'cookieChoices = {};'

Saturday, April 18, 2015

Hoa Shibazakura lãng mạn ở Nhật Bản




Chắc hẳn ai cũng cảm thấy nao lòng trước vẻ đẹp rực rỡ khi được dạo bước trên những thiên hoa mùa hè này.


Thiên nhiên luôn mang trên mình một vẻ đẹp rực rỡ, quyến rũ, có sức lôi cuốn kỳ lạ. Chắc hẳn du khách sẽ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh khi hòa mình vào những thiên đường hoa rực rỡ sắc màu và ngập tràn hương thơm trải dài tới tận chân trời.
 

 

Cứ vào độ hè sang, khoảng tháng 4 - 5 hàng năm, hoa chi anh lại nở rợp trời tại khu công viên Hitsujiyama . Vẻ đẹp rực rỡ đó sẽ làm mê đắm bất cứ du khách nào may mắn đặt chân đến đây.

Hoa chi anh còn được gọi là Shibazakura theo cách gọi của người Nhật, hoa cao từ 20 - 30cm. Do vậy khi trồng san sát nhau, chúng có thể tạo ra một thảm cây phủ kín mặt đất và sườn đồi.








Loài hoa 5 cánh đơn mỏng manh này có nhiều màu sắc khác nhau: màu tím, tím viền trắng, tím đỏ, hồng hay trắng... Khi được trồng đan xen, chúng tạo nên một bức tranh tổng thể, hài hòa đa sắc màu, trải dài trên diện tích khoảng 16.000 mét vuông của công viên Hitsujiyama.

Friday, April 17, 2015

Dòng sông ngũ sắc tuyệt đẹp


Cano Cristales là một trong những con sông tuyệt vời nhất trên thế giới, được gọi với nhiều cái tên như "sông ngũ sắc", "sông cầu vồng" hay “dòng sông bắt nguồn từ thiên đường”.




Cano Cristales là một dòng sông ở Colombia, nằm ở công viên quốc gia Serrania de la Macarena thuộc thành phố La Macarena. Đây là con sông mang tính năng sinh học độc đáo, được bao phủ bởi tảo đầy màu sắc.

Con sông này cũng bình thường không có gì khác biệt lắm so với những con sông khác, cũng một một giường đá phủ đầy rong rêu xỉn màu xanh lá cây mà ta có thể nhìn thấy rõ bên dưới lòng sông. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian ngắn nhất định trong năm, cụ thể là giữa mùa mưa và mùa khô khi mực nước của sông ổn định thì cả một dòng sông bùng nổ sắc màu rực rỡ của tảo sinh sôi nảy nở, biến dòng sông thành một dải cầu vồng sống mềm mại đáng kinh ngạc.

Dòng chảy của sông quy định lượng ánh sáng mặt trời đến tảo và trong mùa mưa, nó giữ những tia nắng mặt trời xuống tận dưới đáy sông còn trong mùa khô, mực nước quá nông khó duy trì cuộc sống của các loài thủy sinh đặc biệt là tảo, rong rêu. Nhưng sự giao thoa giữa hai mùa mưa và khô là điều kiện lí tưởng cho cuộc sống dưới sông Cano Cristales phát triển. Trong thời gian này, toàn bộ lòng sông được bao phủ bởi một loạt các màu sắc khác nhau, màu xanh biển, xanh lá cây, đỏ, vàng và vô số màu sắc khác chen ở giữa những gam màu chính này. Nhưng có một điều đáng tiếc là phép lạ đầy màu sắc này chỉ kéo dài vỏn vẹn vài ngày giữa mùa mưa và mùa khô. Nắm bắt quang cảnh tuyệt vời này chỉ có thể theo dõi quy luật thời tiết giữa hai mùa.

Trong nhiều năm liền, các địa điểm tham quan này bị đóng cửa không cho khách du lịch đến vì hoạt động quân sự trong khu vực cùng với những lo ngại về tác động của giao thông du lịch không được kiểm soát. Nhưng đến năm 2009, thì khu vực này đã được mở cửa trở lại cho du khách tham quan và ngày nay có một số cơ quan du lịch Colombia mở ra những chuyến bay đưa du khách tới thành phố La Macarena.

