Cô thút thít.
- Nghề này không có tương lai, mẹ đừng để em làm. Ít bữa nữa, con cũng lên bờ phụ quán cơm cho người ta.
- Ngay cả mày cũng muốn bỏ cái nhà nay đi. Đã vậy chúng mày biến hết đi. Mặc kệ hai đứa già này sống chết ra sao?
Nước mắt phủ đầy mặt, cô quay vội đi. Làm sao để mẹ hiểu khi mà căn bệnh ung thư như lũ sâu mọt, mỗi ngày đang rút dần sự sống của cô. Cha ốm. Nhà hết gạo. Một chân bị cụt, mẹ tự dày vò mình bởi suy nghĩ mẹ là người tàn phế, là gánh nặng áo cơm của cả gia đình. Mẹ sẽ ra sao nếu biết cô con gái, chỗ dựa duy nhất của cái gia đình khốn khổ này đang nhận án “tử hình”. Từng ngày mẹ sẽ khóc cạn nước mắt khi chứng kiến cái chết lạnh lùng đến gần con gái. Cô cố giấu những tiếng nấc ừng ực trong cổ. Giọng cô khan khản.
- Con quyết định rồi. Hai ngày nữa, con sẽ đi phụ quán cơm cho người ta. Mỗi tháng bao ăn ở, còn lại tiền lương con gởi về cho mẹ.
- Giờ mày lớn rồi, muốn đi đâu thì đi. Tao không quản được.
Cả tuần nay, dòng kênh đen kìn kịt hẳn đi. Nước kênh lặng tờ, đám rác ứ đọng lại trông như một dòng sông chết. Chiều nào tôi cũng ra bờ kè hóng gió và chờ đợi. Chiếc ghe xám xịt lừ lừ lướt qua, chở theo một ông già lọm thọm, người xanh chành như đám bèo tây. Tôi cố nhìn thật kỹ nhưng chỉ thấy mỗi mình ông già, không thấy cô gái gái trẻ đi cùng. Ngày trước có con gái bên cạnh, ghe trôi qua mặt lũ thanh niên chúng tôi. Ông già vênh váng, ra vẻ tự hào khi có con xinh đẹp. Nay ngược lại, ông thường cúi mặt lầm lũi. Trước có con gái chèo ghe, mò được cục sắt to bản, ông giơ lên cao khoe với con. Hai cha con họ cùng cười sằng sặc. Nay có vớ được vài cục sắt, ông cũng lẳng lặng quăng cái “xoảng” vào thùng. Gương mặt ông rúm ró, teo héo như lá khô. Có vài lần, ông già chèo ghe ra mại ngoài bến cảng, ông cắm ghe vào một góc. Lần đầu tiên, người ta thấy ông lên bờ. Ông rảo quanh các quán ăn rồi lại thui thủi xuống ghe. Từ ngày con gái đi, hôm nào mò sắt, ông cũng tranh thủ ra bến cảng tìm con. Ông hỏi thăm mãi nhưng chẳng ai biết có cô gái nào tên Thường cả.


