'cookieChoices = {};'

Thursday, July 31, 2014

BÀ NGOẠI TÔI ( Part 2 )


Hai đứa con chồng
Người đàn bà tên Ngọ chính là bà ngoại tôi. Ở địa vị “Bà cò”, ngoại tôi là người đàn bà uy quyền, hét ra lửa nhưng lại có lòng hảo tâm. Chắc vì chỉ có mẹ tôi là con gái duy nhất, nên bà ngoại tôi sẵn lòng nuôi nấng những đứa cháu hay những đứa trẻ nhà nghèo mà ba mẹ chúng không đủ sức nuôi con. Số người kêu bà ngoại tôi bằng má rất đông, nhưng dĩ nhiên mẹ tôi vẫn là người được ông bà ngoại thương yêu nhất. Vì phải di chuyển nhiều nơi theo công việc, ông bà ngoại tôi đã xây cho mẹ và bà cố một căn nhà riêng hai tầng ở Quận 8 , có người hầu người hạ lại có chị em bà con tới ở làm bạn. Mẹ tôi sống vui tươi như một nàng công chúa nhỏ không lo âu, không phiền hà. Căn nhà này còn có thể coi như là một quán trọ tạm thời cho bà con dòng họ những lúc họ không có nơi trú thân.
Khi mẹ tôi vừa tròn 20 tuổi thì mẹ tìm được tình yêu thật sự của mình. Mẹ tôi gặp ba tôi trong một lớp học bổ túc ban đêm về môn Triết học. Chàng trai phi công trẻ tuổi hào hùng có giọng bắc ngọt ngào đã làm trái tim con gái của mẹ rung động. Mẹ tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã gặp được hoàng tử bạch mã mà mình hằng mong đợi. Ba mẹ tôi hẹn hò với nhau được một thời gian thì ông bà ngoại tôi biết được, ông bà đã phản đối vô cùng kịch liệt bởi vì mẹ tôi lỡ đính hôn với một người thuộc gia đình danh giá vào năm mẹ 18 tuổi. Người Nam lại có thành kiến là con trai Bắc rất lãng mạn và không chung tình nên ông bà ngoại sợ mẹ tôi sẽ bị đau khổ về sau. Với quyền lực của một vị cảnh sát trưởng , ông ngoại tôi dùng mối quan hệ với quân đội để uy hiếp ba tôi phải rời xa mẹ tôi. Đứng trước sự phản kháng quá mạnh của ông bà ngoại, cuối cùng ba tôi đành dắt mẹ tôi rời khỏi gia đình và mẹ đã theo tiếng gọi của tình yêu mà khăn gói theo ba, bỏ lại cuộc sống xa hoa của nàng công chúa, đi lẫn trốn nay đây mai đó với người mình yêu. Bà ngoại tôi đau lòng vì phải xa đứa con gái yêu thương duy nhất nhưng cũng không làm gì hơn được vì ông ngoại tôi nhất định không cho ba tôi bước vào nhà nửa bước.

Khoảng gần hai năm sau khi mẹ tôi bỏ đi, người vợ không chính thức tên Cúc của ông ngoại tôi tìm được nhân tình mới, nên quyết định chia tay với ông ngoại và bỏ lại hai đứa con nhỏ không ai nuôi. Ông ngoại cùng với bà cố tôi nhất quyết bắt bà ngoại tôi phải đem hai đứa nhỏ về nhà. Bà ngoại tôi bị kẹt vào thế khó xử, nhưng vì lòng nhân từ nên cũng sẵn lòng nhận nuôi hai đứa con chồng không mẹ. Bà ngoại tôi bèn nhân cơ hội này ra điều kiện với ông ngoại là phải chấp nhận cho ba mẹ tôi trở về. Sau cuộc thảo thuận, ông ngoại tôi bỏ đơn thưa ba tôi, ba mẹ tôi trở về nhà mang theo đứa con trai nhỏ vừa được vài tháng. Cũng cùng lúc đó, bà cố tôi ẳm về nhà một đứa bé gái vừa được vài tháng và dắt theo đứa con trai được hơn hai tuổi, hai đứa trẻ ngây thơ đã bị mẹ chúng bỏ.
Người ta thường nói: “ Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Nhưng bà ngoại tôi lại đối xử với hai người con chồng như con của mình, thậm chí nhiều khi còn tốt hơn đối với ba anh em chúng tôi là những đứa cháu ruột của bà. Những gì chúng tôi có và hưởng được thì hai người con chồng tức là cậu và dì tôi cũng có và hưởng được. Bà ngoại tôi cũng ra sức khuyên dạy hai người con chồng hết mình, mong rằng họ được lớn lên có học thức văn hóa và có nền tảng làm người. Trong hàng xóm và bà con, có người khen bà ngoại tôi có lòng tốt, đồng thời cũng có nhiều người chê bai ngoại tôi sao lại khờ dại đi nuôi con chồng, bà ngoại tôi có nghe được cũng chỉ mĩm cười bỏ ngoài tai.

