'cookieChoices = {};'

Thursday, July 31, 2014

Đào Duy Từ


Là nhà quân sự và nhà văn hoá, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, người có công giúp chúa Nguyễn xây dựng cơ nghiệp ở Đàng Trong. Đào Duy Từ, hiệu là Lộc Khê, quê ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (nay là Vân Trai, Tĩnh Gia, Thanh Hoá) vốn là người tinh thông sử sách, có tài văn võ nhưng không được đi thi vì là con nhà ca xướng. Ông uất ức rời quê hương vào Đàng Trong lập nghiệp.
Khi mới vào Nam, do gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, ông phải đi ở chăn trâu cho nhà giàu ở Bình Định. Ông chủ là người ham mê văn học, đã phát hiện ra Đào Duy Từ là người có tài, đã tiến cử Đào Duy Từ cho quan Khám lý Trần Đức Hòa. Vì mến tài của Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa đã gả con gái cho, đồng thời tiến cử Đào Duy Từ cho Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sau cuộc gặp gỡ với Đào Duy Từ, Chúa Sãi đã phong cho ông làm Nha uý Nội tán. Được Chúa Nguyễn tin tưởng, trọng dụng, ông đã hết lòng tận tụy giúp chúa Nguyễn về tổ chức quân sự, chính trị, văn hóa.
Năm Canh Ngọ 1630, ông chủ xướng việc thiết kế và chỉ đạo xây dựng hai công trình phòng thủ quan trọng là Lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (1630) và Lũy Thầy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu (Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Đây là chiến lũy quan trọng, giúp chúa Nguyễn có thể phòng thủ hiệu quả trước nguy cơ tấn công của quân Trịnh.
Sinh thời, ông sáng tác nhiều tác phẩm văn, thơ, và nhiều ca khúc rất giá trị; biên đạo một số điệu múa được lưu truyền rộng rãi. Đào Duy Từ là người Việt đầu tiên làm thơ lục bát và là người có công phát triển nghề hát bội ở Đàng Trong, là người khởi thảo tuồng Sơn Hậu. Ông đồng thời là tác giả bộ sách quân sự đặc biệt "Hổ trướng khu cơ" và "Ngọc Long cương vãn" (văn học). Năm 1634, ông bị ốm nặng và chết. Sau khi ông mất, chúa Nguyễn truy phong công thần, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu.
Mặc dù ông không phải là người quê ở đây nhưng là người có công rất lớn đối với Quảng Bình nên được nhân dân mến mộ, xếp vào danh nhân tiêu biểu của Quảng Bình.

         Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam

No comments:

Post a Comment