'cookieChoices = {};'

Saturday, August 2, 2014

Đà Lạt mưa phùn


Đà Lạt là vùng khí hậu bất chợt, người ta thường nói trong mỗi ngày có bốn mùa xảy ra. Đó là điều mà bất cứ ai đến Đà Lạt cũng cảm nhận được.
Đặc biệt cái rét ra Giêng, và mưa phùn giăng giăng là một thú vị khác nữa khiến phố núi lãng mạn, dễ thương hơn. Bởi tháng Giêng tiết trời trong sáng, làm bừng lên cỏ cây hoa lá ở xứ Ngàn hoa.
Mọi vật dường như đẹp hơn, lộng lẫy hơn. Nhưng nếu cứ thế, sẽ đơn điệu chăng ? Có lẽ hiểu được điều ấy, vị thần khí hậu ở đây liền tung ra những cơn mưa phùn đắm đuối.
Mưa giăng giăng, thứ mưa không ướt áo làm cho cảnh vật thêm một lần nữa mờ ảo trong cái se se lạnh đầy chất thơ…
Mưa phùn ở Đà Lạt khác với mưa bụi ở miền Bắc. Mưa bụi lấm tấm. Mưa rây rải rác. Mưa phùn là hai thứ mưa ấy cộng lại. Và trở thành thứ mưa u ảo, không thật, vô cớ… Thế mới làm bao du khách lang thang với nó. Thứ mưa si tình ấy, ở quê núi người nông dân làm vườn gọi là mưa hoa cà phê.
Đúng thế, hoa cà phê vào dịp tháng Giêng nhú ra như chiếc răng nanh nhỏ xíu, nếu được những cơn mưa phùn tiếp sức sẽ bật nở thơm ngát một vùng, làm hoang mang những nương dâu không người hái, làm ngơ ngác những đồi tranh khô dại... Còn ở phố núi lại khác, mưa phùn tiếp sức cho vạn loài hoa, nhất là hoa cỏ dại được chút ẩm ướt phủ dụ lại càng dâng hết hương sắc của mình cho mùa xuân dậy thì căng mọng…

Một sáng, thấy mưa phùn giăng giăng trên Hồ Xuân Hương, như chiếc rèm kéo qua không gian nước, một không gian tĩnh lặng như câu thơ Hàn Mặc Tử : "ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, để nghe dưới đáy nước hồ reo…".

Câu thơ trăng mờ, nhưng cũng có thể mường tượng trong chính không gian mưa phùn này, tiếng thông reo lẫn trong tiếng mưa reo thánh thoát, nhạy cảm trên mặt hồ…Đó là gu âm nhạc của thiên nhiên, chỉ có lắng tâm mới nghe được bằng hồn, và lắng hồn mới nghe được bằng hư ảo…Và Hàn Mặc Tử đã nghe được giữa Đà Lạt trăng mờ thứ âm nhạc ấy…
Đà Lạt mưa phùn, chỉ có tháng Giêng là đẹp nhất. Mưa giữa hoa đào, những hạt mưa xuân sắc, nhỏ nhoi mà lộng lẫy, đọng lại vị nước mắt của cô gái sắp đi lấy chồng xa.
Vì vậy, mưa phùn ra Giêng còn có cái tên là mưa tình nhân.. Mưa u hoài, day dứt chỉ dành riêng cho hai người yêu nhau có dịp nép vào nhau, chở che, nương tựa… Bản lĩnh người miền núi là che chở, họ sẽ dang rộng cánh tay nồng nàn cho nhau, họ sẽ nói tự trong tim những lời thì thầm như cỏ hoa, như mặt trời, để làm bừng nở trong nhau về một ngày hảnh nắng, vàng hoe niềm chờ đợi…

No comments:

Post a Comment