Bà Ngoại Tôi
Vào năm 1975 khi nước nhà có biến cố, gia đình tôi bị suy sụp như nhiều gia đình khác. Tiền trong nhà bank đã bị mất hết. Sau lần đổi tiền thì gia đình càng túng thiếu hơn. Ba tôi bị mất tích không có tin tức ngay sau ngày 30 tháng tư. Trong gia đình không có ai làm ra tiền, mẹ tôi làm bánh trái hoặc làm hoa để cho tôi đem ngồi bán ở trước hàng hiên hay đem qua khu Nguyễn Trãi ngồi bán. Dĩ nhiên là số tiền bán được không bao nhiêu. Bà ngoại tôi phải đem bán dần những món nữ trang và vòng vàng mà bà đã dành dụm lâu ngày để mua gạo nuôi 9 miệng ăn. Mỗi lần thấy vàng bị hết dần thì bà ngoại càng lo. Tôi thương nhất là ngay cả số nữ trang mà ngoại khoe với tôi là nữ trang của ngày cưới, bà cũng phải đem đi bán. Cũng may là khi số vàng lẫn nữ trang đã hết sạch thì mẹ tôi được người quen giới thiệu đi làm. Sau đó chúng tôi cũng nhận được tin tức của ba tôi ở nước ngoài. Ông ngoại tôi càng tài giỏi, ông dò la ra cách đem chiếc xe hơi trong nhà làm thành xe chạy đám cưới. Đời sống từ đó cũng dễ thở hơn một chút. Thỉnh thoảng ông ngoại tôi kiếm được nhiều tiền hơn thường lệ, ông hay mua những món ăn hoặc trái cây rất mắc tiền nhưng chỉ vừa đủ cho bà ngoại và mẹ tôi, không đủ chia cho những đứa nhỏ, ông lén đưa cho bà rồi nói:
- “Em với con gái ăn đi”.
Tôi thoáng nghe được bà trả lời:
- “Có ăn thì ăn cả nhà, tôi không ăn một mình. Thôi ông ăn với con gái đi”
Ở cái thời buổi khó khăn ăn uống còn thiếu thốn, bà ngoại hay nhường đồ ăn cho năm đứa nhỏ chúng tôi. Bà nói:
- ”Cả đời ngoại đã ăn đầy đủ rồi, chỉ có thiếu nem rồng chả phụng thôi, mấy đứa ăn phần của ngoại đi”
Trong khi ông ngoại và mẹ tôi bận rộn kiếm ăn, bà ngoại phải chăm sóc cho ba anh em chúng tôi cùng với cậu dì. Những chuyện vặt vảnh của người con gái bước vào tuổi trưởng thành đều do bà ngoại chỉ dạy tôi. Bên cạnh đó, bà cố tôi vì bị bệnh có bướu nước ở bụng nên nằm liệt trên giường, phải do bà ngoại tôi chăm sóc từ vấn đề vệ sinh cho tới ăn uống. Thỉnh thoảng vì cực khổ quá sức chịu đựng, vì nhớ lại sự đối xử không công bằng của mẹ chồng ngày xưa, bà ngoại tôi cũng cằn nhằn chút chút rồi cũng vẫn tiếp tục phụng vụ mẹ chồng chu đáo. Ở tuổi hơn 60 mà bà ngoại tôi phải làm việc quần quật suốt ngày, tay chân ngoại vì lam lũ vất vả nên bị phong thấp đau nhức thường niên nhưng bà không bao giờ than vãn. Bà ngoại tôi vẫn luôn nói với chúng tôi: “Đời người lên voi xuống chó, miễn sao sống cho trong sạch là được”. Câu nói này nghe sao đơn giản lúc tôi còn nhỏ, bây giờ nghiệm lại, tôi không biết mình có được thản nhiên đương đầu với nghịch cảnh nếu phải bị “xuống chó” như bà ngoại tôi không.

