'cookieChoices = {};'

Saturday, May 2, 2015

Thương nhớ miền tây










Cũng đã lâu lắm rồi Tôi không về Miền Tây. Giờ tự dưng lại muốn cởi giày đi chân đất, muốn nghiêng mình khiêu vũ với những giai điệu của đồng quê, muốn khề khà với bạn bè bên chén trà nóng hổi dưới ánh trăng vàng và nồng nàn cùng gió…


Là con gái xứ biển chính hiệu nhưng nơi chôn nhau cắt rốn của tôi lại là miền Tây sông nước. Có lẽ vì vậy mà tôi đã dành cho miền Tây những tình cảm ưu ái trong lòng. Tình cảm ấy mênh mông lắm, mặn mà lắm. Đấy là tình yêu của người con gái xứ biển dành cho mảnh đất miền Tây phủ trắng những cánh cò.



Chiều dần buông, khi ánh nắng đã bắt đầu trở nên dịu dàng hơn. Tôi thích nằm gối đầu trên cỏ, tóc xõa dài buông lơi, nhắm mắt lại tận hưởng tất cả các mùi thơm của đồng, của ruộng, của mênh mông sông nước. Tôi cứ mặc kệ để cho gió nhẹ nhàng mơn man, ôm ấp tôi theo mọi cung bậc trầm bổng đang trải dài trên thân thể. Tôi đã bắt đầu nghe thấy mùi hương của cỏ dại, cánh mũi cứ phập phồng nghe mùi thơm cây lúa đang độ kì căng tròn sữa mẹ.


Vào mỗi buổi sớm mai, khi bình minh đã bắt đầu ló dạng, tôi thả mình đi theo những chuyến đò ngang dọc trên dòng sông Hậu. Tôi thích nhìn ngắm các cô bé nữ sinh mon men trên cây cầu khỉ lắc lư theo mỗi nhịp đi, thích nhìn chiếc áo dài trắng tinh khôi đi kèm với chiếc quần đen a-lãnh, trên đầu lại nghiêng nghiêng vành nón lá thẹn thùng dưới cái nắng của mặt trời. Đẹp! Nếu có thêm một chút năng khiếu về vẽ tôi nghĩ mình sẽ là một họa sĩ không tồi. Tôi thích vẽ mọi thứ bằng chính trái tim đang rạo rực trăn trở trong lòng.



Lần đầu tiên về đến miền Tây phải đi qua những cây cầu khỉ, tôi đã cởi đôi giày cao gót của mình, sau đó lấy dây chuối cột chúng lại và treo lủng lẳng ở ngay cổ. Tôi đã bắt đầu bò từ bên đây cầu qua bên kia cầu. Qua được rồi tôi mới biết là mình còn sống. Giờ thì mới hiểu được "cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi" là như thế nào rồi đấy.


Tôi đã học cách chèo đò khi bao người đã bỏ công chỉ dẫn tôi rất ư là tận tình, vậy mà đến lúc thực hành tôi cũng chỉ có thể làm cho đò quay mòng mòng tại chỗ, chỉ xém tí xíu nữa thôi là tôi đã cho cái đội ngũ huấn luyện của tôi lọt đò rồi ấy chứ. Cuối cùng thì tôi cũng đã nghiệm ra rằng nếu không muốn chết thì tôi phải ngoan ngoãn mà buông chèo cho người khác lái. Công việc duy nhất của tôi là chỉ có thể ngắm cảnh, hay hái một ít bông súng mang về chuẩn bị cho nồi lẩu chiều nay và chôm chỉa thêm một vài trái đừa nước để tối ngồi hú hí với bạn bè bên ánh trăng non.