- Nhanh tay lên mày. Con gái gì mò thấy sợ. Mướn chục đứa như mày chắc tao sớm đóng cửa.
Tiếng bà chủ quán cơm quát nạt um sùm. Lau nhưng giọt mồ hôi rỉ rả trên trán, cô cố nén cơn đau quặn thắt quanh bụng. Hai chân đá vào nhau xiêu vẹo, cô chếnh choáng như người nốc rượu quá đô. “Keng”, tiếng chén bát rơi xuống nền nhà, va vào nhau rổn rảng.
- Cái con này, mày làm ăn vậy hả?
- Cháu xin lỗi. Nay cháu bị trúng gió nên mệt quá.
Bà chủ phẩy tay lia lịa. “Chiều lấy lương rồi nghỉ đi. Nhận mấy đứa như mày vào làm, suốt ngày bệnh hoạn, phiền phức quá”. Cầm tháng lương trên tay, cô liêu xiêu bước đi. Nước mắt cô bắt đầu rơi lã chã. Hôm qua vô tình gặp bà mua ve chai, cô phong phanh nghe cha bị bệnh hen hành, cả tuần rồi không đi mò sắt. Mẹ cô lò dò một chân đi lượm bịch nilon quanh vỉa hè. Nghĩ đến cảnh bé Út ngồi nhễu nhão nước miếng vì đói còn cha nằm ho khục khặc cả ngày lẫn đêm. Mùa mưa đến, căn chòi thủng trước, dột sau. Đêm đêm, mẹ cô phải quấn áo mưa ngủ trên chiếc ghe mục. Nước mắt cô trào ra. Một cơn đau dài lan tỏa khắp cơ thể. Hai cánh tay cô khẳng khiu như hai trái so đũa, bấu chặt lấy cạnh giường. Cô tưởng như mớ nội tạng trong người đang bục vỡ từng mảnh. Cô gục mặt xuống giường, để mặc nước mắt ứa dài khắp mặt. Lần tìm viên thuốc giảm đau, cô nằm yên trên nền gạch lành lạnh, mặc cơn đói dày vò từng giờ. Nhìn quanh, dãy trọ trống hơ, trống hốc. Lúc này đây, cô thèm ăn một bát cháo nóng do chính tay mẹ nấu. Cô thèm cảm giác được mẹ gãi rân rân sống lưng hay luồn tay vào từng lọn tóc. Từ nay cô sẽ chỉ ăn một bữa, tháng lương này phải nguyên vẹn về đến tay cha mẹ cô. Tưởng tượng đến bữa ăn ngon miệng của người em và nụ cười giòn tan của nó, cô khe khẽ mỉm cười. Bên dưới ống quần cô, máu thấm đỏ nền gạch. Niềm vui tinh thần đã át dần cơn đau thể xác. Cô bắt đầu buồn ngủ. Đầu cô nặng trĩu. Cả cơn đau lẫn cơn đói thôi không còn hành hạ thân xác còm cõi của cô nữa. Cô lịm dần trong một giấc mơ màu hồng. Trong mộng mị, cô biến thành con bướm nhỏ bay quanh một vườn hoa dìu dịu hương thơm. Rồi bất chợt chú bướm bay lên cao, cao mãi và hóa thành một vầng mây trắng, lan tỏa ra khắp bầu trời. Cô ra đi nhẹ nhàng và thanh thản như một vầng mây.
Sáng nay, người mua ve chai gởi cho ông già mò sắt một bức thư của con gái. Trong chiếc phong bì trắng trẻo, có kẹp 1 triệu đồng được xếp thẳng thớm. Dòng chữ hơi nhòe, thi thoảng có sai chính tả nhưng ông đọc và hiểu được hết. Bao nhiêu năm nhìn con lớn lên, ông hiểu từng từ con ông nói dù đôi khi câu chữ có lấp lửng. Buổi chiều trên dòng kênh đen, gió vờn lên từng hồi. Một mái tôn bay vèo vèo theo gió. Túp lều rệu rạo hẳn đi. Bà vợ ngồi trên tấm phản cũ xì, lỗ rỗ vết thủng. Không hiểu sao hôm nay, ruột bà nóng cồn cào như có ai xát muối. Thấy khuôn mặt chồng hồ hởi, bà phát bực thêm. Từ xa, ông reo mừng như trẻ con được quà.
- Bà xem tôi đem về cái gì này?
- Có cái gì thì nói đại đi. Tôi ghét phải đoán lắm.
- Con Thường…
Bà nhảy dựng lên, miệng lắp bắp.
- Ông tìm thấy con Thường rồi à!
- Từ từ để tôi nói cho mà nghe. Con Thường vừa gởi cho hai ông bà mình một lá thư kèm theo một triệu đồng nữa. Ra chỗ sáng đi, tôi đọc cho bà nghe. Nó lên bờ làm cho người ta vậy mà lại tốt.
Đôi mắt nhấp nhem, ông cố nuốt lấy những dòng chữ mập mờ. “Cha mẹ đừng lo cho con. Con đã kiếm được việc làm ổn định. Người ta bao ăn ở nên tháng nào con cũng dư phần tiền lương. Bán quán cơm, đồ ăn nhiều lắm, con lơn được mấy ký. Con còn học được cách nấu ăn. Hôm nào về nhà, con sẽ nấu vài món thật ngon đãi cả nhà…”. Hai ông bà cười tủm tỉm theo từng dòng thư. Ngó thấy con gái út quần áo lấm lem bùn lầy, mặt mày bịu xịu. Bà nhanh nhảu quẩy giỏ đi chợ. Bà nghĩ thầm “Đã lâu rồi mình không để ý đến con Út”. Hôm nay biết tin con gái lớn vẫn khỏe, bà nhẹ nhõm cả người.