Thời gian trôi qua thì cuối cùng mẹ và ba anh em tôi được phép đi Mỹ để đoàn tụ với ba tôi. Lúc đó chính phủ Việt Nam còn chưa mở rộng cửa nên khi người Việt cất bước ra đi thì không biết khi nào sẽ được trở về quê hương. Một lần nữa, bà ngoại tôi phải chia tay với đứa con gái duy nhất của mình mà lúc đó tưởng như là chia tay vĩnh viễn. Tôi luôn nghĩ có lẽ bà ngoại tôi sẽ khóc lóc thê thảm lúc chia tay vì không nở xa con cháu. Nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh của bà ngoại tôi ngày hôm đó lúc tiễn chúng tôi đi. Bà ngoại tôi không hề khóc một tiếng, nước mắt không hề rơi. Bà ngoại im lặng hơn thường ngày nhưng miệng luôn hơi mỉm cười, trong khi đó mẹ tôi khóc ngất lịm nhiều lần trong tay bà. Khi chúng tôi bước vào sau hai cánh cửa kiếng của phi trường, tôi quay đầu lại vẫn thấy bà ngoại tôi đứng sững đó nhìn theo chúng tôi. Dáng bà đứng cô đơn trong chiếc áo dài bay phất nhẹ, mái tóc búi tròn phía sau khuôn mặt bình thản. Bà ngoại tôi vẫn không rơi một giọt lệ nhưng cũng không hề cử động. Tôi biết rằng bà ngoại tôi không khóc vì sợ mẹ tôi bịn rịn ba mẹ già không nở bỏ đi, bà muốn mẹ tôi an lòng mà đi đoàn tụ với chồng sau mười năm xa cách để được hưởng hạnh phúc đoàn viên, bà cũng muốn những đứa cháu ngoại của bà sẽ có ba như những đứa trẻ khác. Bà ngoại tôi đứng đó không khóc ra lệ mà là khóc trong lòng. Tôi cảm thấy bà ngoại tôi thật là một người đàn bà kiên cường.
DTDT

