'cookieChoices = {};'

Sunday, August 10, 2014

BÀ NGOẠI TÔI - The end


Một đời người
 gian cứ trôi qua, đời người cũng già đi theo năm tháng. Bà ngoại tôi cũng suy yếu đi rất nhiều, tuy tuổi đã cao nhưng bà ngoại tôi vẫn còn rất tỉnh táo. Bà ngoại tôi nhớ rất rỏ những ngày giỗ của tổ tiên từ ba bốn đời trước. Mỗi lần tới ngày giỗ, bà ngoại tôi đều gởi tiền về cho ông cậu Út tôi làm tiệc cúng ông bà, giúp ông cậu Út tôi làm tròn bổn phận người giữ nhà hương quả. Thỉnh thoảng, tôi thích hỏi bà ngoại tôi về chuyện bà con trong dòng họ, bà ngoại tôi kể rất nhiều chuyện lâm ly bi đát một cách rành mạch và không hề lẫn lộn tình tiết, trong khi tôi hỏi xong thì lại quên tới quên lui. Mỗi một mẫu chuyện bà ngoại tôi kể đều có thể được viết lại thành một vở kịch hoặc một cuốn truyện hay. Ai gặp bà ngoại tôi cũng khen bà ngoại tôi đẹp lão và phúc hậu. Tuy sức khỏe yếu kém nhưng bà ngoại tôi rất hay cười, nụ cười hiền lành luôn làm tươi sáng khuôn mặt tròn mịn ít nếp nhăn của bà. Không hiểu sao, mái tóc bạc của bà ngoại tôi cũng bắt đầu điểm đen trở lại. Nói như vậy, hình như tôi đang khoe khoang bà ngoại tôi vừa có tài lại vừa đẹp ... lão.
Năm 2012, tôi được công ty cho nghỉ phép sabbatical 2 tháng. Như thường lệ, tôi về Việt Nam ăn Tết để thăm bà con và sẵn dịp đi du lịch đó đây. Trước khi đi, tôi ôm hôn bà ngoại tôi và dặn:
-“Bà ngoại nhớ giữ gìn sức khỏe nhen, đợi con về hah!”
Bà ngoại nắm tay tôi, cười tươi nói:
-“Ừ! Đi chơi vui vẻ nha con. Đi đâu chơi phải cẩn thận, nghe nói dạo này ở Việt Nam cướp bóc giết người dử lắm. Con nhớ đừng ăn thịt heo, heo đang có bệnh dịch. Cũng đừng ăn thịt gà nghe con, coi chừng cúm gà … Thôi, hay con ăn ở nhà, kêu bà con mình nấu cho ăn là tốt nhất”
Tôi gật đầu dạ lia lịa, nhưng tôi tự nghĩ trong lòng nếu về Việt Nam mà không được ăn hàng thì đúng là mất mát quá lớn. Tôi vẫy tay chào bà ngoại tôi trước khi bước ra cửa. Lúc quay lưng đi, bất chợt có một cảm giác kỳ lạ lướt nhẹ trong tim tôi...
Tung tăng đón Tết ở Việt Nam với bạn bè và bà con, rồi du lịch xa gần được hơn một tháng, thấm thoát cũng sắp đến ngày về. Vào khoảng bốn ngày trước khi trở lại Mỹ, mẹ tôi gọi điện thoại hỏi chừng nào tôi sẽ về. Tôi cảm thấy hơi lạ khi mẹ hỏi tôi như vậy, vì mẹ biết rất rỏ ngày về của tôi. Mẹ tôi cũng không hỏi ngày nào tôi sẽ về mà lại hỏi chừng nào. Câu hỏi có vẻ như một sự hối thúc nhiều hơn là hỏi cho biết. Trong lòng tôi có một chút lo lắng nên tôi hỏi mẹ về tin tức từng người trong gia đình, mẹ tôi trả lời rằng mọi người và mọi việc vẫn bình thường. Hai ngày trước khi rời Việt Nam, tôi gọi điện thoại cho mẹ tôi để báo tin giờ giấc của chuyến bay không bị thay đổi, sẵn dịp tôi hỏi thăm sức khỏe của bà ngoại tôi. Mẹ tôi im lặng vài giây ở đầu dây bên kia, sau đó kêu tôi hãy vui chơi mấy ngày chót rồi về nhà sẽ nói sau. Tôi cảm thấy bứt rứt, nghi ngờ có chuyện gì đã xảy ra, hỏi hoài nhưng mẹ tôi vẫn không nói gì khác.
Chuyến bay của tôi rời Việt Nam vào buổi tối, mặc dù vào gần giửa khuya nhưng không khí ở phi trường Tân Sơn Nhất rất ồn ào đông đúc. Tôi đang ngồi uống sinh tố với mấy người bà con tại phi trường trong lúc đợi giờ lên máy bay, thì mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi:
-“Con gần lên máy bay hả? Mẹ mong con về bình an. Ráng về sớm nhen…”
Nghe giọng nói của mẹ tôi hơi lạ lạ, tôi hoang mang tự hỏi sao mẹ tôi lại nhắn nhủ tôi về sớm trong khi giờ bay đã được quy định trước. Tôi buột miệng hỏi:
-“Bà ngoại có gì hả mẹ?”
Mẹ tôi liền òa khóc trong điện thoại:
-“Bà ngoại không xong rồi con ơi. Bà ngoại bị chở vô nhà thương cấp cứu hồi tuần rồi. Sau đó bà ngoại được gởi về nhà, nhưng phải chở vô nhà thương lần nữa cách đây mấy hôm. Bà ngoại có khi mê khi tỉnh. Cả nhà muốn con chơi cho vui trọn vẹn nên không dám báo cho con hay.”