Trên bờ kênh, một người quen vẫy tay lia lịa. Bà nhướng mắt lên nhìn. Người phụ nữ đi như chạy, thở hùng hục, miệng mếu máo: “Chị Mười ơi! Con Thường nhà chị…”. Mỗi lần nghe đến tên con gái, mặt bà lại ngây ra, miệng bà há hốc, lưỡi líu lại: “Con Thường nó làm sao vậy cô?”. Người phụ nữ thở một hơi thật sâu, cố lấy lại bình tĩnh. “Cháu nó chết rồi chị ơi!”. Bà đổ sụp xuống như cái cây vừa bị đốn gốc. Giỏ đồ ăn lăn lốc xuống đáy kênh đen ngòm ngõm. Bà nói bằng tiếng gió trong cổ.
- Con tôi sao mà chết…?
-Tôi nghe người trên đó họ bảo cháu bị bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Nó sợ liên lụy hai bác nên trốn xuống Bình Dương làm.
- Ai nói với cô là con Thường nhà tôi? Nó vừa viết thư về, bảo vẫn mạnh khỏe còn lên ký nữa mà.
- Trời ạ! Chủ nhà trọ họ đưa nó vào nhà xác bệnh viện rồi. Cháu tôi ở gần đó nhắn tôi báo cho gia đình chị biết, lên mà đưa con về. Ai dám lấy cái chết ra mà đùa hả chị.
- Khốn nạn con với cái. Sao bị bệnh mà nó lại giấu tôi. Thường ơi! Có đói khát, mẹ cũng lo cho con rau cháo qua ngày được mà. Sao con lại âm thầm chịu đựng bệnh tật một mình. Con ơi là con!
Bà không còn đủ mạnh mẽ để lóc cóc bước đi bằng một chân. Lần đầu tiên kể từ khi bị tai nạn phải cưa bỏ chân, bà bò lê lết dưới mặt đường. Nước mắt bà ràn rụa khắp mặt. Tiếng nấc không bật ra ngoài được, cứ ừng ực trong cổ. Nụ cười trong trẻo và câu nói cuối cùng trước khi đi làm xa của con gái cứ váng vất trong đầu bà. “Con không sao đâu. Trời ơi! Khốn nạn thân con tôi. Nó bệnh nặng mà phải nhắt nhín tiền gởi về cho cha mẹ”. Nghĩ đến cảnh con gái trước khi chết còn phải nhịn đói, nhịn khát, nước mắt bà đua nhau chảy dài khắp mặt. Những ngày sau đó, trên dòng kênh đen, người ta nghe tiếng một người phụ nữ ngồi khóc vật vã từ tờ mờ sáng đến tận đêm khuya.
Chiếc thuyền giấy đựng những bông hoa hồng trắng muốt lững thững trôi ra sông Sài Gòn. Tôi ngắm nhìn con thuyền nhỏ mà nhớ cô gái đến nao lòng. Từ nay, trên dòng kênh đen tôi không bao giờ thấy em nữa. Gần đó, cha mẹ cô đang lúi húi nhổ những chiếc cọc gỗ của căn chòi cũ. Ông nhìn tôi ngập ngừng: “Dù sao cũng cảm ơn chú đã giúp đỡ tôi ít vốn. Từ nay nhà tôi bỏ luôn nghề mò sắt. Cái nghề nghiệt quá chú ơi! Cả nhà lên bờ bán vé số, sẵn xin cho con Út vào lớp học tình thương. Hồi còn sống, ngày nào chị hai cũng nhắc tôi cho nó đi học”. Giọng người đàn ông chùng xuống.
Quá trưa, nắng lấp loáng cả dòng kênh. Dòng nước đen ngòm được phủ lên một lớp áo nắng vàng sóng sánh. Gia đình người đàn ông mò sắt đã đi khuất tự bao giờ, để lại trên nền căn chòi cũ những tấm nilon rách nham nhở. Bên dưới, dòng kênh đen vẫn vặn mình chảy miết như chưa hề cõng những mảnh đời bé nhỏ trên lưng.