Từ thành phố La Macarena, du khách có thể lựa chọn cho mình những cách di chuyển khác nhau chẳng hạn như cưỡi ngựa, cưỡi lừa hay đi bộ dưới sự trợ giúp của hướng dẫn viên du lịch để du khách tiếp cận công viên quốc gia Serrania de la Macarena, nơi mà dòng sông Cano Cristales đang ẩn mình, rộng 20m và dài 100m. Có điều là du khách chỉ được tham quan cả ngày nhưng không được phép nghỉ lại qua đêm hay nấu ăn gì cả. Công viên này đặc biệt nghiêm cấm tiếng ồn ào cũng như là việc xả rác dưới mọi hình thức.























Wednesday, April 15, 2015

Nhật kí chàng tìm vợ


Tôi, một gã đàn ông phải viết nhật kí về hành trình tìm vợ của mình, bởi tôi cho rằng cái sự lấy vợ của đàn ông là đáng coi trọng lắm.
Đàn ông lấy được vợ tốt coi như đã thành công hơn người. Nhưng dù thế tôi cũng đã mong rằng, nhật kí này chẳng phải ghi dài, chỉ một cô mà “ăn ngay” thì thật là phúc đức.
Cô bé xóm bên và con chó đoản mệnh
Nhắc đến em này tôi lại càng thấy mình thèm ăn thịt chó. Chả là ngày ấy, gã trai tân là tôi mới bước sang tuổi 20. Thanh niên trong làng đi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tôi có quen một cô bé kém mình 2 tuổi. Hỏi ra mới biết nhà em ấy ở xóm bên.
“Tháng lại ngày qua, tình yêu chớm nở”, tối ấy, tôi mon men sang tìm nhà em vào chơi cho đàng hoàng, ra mắt bố em cho tử tế. Ai dè mới đi đến đầu xóm, con chó nhà ai lao ra đuổi tới tấp. Khỉ thật, có mỗi cái quần mồi, giờ nó đuổi mà cắn phải coi như xong.
Ba máu sáu cơn, còn mày thì mất tao, tôi vơ nửa viên gạch ném nó. Thực ra định bụng tôi chỉ dọa để nó sợ mà chạy đi, ai dè nó lăn ra kêu ăng ẳng. Chưa kịp định thần, một bác trung tuổi lao ra, nhìn con chó và nhìn…tôi. Thế là sau đó tôi được mời vào nhà để “uống nước” và giải quyết. Nào ngờ, người bưng nước ra để tôi và bác “nói chuyện” lại chính là em. Cuộc tình của tôi coi như chấm hết.
Hơn một năm sau, em lấy chồng. Giờ đây mỗi lần ăn thịt chó tôi lại rất nhớ em.
Cô em với giấc mộng tình yêu cổ tích
Cuộc tình thứ nhất chấm dứt, hai năm sau tôi mới đem lòng yêu người khác. Đó là một cô bé 21 tuổi. Khi ấy tôi 23. Trông em có vẻ trẻ so với tuổi, lúc nào cũng hồn nhiên và mơ mộng. Có lẽ tôi ấn tượng với em và yêu em cũng vì thế.
Nhưng rồi, càng yêu em tôi càng nhận ra rằng, em chỉ có thể làm một con búp bê để tôi nâng niu, chứ làm vợ thì thật khó. Làm sao em có thể làm vợ khi suốt ngày em nói chuyện về phim Hàn Quốc. Em dạy tôi phải mặc quần áo kiểu Hàn Quốc, yêu kiểu Hàn Quốc, thậm chí hôn kiểu Hàn Quốc cho…đẹp. Biết khó lòng lấy em làm vợ được, tôi dần dần chuyển tình yêu sang tình bạn, coi em như cô em gái bé bỏng và dễ thương.
Tôi lên thành phố đi làm, nửa năm sau nghe tin em đi lấy chồng Hàn Quốc qua môi giới. Tôi đã nghĩ về em với khung cảnh em mặc quần áo Hàn Quốc và hôn chồng bằng kiểu Hàn Quốc. Giấc mơ cổ tích về tình yêu của em không biết có được thành hiện thực hay không khi mà tôi thấy mọi người nói sang đó, gia đình chồng bắt em làm việc vất vả lắm.
Người phụ nữ và con số 17
Khi gặp và yêu em tôi bước sang tuổi 25. Em đẹp, hiền hòa và đảm đang. Em nhanh nhẹn, hoạt bát và ăn nói nhẹ nhàng dễ nghe. Càng quen và yêu em lâu, tôi càng nhận ra em đúng là người vợ lí tưởng. Khó mà kiếm đâu được người đẹp người đẹp nết như vậy. Em có cái gì đó chững chạc và từng trải hơn những cô gái cùng tuổi khác. Yêu em được nửa năm, hôm đó, tôi mang ít quà sang gia đình em định thưa chuyện. Đi đến đầu ngõ, hỏi thăm một cô trung tuổi, ai dè câu nói của cô ấy làm tôi chết lặng: “Thế hỏi nhà chồng nó hay nhà nó, mà giờ nó không ở nhà chồng đâu, lấy chồng được có 17 ngày là li thân, giờ nó về nhà nó ở rồi, đang đợi làm thủ tục li hôn, tôi chỉ cho nhà mẹ đẻ nó nhé…”.
Cô ấy cứ nói nhưng tôi chẳng còn nghe thấy gì nữa, tai ù hết lên. Thì ra cô ấy đã có chồng, thảo nào thấy cô ấy có vẻ từng trải như vậy. Tôi quay về, nghe ngóng, hơn nửa năm sau vẫn không thấy cô ấy ly dị chồng. Tôi lại ngậm ngùi chia tay với người con gái ấy