Nguồn cội họ Đặng


Dòng họ Đặng Việt Nam không phải là chỉ có một dòng họ Đặng gọi chung mà chia ra 3 dòng họ Đặng chính là Đặng Văn, họ Đặng Viết và Đặng Đình(Đặng Trần). Ngày xưa dòng họ Đặng Đình( Đặng Trần) được sinh ra năm 1511, cụ Trần Lâm đổi sang họ Đặng nên gọi là Đặng Trần Lâm, là thủy tổ của dòng họ Đặng Đình, còn nguyên nhân vì sao mà cụ thủy tổ đổi sang họ Đặng thì tôi xin phép không đề cập đến. Cụ là một người mang họ Trần, và cụ đã đổi sang là họ Đặng sau đó về sinh sống ở làng Lương Xá. Hiện nay ở làng Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương, Mỹ Hà Nội vẫn có nhà thờ tổ họ Đặng ở đó, nhưng là nhà thờ họ Đặng Đình( Đặng Trần) chứ không phải họ Đặng khác, giỗ tổ là vào ngày 06 - 11. Và vấn đề chính xác là dòng họ Đặng Trần không phải có cùng nguồn gốc với 2 dòng họ Đặng Văn và Đặng Viết. Dòng họ Đặng Trần có rất nhiều người được phong Hầu, phong tướng. trong sử sách ngày xưa có nhiều câu nói về dòng họ Đặng Trần như: Giàu thì Quảng Bị Bối Khê Làm quan Lương Xá, ngoại đê Đại Từ. Hay Đánh giặc họ Hàm, làm quan họ Đặng. Tiêu biểu là các danh tướng ĐẶNG TIẾN ĐÔNG thời nhà Nguyễn( Quang Trung Nguyễn Huệ), tiến sĩ ĐẶNG ĐÌNH TƯỚNG, Nghĩa Quận Công ĐẶNG HUẤN... Nếu muốn biết rõ chi tiết thì mọi người có thể tìm về làng Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Tuy đến đầu Triều Lý, họ Đặng mới chép Gia Phả, nhưng dấu tích nguời họ Đặng để lại trong lịch sử từ rất sớm, cách đây hơn 3.700 năm, từ thời các Vua Hùng dựng nuớc. Nguời họ Đặng xa nhất đuợc lịch sử ghi công tích là vợ chồng Ngài Đặng Hoằng - Trương Thị Diệu Hòa, người Bích Động, Liêm Am, Kim Bích, tỉnh Đông, thuộc bộ Ninh Hải (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Thời Hùng Vuơng thứ 6 - Hùng Hồng Vương (1718 TCN – 1631 TCN), Ngài và 4 nguời con trai có công cùng Thánh Gióng dẹp giặc Ân, giữ nước, được Vua phong tước Hầu Long Bảo, khi mất được sắc phong Thượng Đẳng Thần. Đó là 4 vị Thành Hoàng hiện nay còn đuợc thờ tại Đình Bích Động, Vĩnh Bảo, Kiến An, Hải Phòng. Và theo chiều dài lịch sử, đến thời Đinh Lê còn nhiều công thần danh tuớng họ Đặng có công lớn với triều đình cũng đuợc lịch sử luu danh. Nhưng thời kỳ đó, nguời họ Đặng chưa ghi chép Gia Phả nên ngày nay không có cơ sở để ghép nối đuợc các dòng với nhau.

