- Về nguồn gốc người Việt Nam , có nhiều thuyết khác nhau:
Một thuyết cho rằng người Việt Nam phát tích từ xứ Tây Tạng rồi dọc theo sông Nhị Hà tràn xuống miền trung châu Bắc Việt và phía Bắc xứ Trung Việt ngày nay. Sau những người này theo cái đà ấy tiến dần về phía Nam.
Một thuyết khác nói rằng người Việt Nam xưa thuộc giống Indonesian. Giống này bị giống Aryan đánh đuổi khỏi xứ Ấn Độ, phải chạy sang bán đảo Indochina . Tại phía Bắc bán đảo, giống Indonesian hợp với giống Mongolian làm thành giống Việt Nam .
Giả thuyết được phổ biến rộng rãi nhất nói rằng người Việt Nam xưa gốc ở miền hạ lưu sông Dương tử, bị người nước Sở đánh đuổi, phải chạy xuống vùng Quảng Đông và Quảng Tây, rồi chia ra nhiều nhóm gọi là Bách Việt. Các nhóm này lần lần bị đồng hóa với người Trung Hoa. Chỉ còn nhóm Lạc Việt kéo sang miền Bắc Việt Nam lập nghiệp.
2. Lãnh thổ Việt Nam từ xưa đến nay
Theo như trên đây, nước ta lúc sơ khai chỉ gồm có Bắc Việt và miền Bắc Trung Việt. Về sau, vì lẽ sống còn, tổ tiên ta phải cố mở mang bờ cõi về phía Nam , lập thành miền Nam Trung Việt và Nam Việt.
3. Quốc hiệu nước ta qua các triều đại
Nước Việt Nam ngày nay chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, dài hơn 2500 cây số, thuộc vùng Đông Nam Á Châu, mặt hướng ra Thái Bình Dương.
Trải qua các triều đại, quốc hiệu nước ta thay đổi nhiều lần.Trước tiên, về đời Hồng Bàng, quốc hiệu là Văn Lang. Về đời Thục, An Dương Vương gọi là Âu Lạc. Triệu Đà gọi nước ta là Nam Việt. Thời kỳ Bắc Thuộc, nước ta bị coi như là một phủ của Trung Hoa và gọi là Giao Châu. Nhà Đinh dựng nền tự chủ và đặt tên nước ta là Đại Cồ Việt. Nhà Lý đổi là Đại Việt. Vua Gia Long nhà Nguyễn đặt quốc hiệu lại là Việt Nam.
4. Truyền thuyết về họ làm vua đầu tiên ở nước ta
Sử cũ chép rằng họ làm vua trước tiên ở nước ta là họ Hồng Bàng. Ông vua thứ nhất làKinh Dương Vương truyền ngôi cho con trai là Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh được một trăm cái trứng nở thành một trăm người con trai. Khi đàn con khôn lớn, Lạc Long Quân nói với vợ rằng: “Ta là dòng dõi Rồng mà nàng là dòng dõi Tiên, ăn ở với nhau lâu ngày không được. Nay ta chia con ra, nàng mang năm mươi đứa đem lên núi, ta đem năm mươi đứa xuống biển, để lập cơ nghiệp lâu dài về sau.” Nói xong, vợ chồng chia tay nhau, mỗi người đem một đàn con đi một ngã. Người con trưởng được Lạc Long Quân phong làm vua nước ta, xưng hiệu là Hùng Vương.
5. Tổ chức chính trị vào đời Hồng Bàng
Vua Hùng Vương đặt tên nước ta là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, nay thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Lãnh thổ nước Văn Lang lúc bấy giờ gồm có Bắc Việt và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà tĩnh. Nước ta chia làm 15 bộ, thuộc quyền cai trị của vua. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Quan văn gọi là Lạc Hầu, trông lo việc cai trị, có nhiều thôn ấp rộng rãi. Quan võ gọi là Lạc Tướng, lo việc gìn giữ biên cương, có thôn ấp nhỏ hơn Lạc Hầu. Vua quan đều cha truyền con nối đời đời. Tất cả có 18 đời vua Hùng Vương, trị vì hơn 2000 năm.
6. Di tích về họ Hồng Bàng
Sự tích về họ Hồng Bàng có nhiều việc hoang đường, như việc Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ sinh ra 100 cái trứng, nở ra trăm con, và việc 18 ông vua cai trị trên 2000 năm. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều di tích tìm được dưới đất giúp cho ta biết qua cách sinh hoạt về thời đại Hồng Bàng. Ngoài ra, tại địa phận phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, còn đền thờ các vua Hùng Vương. Hàng năm, đến ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch có lễ giỗ các vua Hùng, còn gọi là ngày giỗ Tổ.
No comments:
Post a Comment