Chẳng hiểu số tôi thế nào mà quá tam ba bận không kiếm được một cô cho tử tế. Thành thử tôi chán, thây kệ mọi chuyện. Hai năm liền tôi chẳng thiết yêu đương gì hết. Đến một hôm, đang nằm lì trong phòng xem chưởng, mẹ gọi tôi xuống nhà có khách. Cứ ngỡ mấy thằng bạn tới rủ đi chơi nào ngờ một cô gái ngồi chờ tôi. Nói chuyện hồi lâu mới rõ, em này là con của bạn bố tôi. Nhìn tướng tá thì cũng ổn, ăn nói cũng được và rất cá tính. Nhưng mà tôi không ưng cho lắm. Ai đời, con gái lại đến nhà con trai chơi trước bao giờ. Đành là hai bên bố mẹ có ý mối lái, nhưng lẽ ra phải là tôi đến nhà cô ấy trước chứ ai lại…
Sau tối hôm đó, em còn đến nhà tôi 3 lần nữa. Mỗi lần cách nhau 3 hôm. Sau đó, em mất hút. Gần 2 tháng trời không thấy em qua lại. Tự nhiên tôi lại thấy nhớ em lạ thường. Cũng tự nhiên tôi thấy em sao mà dễ thương, xin xắn và cũng khéo léo đấy chứ. Nhưng sao em lại không đến nữa, lẽ nào em… không ưng tôi? Hay em lại chuẩn bị lấy chồng?
Không thể ngồi nhà chờ đợi, theo chỉ đường của bố, tôi lần tới nhà em. Em vẫn vậy. Chưa lấy chồng. (Thật may là như vậy!). Mấy ngày sau, tôi bày tỏ tình cảm rồi nhờ bố mẹ thưa chuyện giúp với hai bác bên đó. Lúc ấy, tôi thấy mình yêu em thực sự chứ không phải vì sợ cái số ế vợ nó đeo đuổi. Em ra chiều ưng thuận.
Chúng tôi tìm hiểu nhau 7 tháng và giờ thì em là…vợ tôi. Lấy nhau rồi tôi mới dám hỏi em vì sao ngày ấy em lại lần đến nhà tôi trước. Vợ tôi trả lời: “Không thích cái kiểu ngồi ở nhà cho người ta đến xem mặt. Muốn tự khẳng định mình rồi tùy vào sự lựa chọn của đối phương”.
Ra là thế, em đến tìm tôi trước như để quảng cáo, sau đó để tôi có thời gian suy ngẫm và lựa chọn. Có ai ngờ tôi lặn lội tìm vợ bao năm không được, mà chỉ ở nhà vợ tìm đến tận nơi. Hay thật, hóa ra cái sự nên vợ nên chồng nhiều khi đúng là một chữ duyên mà thành.