Đặng Quốc Công là tổ tiên của bà con họ Đặng

Sách Đại Nam nhất thống chép: "Đặng Tất đỗ Thám hoa triều Trần, làm quan đến chức Hành khiển, là cháu của Lại bộ Thượng thư Đặng Bá Tĩnh, cuối đời Trần ông giữ chức Đại Tri châu ở Hóa Châu ". Dưới triều đại nhà Hồ, Đặng Tất được Hồ Quý Ly giao làm Đại tri châu Hoá Châu, nắm toàn quyền quyết định ở vùng đất này. Năm Đinh Hợi (1407), cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nhà Hồ nhanh chóng bị thất bại, quân Chămpa nổi dậy đánh chiếm lộ Thăng Hoa (Quảng Nam) uy hiếp Hoá Châu. Cũng trong thời gian này ở phía Bắc, quân Minh đã tiến quân vào đánh Hoá Châu thống trị vùng đất này. Trước hoàn cảnh đó, Đặng Tất phải dùng kế sách “trá hàng” quân Minh để củng cố lực lượng đối phó với quân Chămpa ở phía Nam. Sau khi Đặng Tất được tướng nhà Minh là Trương Phụ giao giữ chức Đại tri châu Châu Hoá, ông cùng với quân dân Hoá Châu đã đẩy lùi được cuộc tấn công của quân Chămpa, ổn định được biên giới phía Nam và bắt đầu chăm lo xây dựng lực lượng khởi nghĩa để chống giặc Minh.
Năm Đinh Hợi (1407) quân Minh xâm chiếm được nước ta, Trần Ngỗi (con Trần Nghệ Tông) được lực lượng của Trần Triệu Cơ tôn làm minh chủ, dựng cờ khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Biết tin, Đặng Tất liền tiến đánh quân Minh đang hoành hoành ở Thuận Hoá rồi đem quân ra Nghệ An hợp với Trần Ngỗi tạo nên thanh thế lớn cho cuộc khởi nghĩa. Đặng Tất được Trần Ngỗi phong làm Quốc Công và ông đã gả con gái của mình cho Trần Ngỗi để khẳng định sự cố kết và niềm tin trong lực lượng lãnh đạo chống quân Minh, nhiều tướng lĩnh đem quân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, trong số tướng lĩnh đó có Nguyễn Cảnh Chân vốn là bạn thân tín và cũng là tâm phúc của Đặng Tất.
Cuối năm Mậu Tý (1408), nghĩa quân của Trần Ngỗi - Đặng Tất liên tiếp mở các cuộc tiến công giặc Minh ở Nghệ An, Quảng Bình. Nhân thế thắng, Trần Ngỗi ra lệnh cho Đặng Tất mở cuộc tấn công ra Bắc nhằm tiêu diệt giặc Minh. Khi quân kéo đến Tràng An, hào kiệt các vùng kéo đến ngày càng đông, cứ theo tài năng của từng người mà giao chức trách, lòng người phấn khởi, thế quân mạnh thêm, vì thế lực lượng của cuộc khởi nghĩa phát triển nhanh chóng. Cuối năm 1408, quân xâm lược Minh và 4 vạn viện binh do Mộc Thạch chỉ huy, tập trung quân ở bến đò Bô Cô (Nam Định) quyết chiến tiêu diệt quân ta. Tại Bô Cô, Đặng Tất đã dựng trận địa mai phục, từ giờ Ngọ đến giờ Dậu ngày 30/12/1408 nghĩa quân đã chiến đấu mưu lược, anh dũng tiêu diệt toàn bộ binh lực của giặc Minh, trong đó có cả tổng chỉ huy quân Minh là Lũ Nghị, tên thượng thư Lưu Tuấn, đánh tan 4 vạn quân giặc. Với chiến thắng Bô Cô cho thấy được tài thao lược quân sự và lòng dũng cảm của Đặng Tất.
Sau đại thắng Bô Cô, Trần Ngỗi định thừa thắng tiến lên đánh chiếm lấy Đông Đô, trái lại Đặng Tất cho rằng lực lượng ta chưa đủ mạnh để đè bẹp được quân Minh do vậy cần có thời gian để dưỡng binh và củng cố lực lượng, truy bắt bọn giặc cùng tay sai. Do bất đồng chiến pháp giữa Trần Ngỗi và Đặng Tất đã làm hỏng thời cơ chiến thắng, gây tổn thất lớn cho cuộc khởi nghĩa. Lòng ngờ vực của Trần Ngỗi trỗi dậy, lại bị bọn hoạn quan gièm pha nhân cơ hội thổi thêm vào (vì ông vốn là quan nhà Trần, sau lại làm quan nhà Hồ chống Minh rồi trá hàng quân Minh để tính mưu kế phát triển lực lượng kháng chiến chống quân Minh xâm lược) nên Trần Ngỗi đã tìm cách ám hại hai danh tướng của mình là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Chân. Tháng 3/1409, khi thuyền Trần Ngỗi đóng ở sông Hoàng Giang, Trần Ngỗi cho gọi Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đến để bàn việc quân. Đặng Tất bị Trần Ngỗi cho quân bóp cổ chết tại chỗ, quẳng xác xuống sông, Nguyễn Cảnh Chân chạy trốn lên bờ cũng bị đuổi theo chém chết. Cái chết oan nghiệt của Đặng Tất đã dẫn đến sự tan rã, phân hóa trong toàn bộ nghĩa quân và đẩy nước ta tiếp tục chịu gần 20 năm đô hộ của giặc Minh (1409- 1427).
Sử thần Ngô Sỹ Liên đã nhận xét về sự kiện này: “...chỉ vì vua tin lời gièm pha mà vội giết Tất thôi. Than ôi, Đặng Tất sau khi phá được giặc mạnh, trổ tài mới trong khoảng một tuần, một tháng, công việc chưa làm được một nửa mà bị chết oan, đó là cái họa sụp đổ của nhà Trần chứ đâu phải tội của Tất...Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi bày mưu lược, đủ để lập được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận thắng Bô Cô, thế nước lại nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh của mình, thì làm sao làm nên việc được”.
Với những công lao, đóng góp to lớn cho đất nước, Đặng Tất được sử sách lưu danh, các triều đại ghi nhận và nhân dân tôn kính, thờ phụng.
Thi hài Đặng Tất được các con ông mang về chôn ở làng Thế Vinh, huyện Sĩ Vang, ngoại thành Hóa châu (nay là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Mộ ông nằm ở ven bờ nam sông Hương, cách bến đò Sình khoảng 3 km và cách thành Hóa châu khoảng 7 km. Dân trong vùng tôn ông làm Thành Hoàng.
Năm 1428, Lê Lợi sau khi đánh xong quân Minh, ban chiếu cho hai cha con ông (cùng Đặng Dung) biển vàng tám chữ: "Tiết liệt cương trung - Trung thần hiếu tử", truy phong Đặng Tất làm Đại quốc công, Khuông quốc đại vương Thượng đẳng tôn thần; cho lập đền thờ tại quê hương Tả Thiên Lộc, cấp 200 mẫu ruộng lộc điền, giao cho huyện xã hằng năm cúng tế.
Vua Lê Thánh Tông ban chiếu tặng cha con ông hai câu đối:
Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ
Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng

Lịch Sử Việt Nam qua hình ảnh


Vua Hùng với những hình tượng bay ra từ trống đồng. Tay ông ôm bó lúa và rìu biểu tượng của nền văn minh lúa nước và đồ đồng sớm đã có và phát triển vào thời đại nhà nước Văn Lang.

An Dương Vương Thục Phán chém yêu tinh gà trắng xây thành Cổ Loa với sự trợ giúp của thần Kim Qui. Gà trắng có lúc là biểu tượng của Tàu. . Y phục của An Dương Vương phỏng tác theo hình ghi khắc trên trống đồng

Hai Bà Trưng cỡi voi ra trận. Mặt trời là trống đồng dân tộc. Voi trận mang hình ảnh của “voi 9 ngà” trong huyền thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh. Y phục theo áo dài khăn đóng của Việt nam pha cùng y phục Tây nguyên.

Ngô Vương Ngô Quyền và trận đánh đi vào lịch sử trên sông Bạch Đằng. Y giáp được dựa theo một số tranh cổ và sự tưởng tượng. Bàn tay vung ra nắm đấm với ý nói: sẽ đập tan mọi cuộc xâm lược.

Đinh Tiên Hoàng Đinh Bộ Lĩnh được biết tới tài năng quân sự khi còn nhỏ tuổi đã bày trò cỡi trâu đánh trận. Tranh vẽ với ý tưởng đưa hình ảnh cỡi trâu và cờ lau gắn bó với Đinh Bộ Lĩnh

vua Lý Thái Tổ nằm mộng thấy rồng bay – dời kinh đô và đặt tên là Thăng Long.


Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đang viết bài hịch lưu truyền muôn đời: Hịch Tướng Sĩ. Phía sau là bối cảnh trận đánh oanh liệt tại sông Bạch Đằng

Vua Lê Thái Tổ Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Có thần Kim Qui dâng Thuận Thiên Kiếm. Trong tranh có các chiếc lá với dòng chữ “Lê Lợi Vi Quân, Nguyễn Trãi Vi Thần” theo kế sách của Nguyễn Trãi

Chúa Nguyễn Hoàng (triều Nguyễn) người có công khai phá, mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía Nam. Tranh miêu tả chúa Nguyễn cùng dân di cư xuống miền Nam. Y phục dựa theo tượng của ông tại đền thờ.