NN

Saturday, May 2, 2015

Thương nhớ miền tây










Cũng đã lâu lắm rồi Tôi không về Miền Tây. Giờ tự dưng lại muốn cởi giày đi chân đất, muốn nghiêng mình khiêu vũ với những giai điệu của đồng quê, muốn khề khà với bạn bè bên chén trà nóng hổi dưới ánh trăng vàng và nồng nàn cùng gió…


Là con gái xứ biển chính hiệu nhưng nơi chôn nhau cắt rốn của tôi lại là miền Tây sông nước. Có lẽ vì vậy mà tôi đã dành cho miền Tây những tình cảm ưu ái trong lòng. Tình cảm ấy mênh mông lắm, mặn mà lắm. Đấy là tình yêu của người con gái xứ biển dành cho mảnh đất miền Tây phủ trắng những cánh cò.



Chiều dần buông, khi ánh nắng đã bắt đầu trở nên dịu dàng hơn. Tôi thích nằm gối đầu trên cỏ, tóc xõa dài buông lơi, nhắm mắt lại tận hưởng tất cả các mùi thơm của đồng, của ruộng, của mênh mông sông nước. Tôi cứ mặc kệ để cho gió nhẹ nhàng mơn man, ôm ấp tôi theo mọi cung bậc trầm bổng đang trải dài trên thân thể. Tôi đã bắt đầu nghe thấy mùi hương của cỏ dại, cánh mũi cứ phập phồng nghe mùi thơm cây lúa đang độ kì căng tròn sữa mẹ.


Vào mỗi buổi sớm mai, khi bình minh đã bắt đầu ló dạng, tôi thả mình đi theo những chuyến đò ngang dọc trên dòng sông Hậu. Tôi thích nhìn ngắm các cô bé nữ sinh mon men trên cây cầu khỉ lắc lư theo mỗi nhịp đi, thích nhìn chiếc áo dài trắng tinh khôi đi kèm với chiếc quần đen a-lãnh, trên đầu lại nghiêng nghiêng vành nón lá thẹn thùng dưới cái nắng của mặt trời. Đẹp! Nếu có thêm một chút năng khiếu về vẽ tôi nghĩ mình sẽ là một họa sĩ không tồi. Tôi thích vẽ mọi thứ bằng chính trái tim đang rạo rực trăn trở trong lòng.



Lần đầu tiên về đến miền Tây phải đi qua những cây cầu khỉ, tôi đã cởi đôi giày cao gót của mình, sau đó lấy dây chuối cột chúng lại và treo lủng lẳng ở ngay cổ. Tôi đã bắt đầu bò từ bên đây cầu qua bên kia cầu. Qua được rồi tôi mới biết là mình còn sống. Giờ thì mới hiểu được "cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi" là như thế nào rồi đấy.


Tôi đã học cách chèo đò khi bao người đã bỏ công chỉ dẫn tôi rất ư là tận tình, vậy mà đến lúc thực hành tôi cũng chỉ có thể làm cho đò quay mòng mòng tại chỗ, chỉ xém tí xíu nữa thôi là tôi đã cho cái đội ngũ huấn luyện của tôi lọt đò rồi ấy chứ. Cuối cùng thì tôi cũng đã nghiệm ra rằng nếu không muốn chết thì tôi phải ngoan ngoãn mà buông chèo cho người khác lái. Công việc duy nhất của tôi là chỉ có thể ngắm cảnh, hay hái một ít bông súng mang về chuẩn bị cho nồi lẩu chiều nay và chôm chỉa thêm một vài trái đừa nước để tối ngồi hú hí với bạn bè bên ánh trăng non.