Một người lạ

Sáng đọc một bài báo có đoạn: "Nếu yêu, phải là yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Còn nếu sau một thời gian quen biết, đẩy đưa tán tỉnh, đắn đo suy xét rồi mới quyết định, đó chỉ là xiêu lòng, chỉ là tìm được đối tác...
... Nếu ngay từ đầu, khi hoàn toàn chưa biết gì về đối phương mà đã cảm thấy người ấy gắn bó với mình, tôi nghĩ đó là nhân duyên. Cảm xúc đặc biệt trong giây phút ấy, bản thân nó là món quà vô giá của thượng đế mà không phải ai cũng có cơ hội nếm trải...

Thấy tiếc cho những ai may mắn được "nếm" rồi lãng quên cảm giác ấy.
Sài Gòn rậm rịch chuyển mình sang đông. Cái đông của Sài Gòn ngồ ngộ, chẳng ra đông, nhưng suy cho cùng cũng có cái đáng yêu của nó. Anh cảm nhận được cái mát lạnh nhẹ nhàng ngắn ngủi đầu ngày khi phóng xe đi làm mỗi sáng, rồi lãng quên ngay sau đó.
Anh, thực tế như một nửa "không đẹp" của thế giới. Cảm nhận, cũng thích... nhưng không để tâm, không mơ mộng. Công việc hiện tại không khiến anh thực sự thỏa mãn những tham vọng, nhưng nó đủ bận rộn để anh không có được những phút rỗi rãi để "chán".
Ngày ngày, anh cũng bị cái guồng quay hối hả của Sài Gòn cuốn theo. Sáng thức dậy đi làm, trưa tranh thủ ăn vội rồi chợt mắt, chiều xong việc nếu không bạn bè cà phê thì về nhà chúi đầu vào cái máy tính. Chỉ vậy! Tốt nghiệp đi làm đã vài năm, hài hước, vui vẻ, bề ngoài không được "nghiêng thành" thì cũng xếp vào loại dễ nhìn, không đặt ra tiêu chuẩn... thế nhưng, vẫn ế. Giải thích cho cái sự độc thân ấy, anh bảo chỉ tại cái số. Đã lâu lắm anh không có cảm giác rung động kể từ khi chia tay mối tình đầu từ hồi phổ thông.
Cũng khó để dẫn dắt đến đoạn anh bắt đầu nhận ra có cảm giác gì đó khang khác với cô đồng nghiệp mới gặp. Nhưng, vì cũng thuộc một nửa "không đẹp" của thế giới, nên không mơ mộng... Anh chỉ biết thấy vui lạ thường vì tiếng cười giòn tan vì những câu nói vu vơ, tếu tếu. Anh chỉ biết giờ ngủ trưa bây giờ bị cắt giảm 15/45 phút cho mấy trò đua games. Cũng chỉ biết tự nhiên muốn share mấy cái hình quái quái, mấy câu chuyện tếu trên mạng; tự nhiên muốn chọc cho ai đó cãi chí chóe, chí chóe... khói bốc lên đầu... Nhiều lúc anh cũng suy nghĩ vu vơ... nhưng rồi tự cười mình vớ vẩn: "Có gì đâu!"
Anh quen dần với những cảm giác mới, nhưng cũng chỉ để cảm giác ấy dễ chịu như hóng cơn gió đông Sài Gòn buổi sớm...