Tôi nhớ cả những cái "cầu tõm" ở miền Tây. Thú thật lần đầu tiên đến ấy tôi thà chịu "táo bón" còn hơn chứ không thể nào "đi" một cách tự nhiên với những khu nhà vệ sinh, chỉ che "ở dưới" còn bên trên "mặt mũi" thì cứ lộ thiên giữa trời và đất, giữa bàn dân thiên hạ, ai đi ngang qua cũng có thể gật đầu chào hỏi. Giờ thì tôi cũng đã bắt đầu quen dần, tôi biết nhập gia thì phải tùy tục, xem ra thì nó cũng thú vị ra phết ấy chứ - vừa "đi" vừa ngắm cảnh hòa mình cùng với thiên nhiên đến thế rồi còn gì.







Chẳng biết tự bao giờ, tôi đã yêu thích ca cổ, ca cải lương và nhất là những điệu lý mượt mà của Miền Tây Nam Bộ. Có lẽ bắt đầu từ cái thuở tôi còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ đã sinh tôi ra ngay trên chính cái mảnh đất màu mỡ của đờn ca tài tử này. Khi lớn lên tôi đã nhiều lần vác balô tìm về nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi đã lang thang một mình trên những chuyến xe đò trải dài dọc các tỉnh miền Tây. Tôi đã đến viếng mộ của ông Sáu Lầu vào một buổi chiều mùa thu năm ấy. Tôi đã ngồi đấy lẩm nhẩm cùng vợ chồng ông những câu hát bắt đầu là nguồn cội cho sân khấu cải lương" "Từ là từ phu tướng,bảo kiếm sắc phong lên đàng". Ông đã viết nên những lời ca day dứt ấy bằng chính tình yêu của ông dành cho vợ, ông viết nên từ chính nỗi lòng của một người vợ khi phải xa chồng. Bài hát ấy đã lưu truyền mãi cho đến tận bây giờ để cho một kẻ hậu sinh như tôi khi nghe đến cũng phải nhói lòng.

Đêm giữa cái cảnh trời mây sông nước, giữa đồng ruộng mênh mông sau lũy tre làng, sauhàng bần nghiêng nghiêng bên dòng sông lặng lẽ. Tôi thả hồn mình theo chuyến đò trôi xuôi, êm ả theo dòng nước lồng lộng trăng rằm, trăng sóng sánh hết cả mặt sông, thật nên thơ và tĩnh mịch, tiếng lá dừa nước hai bên bờ khua nhè nhẹ vào nhau, rì rào trong đêm tối. Giữa một đêm trăng huyền ảo như thế này nằm nghe một vài câu vọng cổ, réo rắt hòa nhịp cùng tiếng đàn kìm thì còn gì say sưa hơn thế.




Tôi yêu quý biết bao những tình cảm yêu thương nồng hậu, chân chất của người Mẹ quê với chiếc áo bà ba sờn vai vì quang gánh. Mẹ đã ôm tôi vào lòng khi mỗi lần tôi đến. Tôi nghe thấy cả mùi bùn, mùi mồ hôi được toát ra từ cơ thể Mẹ. Chính cái "mùi" chân phương ấy đã cho tôi cái cảm giác quyến luyến không rời. Cứ mỗi khi chếch choáng trong lòng tôi lại muốn quay về với Mẹ, tìm cho mình những giây phút bình yên.

Anh à! Tôi đã thích đọc cho anh nghe những câu chuyện về miền Tây sông nước vì tôi đã từng nghĩ, từng ước mong rằng vào một ngày nào đó không xa. Tôi sẽ cùng anh dìu nhau đi qua những cây cầu khỉ, sẽ cùng anh nằm chồng chềnh trên một con đò nhỏ để cùng ngắm trời, ngắm nước, ngắm mây và sẽ cùng anh khiêu vũ dưới ánh trăng đầy, ngay bên dòng sông Hậu tần tảo, hiền hòa và thơ mộng biết bao. Nhưng giờ ngày ấy đã xa, xa lắm rồi anh ạ. Tôi sẽ lại cứ lang thang, lại cứ để mình già thêm về chính những trải nghiệm trong đời. Tôi sẽ mãi là người lữ khách độc hành mãi miết đi tìm cho mình những cơ duyên mà tôi biết có đi trọn cuộc đời này tôi cũng sẽ không bao giờ tìm được...

No comments:

Post a Comment