Chuyện kể rằng, có cô gái nọ, một đêm, sau khi cự cãi với mẹ, đã đùng đùng bỏ nhà ra đi. Cô chạy rất lâu, mệt mỏi và đói bụng. Trước mặt cô là một tiệm mì. Sờ vào túi, cô phát hiện mình không mang theo đồng nào.
Chủ tiệm mì là một người đàn bà tinh tế, tốt bụng. Bà hỏi: “Có phải cô muốn ăn mì?”. Cô bối rối: “Dạ, nhưng… con không mang theo tiền!”. “Không sao, bà có thể mời con”. Nói xong, bà mang cho cô một tô mì nóng.
Cô gái vừa ngấu nghiến ăn, vừa trào nước mắt. “Con sao vậy?”, bà chủ hỏi. Cô nghẹn ngào: “Con không sao. Con chỉ cảm kích. Con và bà không quen nhau, vậy mà bà đối xử với con thật tốt. Còn mẹ con, sau một cuộc cự cãi, đã đuổi con ra khỏi nhà, bảo đừng bao giờ quay lại”. Bà chủ điềm đạm: “Sao con lại nghĩ thế? Con thử nghĩ xem, bà chỉ nấu cho con ăn một bữa, con lại cảm kích. Vậy mà mẹ con đã mười mấy năm nấu cho con ăn, sao con không cảm ơn mà lại cãi nhau với mẹ?”.
Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh cô gái chạy ào về nhà, thấy mẹ đang đứng đợi mình ở cổng, lo lắng bảo cô vào ăn cơm kẻo nguội…
Mẹ là vậy, ân tình như núi cao bể rộng, nhưng con cái mấy khi thấu hiểu. Như một tu sĩ Phật giáo người Anh, thầy Ajahn Jayasaro, đã viết: “Tại sao tôi luôn xúc động mỗi khi nhớ đến sự tử tế của những người đã giúp đỡ tôi trong suốt cuộc hành trình của mình, những người đã cho tôi ăn hay ngủ một hay hai đêm - nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy như thế đối với sự tử tế của cha mẹ tôi. Họ đã chăm sóc tôi suốt mười tám năm, cho tôi ăn từng ngày (…). Bỗng nhiên tôi thấy mình bất công một cách đáng xấu hổ. Tôi nhận ra rằng tôi đã coi thường sự hy sinh của cha mẹ biết bao nhiêu…”.
Học làm người, do đó, trước hết cần phải học cách biết ơn. Cho nên, trong kinh điển, Phật luôn dạy chúng ta cách nuôi dưỡng lòng biết ơn, báo ơn. Ngài dạy phải thấy cha mẹ là THẬT, và dù con cái có cõng cha mẹ trên hai vai, đi vòng hòn núi Tu-di cũng không thể trả hết ân nghĩa cao vời ấy…
Sưu Tầm
Sưu Tầm
No comments:
Post a Comment