23 tuổi, vác cái bằng loại khá trên tay, tà tà đi xin việc. Với cô, chẳng có gì phải gấp. Có việc làm, mỗi tháng được nhận lương cũng tốt, không có việc làm ngay thì cứ ở nhà mẹ nuôi thêm vài bữa và tận hưởng "mùa hè cuối cùng" cũng chẳng phải quá tốt sao!
Cũng tham vọng, cũng muốn thành công giàu có, nhưng đó không phải là mục tiêu của cô trong năm đầu đi làm. Năm đầu tiên là lớp học vỡ lòng để làm quen nếp sống mới, để học hỏi, để thỏa cái tò mò tự lập. Cô được nhận xét quá vô tư so với tuổi 23, quá sôi động so với cái vỏ ngoài là con gái và cô biết vậy, cô muốn vậy, cô hài lòng vì đã... quá như thế.
Không xinh đến "cá lặn" nhưng được cái lúc nào cũng tươi tắn, vui vẻ... Không đặt ra "tiêu chuẩn", không nhút nhát, không khép kín... nhưng, 23 và không một mảnh tình vắt vai. Giải thích cho cái sự "ế" cô bảo "chúng ta hãy còn nhiều thời gian..."
Lại một lần nữa thấy thật khó để dẫn dắt đến đoạn bỗng nhiên cô bớt nói luyến thoắng, bớt cười ngặt nghẽo để để ý xem người ta có đang nghe không, có cười không, có vui không... và tự cười mình vớ vẩn: "Cớ sao phải vậy!".
Cô thấy thích mấy câu nói đùa tỉnh rụi của "chú ấy" phòng bên cạnh, nó khiến cô không muốn cũng phải cười. Tự nhiên hình thành cái thói quen thường xuyên vào check mail xem có cái hình ngồ ngộ, có câu chuyện vui vui... mà "chú ấy" gửi không. Đôi lúc cô bắt gặp mình suy nghĩ, rồi cười một mình, rồi tưởng tượng... nhưng rồi lại cười mình: "Có gì đâu, vì đó là "người lạ" nên cảm giác tất nhiên phải mới..."
Cô quen dần với những "niềm vui nhỏ" và cũng chỉ để nó dừng lại ở ngưỡng "vô tư"...

Có khi nào bất chợt giữa phố đông, ta dừng lại để nhận ra "một người lạ" như thế?

Lòng tin

Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng.
Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.
Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách - mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường- chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.
Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: "Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người."
Hôm sau, người em thấy ông giở chiếc vali hoá trang ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc áo veston cũ, mặc vào rồi chống gậy đi. Ông đi nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: " Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu..."
Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.
Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.
PS:Những người xung quanh chỉ là tấm gương phản chiếu chính bạn: Bạn không thể yêu hay ghét điều gì đó ở một người khác trừ khi điều đó phản ánh điều mà bạn yêu, ghét ở chính bản thân mình.

Âm thanh của biển cả

Hàng thế kỷ nay, sự thật về những con tàu ma vẫn luôn là nỗi ám ảnh của những người đi biển. Số phận và nguyên nhân biến mất đầy bí hiểm của những thủy thủ đoàn như thế nào?... có lẽ vẫn sẽ là một ẩn số không có lời giải.
Tôi là người duy nhất còn sống sót….”
Vào khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, sự biến mất đầy bí hiểm của toàn bộ thuỷ thủ đoàn trên con tàu Urang Medana của Hà Lan được cho là một bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hàng hải thế giới.
Ở thời điểm đó, một vài trạm rada của Anh đặt tại Singapore và Sumatra (Indonesia) thông báo có nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu Urang Medana của Hà Lan với nội dung: “SOS… SOS tất cả đã chết… tôi là người duy nhất còn sống sót…”, tiếp sau đó là hàng loạt các ký tự lộn xộn và các dấu chấm. Một lát sau tín hiệu được nối lại, nhưng chỉ có một câu duy nhất là “Tôi đang chết dần”, rồi kết thúc bằng một sự im lặng đến ghê rợn. 
Con tàu ma Urang Medana.
Các cuộc tìm kiếm cứu hộ nhanh chóng được thiết lập và đã cho kết quả. Con tàu được tìm thấy tại vịnh Malacca, cách nơi phát tín hiệu trước đó khoảng 80 km. Khi bước chân lên Urang Medana, ngay lập tức các nhân viên cứu hộ phải sởn gai ốc trước cảnh tượng kinh hoàng trước những cái chết một cách bất thường của toàn bộ thủy thủ đoàn.