Tôi nhớ cả những cái "cầu tõm" ở miền Tây. Thú thật lần đầu tiên đến ấy tôi thà chịu "táo bón" còn hơn chứ không thể nào "đi" một cách tự nhiên với những khu nhà vệ sinh, chỉ che "ở dưới" còn bên trên "mặt mũi" thì cứ lộ thiên giữa trời và đất, giữa bàn dân thiên hạ, ai đi ngang qua cũng có thể gật đầu chào hỏi. Giờ thì tôi cũng đã bắt đầu quen dần, tôi biết nhập gia thì phải tùy tục, xem ra thì nó cũng thú vị ra phết ấy chứ - vừa "đi" vừa ngắm cảnh hòa mình cùng với thiên nhiên đến thế rồi còn gì.







Chẳng biết tự bao giờ, tôi đã yêu thích ca cổ, ca cải lương và nhất là những điệu lý mượt mà của Miền Tây Nam Bộ. Có lẽ bắt đầu từ cái thuở tôi còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ đã sinh tôi ra ngay trên chính cái mảnh đất màu mỡ của đờn ca tài tử này. Khi lớn lên tôi đã nhiều lần vác balô tìm về nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi đã lang thang một mình trên những chuyến xe đò trải dài dọc các tỉnh miền Tây. Tôi đã đến viếng mộ của ông Sáu Lầu vào một buổi chiều mùa thu năm ấy. Tôi đã ngồi đấy lẩm nhẩm cùng vợ chồng ông những câu hát bắt đầu là nguồn cội cho sân khấu cải lương" "Từ là từ phu tướng,bảo kiếm sắc phong lên đàng". Ông đã viết nên những lời ca day dứt ấy bằng chính tình yêu của ông dành cho vợ, ông viết nên từ chính nỗi lòng của một người vợ khi phải xa chồng. Bài hát ấy đã lưu truyền mãi cho đến tận bây giờ để cho một kẻ hậu sinh như tôi khi nghe đến cũng phải nhói lòng.

Đêm giữa cái cảnh trời mây sông nước, giữa đồng ruộng mênh mông sau lũy tre làng, sauhàng bần nghiêng nghiêng bên dòng sông lặng lẽ. Tôi thả hồn mình theo chuyến đò trôi xuôi, êm ả theo dòng nước lồng lộng trăng rằm, trăng sóng sánh hết cả mặt sông, thật nên thơ và tĩnh mịch, tiếng lá dừa nước hai bên bờ khua nhè nhẹ vào nhau, rì rào trong đêm tối. Giữa một đêm trăng huyền ảo như thế này nằm nghe một vài câu vọng cổ, réo rắt hòa nhịp cùng tiếng đàn kìm thì còn gì say sưa hơn thế.




Tôi yêu quý biết bao những tình cảm yêu thương nồng hậu, chân chất của người Mẹ quê với chiếc áo bà ba sờn vai vì quang gánh. Mẹ đã ôm tôi vào lòng khi mỗi lần tôi đến. Tôi nghe thấy cả mùi bùn, mùi mồ hôi được toát ra từ cơ thể Mẹ. Chính cái "mùi" chân phương ấy đã cho tôi cái cảm giác quyến luyến không rời. Cứ mỗi khi chếch choáng trong lòng tôi lại muốn quay về với Mẹ, tìm cho mình những giây phút bình yên.

Anh à! Tôi đã thích đọc cho anh nghe những câu chuyện về miền Tây sông nước vì tôi đã từng nghĩ, từng ước mong rằng vào một ngày nào đó không xa. Tôi sẽ cùng anh dìu nhau đi qua những cây cầu khỉ, sẽ cùng anh nằm chồng chềnh trên một con đò nhỏ để cùng ngắm trời, ngắm nước, ngắm mây và sẽ cùng anh khiêu vũ dưới ánh trăng đầy, ngay bên dòng sông Hậu tần tảo, hiền hòa và thơ mộng biết bao. Nhưng giờ ngày ấy đã xa, xa lắm rồi anh ạ. Tôi sẽ lại cứ lang thang, lại cứ để mình già thêm về chính những trải nghiệm trong đời. Tôi sẽ mãi là người lữ khách độc hành mãi miết đi tìm cho mình những cơ duyên mà tôi biết có đi trọn cuộc đời này tôi cũng sẽ không bao giờ tìm được...