Huỳnh Thúc Kháng (tên thật: Huỳnh Hanh; tự: Đới Sanh; hiệu: Minh Viên; bút danh: Sử Bình Tử, Xà Túc Tử, Ngu Sơn, Chuông Mai, Hải Âu, Thôn dân Tha Sơn Thạch; 1876 - 1947), nhân sĩ yêu nước, nhà hoạt động chính trị, hoạt động nhà nước Việt Nam. Quê làng Thanh Bình, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sinh trong gia đình Nho học.
Năm 1904, đỗ tiến sĩ; không ra làm quan. Bạn của Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp. Tích cực cổ động cho Phong trào Duy tân tự cường ở Trung Kỳ đầu thế kỉ 20. Năm 1908, nhân vụ chống thuế của nông dân Trung Kỳ, bị Pháp bắt và kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo. Năm 1921, được tha. Năm 1925, là viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ; dùng nghị trường đấu tranh công khai với Pháp. Sau 2 năm, từ chức viện trưởng để phản đối khâm sứ Trung Kỳ, rồi chuyển sang hoạt động báo chí. Từ 1927, chủ nhiệm kiêm chủ bút báo "Tiếng dân"; góp phần truyền bá tư tưởng tiến bộ, chống nạn cường hào, ác bá ở nông thôn, và đề đạt những nguyện vọng chính đáng của nhân dân với chính quyền thuộc địa. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), từ chối hợp tác với người Nhật (mời Huỳnh Thúc Kháng lập nội các). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tham gia Chính phủ liên hiệp; bộ trưởng Bộ Nội vụ (1946), sau kiêm chủ tịch Hội Liên Việt. Tháng 6 đến 10-1946, quyền chủ tịch nước. Được đặc phái vào Liên khu V công tác. Tuổi già, sức yếu đã lâm bệnh rồi mất ở Quảng Ngãi.
No comments:
Post a Comment