'cookieChoices = {};'

Wednesday, October 1, 2014

Chú bé đánh giày



Phải cố gắng lắm thằng bé mới xách nổi cái hòm gỗ đựng bộ đồ đánh giày của nó. Len lỏi qua những chiếc bàn, nó hy vọng sẽ có một ông khách nào đó cần đánh bóng đôi giày để kiếm ít tiền. Hôm nay là chủ nhật, nên tiệm giải khát chật kín người. Họ đến đây để giải khát thì ít mà cốt để chưng diện sự giàu sang thì nhiều.

Từng đôi, từng đôi một, họ ngồi sát bên nhau, tay lơ đãng khuấy cốc, miệng thì thầm trò chuyện, thỉnh thoảng họ lại liếc mắt sang các bàn khác, dường như để xem có ai chú ý đến mình không. Đàn bà thì tươi tốt trong bộ xiêm y lộng lẫy, vàng đeo kín cổ và hai bàn tay. Đàn ông chững chạc trong bộ complé, tay đeo đồng hồ đắt tiền và những chiếc nhẫn vàng to sụ. Từng lúc lại có đôi đứng dậy xỉa những tờ giấy bạc xanh đỏ cố cho chúng rơi lả tả xuống mặt bàn.

Người phục vụ đón lấy một cách thành thạo, kèm theo là một nụ cười phỉnh nịnh và câu nói đã thuộc lòng: “ Nhà hàng chúng tôi rất vinh dự được gặp lại quý ông, quý bà ”. Tất cả sự phô bày cái giàu sang kệch cỡm kia đối với đứa bé đều vô nghĩa. Nó chỉ cần một ông khách nào đó chìa đôi giày ra để nó đánh bóng mà thôi. Hôm nay quả là một ngày hẩm hiu với nó. Đã xế chiều rồi mà nó chưa hề kiếm được đồng bạc lẻ nào. Chiếc bánh mì lót dạ từ trưa không còn mảy may tác dụng với nó nữa. Nhưng hình như nó không bận tâm gì lắm đến điều đó. Bởi nó chỉ nghĩ tới mẹ.

Hiện giờ mẹ nó đang nằm ở nhà. Sự cố gắng đến tuyệt vọng trong việc kiếm miếng cơm manh áo để nuôi nó đã quật đổ sức vóc vốn dĩ không có gì là khoẻ mạnh của người mẹ. Những cơn đau thắt ngực và trận ho kéo dài đã khiến cơ thể mẹ nó gầy rộc. Nhưng mẹ giấu không cho nó biết bệnh tình, bà vẫn gắng sức làm việc. Cho đến một hôm nó đi học về không thấy mẹ ra đón với nụ cười trên môi nhợt nhạt nhưng cố làm ra vẻ tươi tỉnh như mọi bận. Vào nhà nó thấy mẹ nằm trên giường, người rũ như một tàu lá héo. Đó cũng là ngày cuối cùng nó được cắp sách tới trường.

Nó không biết mặt bố. Khi vừa tròn 5 tuổi thì bố mẹ nó bỏ nhau. Trong ký ức trẻ thơ của nó loáng thoáng hình bóng của một người đàn ông khoẻ mạnh, dữ dằn hay uống rượu và đánh vợ. Hình như có một lần nào đó, nó nghịch lỡ tay làm vỡ chai rượu của bố, bị ông ta đánh một trận rất đau bằng thanh gỗ cài cửa. Mẹ nó chỉ biết đứng khóc mà không dám can ngăn. Sau khi bố mẹ nó li dị, ông ta bỏ đi đâu không ai rõ. Dần dần, hai mẹ con thôi không còn hoảng sợ nữa khi biết rằng ông ta sẽ không bao giờ trở lại.

Bây giờ nó đã là một đứa bé 13 tuổi. Tuy hơi gầy so với chúng bạn cùng lứa, nhưng bù lại nó lại tỏ ra là một đứa bé hoạt bát, thông minh. Có lẽ đó là kết quả xuất phát từ tình yêu thương của người mẹ đã dành trọn cho nó. Hôm nó cầm về những đồng bạc đầu tiên của một ngày lang thang kiếm sống. Mẹ cứ ôm nó khóc mãi. Nhưng biết làm sao được, không có tiền để thuốc thang chạy chữa cho mẹ, bản năng đòi hỏi quyền được sống tiếp tục xô đẩy nó ra khỏi nhà với chiếc hòm gỗ trên tay.

Người ta bảo nó có cái bớt màu sẫm đen trên má phải là dấu hiệu của sự rủi ro. Song, nó không tin thế. Ngày nào kiếm được nhiều tiền, nó nghĩ có lẽ là nhờ cái bớt. Thế mà hôm nay, cái bớt không giúp đỡ được gì cho nó. Tối nay mẹ con nó sẽ có cái gì tạm sống qua bữa đây ? Rồi ngày mai, ngày kia…

Thất vọng trước đám thực khách giàu sang nhưng bủn xỉn không muốn bỏ ra vài nghìn để làm đỏm cho đôi chân của mình. Nó miễn cưỡng định bước ra khỏi tiệm. Chợt có tiếng gọi kẻ cả:

- Ê ! Thằng bé đánh giày…

- Dạ ! Con đây ạ ! Nó mừng rơn, miệng vâng dạ rối rít và chạy đến ông khách vừa gọi.