Vị thuyền trưởng nằm ngay tại tại vị trí điều khiển, còn các sĩ quan và thuỷ thủ thì nằm rải rác khắp nơi trên tàu. Một nhân viên điện đài có lẽ là người đã phát ra tín hiệu cấp cứu, đã chết trong trạng thái làm việc. Ngay đến con chó trên tàu phải nhận một cái chết hết sức bất thường khi mõm của nó vẫn còn đang nhe nanh như đe dọa ai.
Điểm chung duy nhất là trên khuôn mặt của tất cả mọi người đều hiện rõ một nỗi sợ hãi khủng khiếp. Càng kỳ lạ hơn, không hề có bất kỳ một dấu hiệu tổn thương nào trên tất cả các tử thi. Giả thuyết về một vụ tấn công của cướp biển ngay lập tức bị loại bỏ bởi toàn bộ những thứ có giá trị trên tầu đều còn nguyên vẹn.
Tuy nhiên, trong suốt chiều dài của thế kỷ 20, đây vẫn chưa phải là thảm hoạ duy nhất.
Vào năm 1955, trên biển Thái Bình Dương người ta còn tìm thấy một chiếc thuyền buồm của Mỹ mang tên MB Elip cũng có những hiện tượng tương tự. Trên tàu, nước ngọt và đồ ăn dự trữ vẫn còn nguyên vẹn, các phương tiện cứu hộ vẫn chưa hề được sử dụng, vậy mà không có lấy một bóng người.
Khoảng 5 năm sau, trên biển Đại Tây Dương cũng xuất hiện hai chiếc thuyền buồm của Anh trôi dạt. Năm 1970, tất cả thuỷ thủ đoàn cùng với con tàu trở hàng của Anh mang tên Minton đột ngột mất tích một cách lạ lùng mà cho đến nay vẫn còn là một ẩn số. Rồi đến năm 1973, một tai nạn đã xảy ra và làm đắm chiếc tàu đánh cá Anna của Na Uy. Những thủy thủ trên những con tàu khác gần đó vô tình chứng kiến vụ tai nạn lấy làm lạ khi sự việc diễn ra, họ không thấy có bất kỳ ai trên boong tàu.
Giọng nói từ biển khơi
Trong lịch sử ngành hàng hải, sự mất tích kỳ lạ của toàn bộ thuỷ thủ đoàn trên con tàu nổi tiếng Maria Chelesta luôn được nhắc đến như một bí ẩn vĩ đại nhất của đại dương. Vào tháng 12/1872, thuỷ thủ trên tàu Jea Grasia của Anh bất ngờ gặp một chiếc thuyền buồm di chuyển một cách không bình thường. Đến khi tiến lại gần, họ rất đỗi ngạc nhiên khi trên boong thuyền Chelesta không có bóng dáng của con người mà vô lăng lái lại không được cố định.
Một hoa tiêu và hai thuỷ thủ người Anh quyết định thâm nhập vào con thuyền này để tìm hiểu tình hình. Không hề có bất kỳ dấu hiệu nào của con người. Vật giá trị nhất mà họ tìm được chính là cuốn nhật ký đi biển, trong đó ngày cuối cùng được đặt bút có đề ngày 24/11/1872 (con thuyền được tìm thấy vào ngày 02/12).
Con thuyền này được đưa về eo biển Gibraltar của Anh để các chuyên gia giàu kinh nghiệm điều tra bí ẩn đã xảy ra với nó, tuy nhiên mọi nỗ lực đều trở nên vô vọng.