Tôi run giọng hỏi:
-“Bây giờ bà ngoại khỏe chưa? Bác sĩ nói sao mẹ?”
-“Hình như bác sĩ cũng đã hết cách chữa trị, chỉ mong con về cho kịp.”
Tôi bật khóc nức nở giữa phi trường. Tôi nghe loáng thoáng người bà con nói với tôi:
-“Mẹ chị có báo tin cho em biết hồi tuần rồi là bà ngoại chị vô nhà thương nhưng em không dám nói...”
Tôi không cầm được nước mắt, nước mắt cứ tuôn trào ra. Tiếng khóc tôi có lẽ quá lớn nên người qua lại ai cũng nhìn. Tôi ngồi bệt hẳn xuống đất, ôm ngực khóc ngất từng cơn. Mười mấy tiếng đồng hồ bay, nửa vòng trái đất, tôi lo sợ mình không kịp về gặp bà ngoại tôi lần chót. Tôi trách bản thân tôi sao lại đi chơi quá xa. Tôi không ngừng cầu nguyện xin cho bà ngoại tôi có thể đợi được tôi về, nếu tôi không gặp được bà ngoại tôi vào những giây phút cuối cùng của bà, chắc rằng tôi sẽ phải ôm sự tiếc nuối suốt đời.
Khi máy bay đáp xuống phi trường San Francisco, tôi chạy thẳng từ phi trường vào nhà thương thăm bà ngoại tôi. Bà ngoại tôi nằm đó mê mang bất tỉnh. Mẹ nói với tôi là bà ngoại không còn tỉnh táo nữa, lúc nhớ lúc không, lại ngủ rất nhiều, có khi bà ngoại không nhận ra được người thân. Tôi bước tới ôm bà ngoại tôi mà bà cũng không mở mắt.
Đợi tới chiều thì bà ngoại tôi thức dậy, tôi mừng rở hỏi bà:
-“Ngoại ơi, ngoại có mệt không?
Bà ngoại tôi gật nhẹ đầu. Tôi hỏi tiếp:
-“Ngoại có biết con là ai không? Ngoại nhớ con không?”
Bà ngoại tôi cười nhẹ, thều thào trả lời:
-“Biết chớ, con Thúy!”
Tôi nắm tay bà ngoại tôi mà lòng đau như cắt. Cám ơn ngoại đã chờ được con về. Cám ơn ngoại đã nhận ra con là ai. Cám ơn chúa đã ban sức mạnh cho bà ngoại con được cầm cự tới giờ này!
Ngày hôm sau bà ngoại tôi bắt đầu đi vào trạng thái hôn mê trở lại, chỉ thức dậy để ăn uống chứ không còn nhận ra ai. Ông bác sĩ người Ấn khuyên gia đình tôi nên đem bà ngoại tôi về nhà vì bà ngoại tôi bị bệnh già, nhà thương không còn cách chữa trị. Bà ngoại tôi tiếp tục khi mê khi tỉnh, đến vài ngày sau thì bà ngoại tôi trút hơi thở cuối cùng. Năm đó, bà ngoại tôi thọ được 95 tuổi.
Chúng tôi tổ chức đám tang của bà ngoại theo kiểu Phật giáo nhưng đơn giản hóa vài lễ nghi. Tro cốt của bà ngoại tôi được đem từ miền Bắc Cali về miền nam Cali chôn bên cạnh tro cốt của ông ngoại tôi. Cả đời bà ngoại tôi chỉ biết có ông ngoại, tuổi thanh xuân phải chia xẻ người chồng với bao nhiêu đàn bà, rốt cuộc người đàn bà cuối cùng nằm bên cạnh ông ngoại tôi dưới lòng đất là bà ngoại tôi. Tang lễ tại nghĩa trang cuối cùng cũng hoàn tất, lúc chuẩn bị đi về thì nhỏ con gái 9 tuổi khều tôi nói:
-“Bà cố về kìa mommy!”
Tôi giật mình hỏi nó:
-“Bà cố đâu Bi?”
Con gái tôi chỉ vào con bươm bướm nhỏ màu vàng đang bay lượn vòng quanh gần những vòng hoa phúng điếu:
-“Bà cố nói với Bi là bà cố thích màu vàng, lại thích con bươm bướm. Chắc là bà cố rồi.”
Tôi chớp mắt vỗ đầu nó:
-“Yah, chắc là bà cố”
Mẹ tôi lấy khăn lau đi giòng nước mắt, vừa xụt xịt vừa nói:
-“Thời gian trôi qua thật nhanh. Mẹ nhớ cũng khoảng thời gian này bà ngoại mình được đưa vào nhà thương, tưởng là đã mất từ lúc đó ai dè được cứu sống lại. Quay qua quay lại mà đúng mười năm.”
Tim tôi thót nhẹ, tôi chợt nhớ lại lời cầu nguyện của mình ngày nào ở bệnh viện. Tôi lẫn thẫn hỏi mẹ tôi lại lần nữa:
-“Mẹ nói đúng mười năm hả?”
Mẹ gật đầu trả lời:
-“Phải, hơn mười năm một chút”
Tôi ngước đầu nhìn lên trời cao. Bầu trời trong xanh đầy mây trắng. Không biết lời cầu nguyện của tôi ngày đó chỉ là sự trùng hợp hay là sự kỳ diệu. Tôi không mong gì hơn, chỉ hy vọng bà ngoại tôi được lên trời, lên trời bà ngoại tôi sẽ không bị cô đơn vì có ông ngoại tôi, anh chị em của bà và những người thân đang chờ đợi bà.
DTDT

No comments:

Post a Comment