Đó là một người đàn ông to béo, ăn vận chải chuốt, đang ngồi ngã người ghếch đôi chân lên chờ đợi. Bên cạnh ông ta, một người đàn bà cũng to béo, mặc chiếc áo thun trễ cổ và chiếc váy ngắn như muốn phô bày những khối thịt mịn màng của mình ra trước ánh sáng. Tới sát vị khách, thằng bé hạ hòm gỗ xuống chuẩn bị hành nghề.

Chợt người đàn ông nâng cằm nó lên nhìn chòng chọc vào chiếc bớt trên má nó. Một lát sau ông ta hỏi nó giọng khê nồng:

- Mày có phải là thằng Tần không ?

- Dạ ! Phải ạ ! Nó trả lời và ngạc nhiên khi thấy ông khách lạ mặt này biết tên nó.

- Mẹ mày tên là Đoài phải không ?

- Dạ, phải ạ ! Nỗi ngạc nhiên khiến thằng bé tròn xoe mắt. Người đàn ông buông mặt nó quay sang nói với người đàn bà:

- Nó là con anh…A

- Tôi biết rồi ! Người đàn bà thản nhiên trả lời.

- Sao biết ?

- Nó giống anh như đúc.

Thằng bé suýt reo lên định chạy tới ôm chầm lấy bố theo bản năng của một đứa con. Nhưng nó chợt sững lại. Nó sợ…

- Mày bỏ học rồi à ?

- Dạ…

- Sao bỏ ?

- Nhà không có gì ăn nên… cháu… con … phải bỏ… Nó bối rối khi buộc phải xưng con với người đàn ông.

- Thế mẹ mày đâu ? Bố nó hỏi với một giọng vô cảm.

- Mẹ bị ốm… Nó lí nhí trả lời.

- Cho mẹ mày chết. Cứ làm phách cho lắm vào. Bố nó buông một câu khiến nó ớn lạnh. Mẹ nó mà chết được ư ? Không ! Không thể ! Nó có cảm giác mình đang gào lên thật to để phản đối điều đó. Nhưng thực ra nó vẫn đứng câm lặng, nước mắt ứa ra. Tự dưng nó cảm thấy căm ghét người đàn ông tàn bạo này. Tuy không diễn đạt được thành lời, nhưng nó hiểu rằng chính người đàn ông này là nguyên nhân khiến mẹ con nó phải khốn khổ.

- Anh Thiết này ! Hay là ta đưa nó về để bế em ? Người đàn bà chợt đổi giọng nói õng ẹo với bố nó.

- Để cô ăn thịt nó đi à ? Bố nó lừ mắt nói với người đàn bà.

- Anh cứ làm như là…

- Chứ lại không à ? Tôi thì lạ gì cái tính yêu tinh của cô nữa.

- Thì thôi vậy. Gớm, tưởng báu lắm đấy. Người đàn bà cong cái môi tô son đỏ chót lên để lộ chiếc răng nanh bên khoé mép.

- Cô câm cái mồm đi, không báu cũng là con tôi. Bố nó quát người đàn bà, rồi quay lại lừ mắt hỏi nó:

- Mày có về ở với tao không ?

- Không ! Thằng bé trả lời buông thõng, khiến người đàn bà cũng ngẩn mặt ra nhìn.

- Đồ mất dạy. Trả lời như thế à ? Bố nó quát lên trong cuống học, tưởng chừng ông ta sẽ vồ lấy nó mà xé xác ra. Nhưng không. Thay vì điều đó, bàn tay hộ pháp của ông ta xoè ra trước mặt nó một xấp giấy bạc:

- Cho mày đấy…

Nó trân trân nhìn những tờ giấy bạc màu tím. Chưa bao giờ mẹ con nó được cầm loại giấy bạc như thế. Nhưng…

- Cầm lấy ! Bố nó cáu kỉnh nhắc lại.

- Dì cho con đấy. Con cầm đi ! Người đàn bà thẽ thọt nhắc. Đứa bé ngẩng phắt đầu lên. Sự ngộ nhận của người đàn bà khiến nó như một chú báo con trước bầy sư tử. Hình ảnh mẹ nó vàng võ héo hon hiện rõ nét trong nó hơn bao giờ hết. Tại sao người đàn bà này lại dám nói câu mà lẽ ra chỉ mẹ nó mới có quyền được nói?

- Tôi không cần ! Nó nói giọng kiên quyết pha lẫn căm thù. Bố nó giật phắt tay lại như chạm phải luồng điện.

- Mày dám nói với chúng tao như thế hả ? Đúng là mẹ nào con nấy ! Ông ta nổi xung lên, chiếc cằm bạnh ra giật giật.

Thằng bé không trả lời. Nó cúi xuống xách thùng đồ nghề đứng lên rồi bỏ đi. Chợt từ góc phòng bên kia có tiếng gọi:

- Này ! Bé ơi, lại giúp bác tí nào !

- Dạ ! Con tới ngay đây ạ ! Thằng bé nhanh nhẩu đáp, rồi chạy tới. Nó cảm thấy trong lòng nhẹ lâng…

N.N.Đ

No comments:

Post a Comment