Năm 1937, nhà vật lý của Liên Xô là Vladimir Suleykin đã đưa ra một giả thuyết được cho là tương đối thuyết phục. Trong một hành trình trên biển Kaspi trên tàu thuỷ văn Taimưr, một nhà khoa học đi cùng Vladimir Suleykin đã thực hiện thí nghiệm với một quả cầu thám không chứa đầy khí hydro: khi quả cầu này được đưa đến gần ai thì người đó bỗng xuất hiện một cảm giác đau buốt trong màng nhĩ, còn khi đưa ra xa cảm giác đau đớn đó dần tan biến. Vladimir Suleykin liền để ý tới hiện tượng lạ lùng này để rồi không lâu sau đó đưa ra nhận định của mình trên báo chí rằng, gió thổi qua các cơn sóng trong những ngày biển động đã tạo ra trong không khí các dao động sóng hạ âm mà tai con người không nghe thấy. Sóng hạ âm này rất có hại đối với con người. Trong dải tần thấp hơn 15 héc, sóng hạ âm không chỉ gây tổn thương cho màng, mà còn gây rối loạn hệ thần kinh trung ương và ảnh hưởng đến thị giác. Ở dải tần dưới 7 héc, sóng hạ âm đôi khi gây tử vong đối với con người. Như vậy, nơi nào xuất hiện bão thì ở đó xuất hiện sóng hạ âm.

Ngày xưa

Ngày xưa nhớ tuổi học trò 
Những chiều tan học mình chờ đợi nhau 
Nhớ gì trong gió lao xao 
Em cuời trong mắt mà sao ngượng ngùng . 

Sau em,tôi cũng ngập ngừng 
Từng màu hoa phượng thẹn thùng rụng rơi 
Bài thơ đã viết hết lời 
Muốn trao lại ngại,ngại rồi không …trao ! 

Để mùa hạ ấy qua mau
Để rồi kỷ niệm đi vào tháng năm
Để giờ em đã xa xăm
Còn đây trong gió tiếng thầm thì xưa … 


Hạ đến đây rồi cánh phượng rơi
Sân trường in bóng nắng đầy vơi
Lá xanh đưa tiễn tình muôn hướng
Phượng thắm chia tay bạn khắp trời
Chín tháng bên nhau chung nẻo bước
Trọn đời xa cách chực mù khơi
Ngày xưa chung lớp , chung trường thật
Mộng tuổi học trò chớ có vơi .


Bây giờ ai đã quên chưa ?
Màu hoa phượng nở khi Hè vừa sang
Bâng khuâng dưới ánh nắng vàng
Tặng nhau cánh phượng ai mang đi rồi
Ngày xưa chỉ có vậy thôi
Có ai biết được để rồi cách xa
Mùa Hè từng mùa Hè qua
Tiếc hoài cái tuổi ngọc ngà chẳng quên
Nỗi buồn không thể đặt tên
Nhẹ nhàng nhưng lại mông mênh trong lòng
Ai còn nhớ kỷ niệm không?
Ngày xưa, một cánh phượng hồng đã trao.


Tôi xin tặng một chút ít vẩn vơ
Là tình tôi như con sóng xô bờ
Là lưu bút in hằn vào trang vở
Là kỷ niệm thắm đượm những lời thơ
Nhớ ngày đầu ta bỡ ngỡ bơ vơ
Bắt gặp nhau với đôi mắt hững hờ
Cùng quay mặt... để rồi cùng nhau nhớ.
Đến đêm về cũng cùng một giấc mơ
Ba năm qua nhiều khi thấy ngu ngơ
Cứ lặng im để ai mãi đợi chờ
Đến khi xa vội vàng trao trang vở
Với những dòng xin lỗi rất trẻ thơ...
Cũng đành thôi, trời đất là muôn thuở
Xa nhau rồi ai còn rảnh bâng quơ
Ngồi sát nhau để tô thêm nỗi nhớ
Đến khi buồn, có cái để mà mơ....