Quang Trung Nguyễn Huệ đang tiến quân đánh phá giặc Thanh vào dịp tết (có cành đào đất Bắc) Bộ trống trận danh tiếng của nghĩa quân Tây Sơn. Hình ảnh Nguyễn Huệ được vẽ theo các di ảnh còn lưu lại.

Lê Văn Duyệt – người có công mở mang đất đai nông nghiệp vùng miền Nam. Ông là người điều hành việc đào kênh Vĩnh Tế.

Hoàng Diệu trong trận tử chiến giữ thành Hà Nội. Di ảnh của ông được dùng trong tranh. Bộ y giáp của triều Nguyễn còn lưu lại tại viện bảo tàng. Cảnh Pháp đánh thành Hà Nội phỏng theo tranh vẽ của sách sử của Pháp

Phan Đình Phùng và Cao Thắng. Hình vẽ được họa theo di ảnh của Phan Đình Phùng. Cao Thắng bên cạnh, tay cầm súng trường vì ông là người đã sáng chế súng cho nghĩa quân

 Hùm Thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám. Dùng di ảnh thật của ông đưa vào tranh.

 
 Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định – Vẽ phỏng theo di ảnh của ông

Diễn đàn Viettoon

Lịch sử chữ viết Việt Nam

Chữ HánChữ NômChữ Viết năm 1651
Chữ Hán:

Chữ Hán vào Việt Nam theo con đường giao lưu văn hóa bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên. Hiện nay, ở Việt Nam còn lưu giữ được số hiện vật như đỉnh cổ có khắc chữ tượng hình (chữ Hán cổ). Ðiều này là một phần chứng minh được rằng chữ Hán cổ xuất hiện ở Việt Nam khá sớm và thực sự trở thành phương tiện ghi chép và truyền thông trong người Việt kể từ những thế kỷ đầu Công nguyên trở đi. Ðến thế ký VII - XI chữ Hán và tiếng Hán được sử dụng ngày càng rộng rãi ở Việt Nam. Thời kỳ này tiếng Hán được sử dụng như một phương tiện giao tiếp, giao lưu kinh tế thương mại với Trung Quốc. Do Việt Nam bị ách đô hộ của phong kiến phương Bắc trong khoảng thời gian hơn một ngàn năm, vì vậy hầu hết các bài văn khắc trên tấm bia đều bằng chữ Hán. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng chữ Hán có ảnh hưởng to lớn như thế nào đối với nền văn hóa của nước Việt Nam xưa. Từ sau thế kỷ thứ X, tuy Việt Nam giành được độc lập tự chủ, thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc, nhưng chữ Hán và tiếng Hán vẫn tiếp tục là một phương tiện quan trọng để phát triển văn hóa dân tộc.
Chữ Nôm:

Dù chữ Hán có sức sống mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, một văn tự ngoại lai không thể nào đáp ứng, thậm chí bất lực trước đòi hỏi, yêu cầu của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt. Chính vì vậy chữ Nôm đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán không đáp ứng nổi.

Chữ Nôm là một loại văn tự xây dựng trên cơ sở đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán để ghi chép từ Việt và tiếng Việt. Quá trình hình thành chữ Nôm có thể chia thành hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu, tạm gọi là giai đoạn "đồng hóa chữ Hán", tức là dùng chữ Hán để phiên âm các từ Việt thường là tên người, tên vật, tên đất, cây cỏ chim muông, đồ vật... xuất hiện lẻ tẻ trong văn bản Hán. Những từ chữ Nôm này xuất hiện vào thế kỷ đầu sau Công nguyên (đặc biệt rõ nét nhất vào thế kỷ thứ VI).

Giai đoạn sau: Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục dùng chữ Hán để phiên âm từ tiếng Việt, đã xuất hiện những chữ Nôm tự tạo theo một số nguyên tắc nhất định. Loại chữ Nôm tự tạo này, sau phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát hơn, đúng hơn với tiếng Việt.

Từ thời Lý thế kỷ thứ XI đến đời Trần thế kỷ XIV thì hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh. Theo sử sách đến nay còn ghi lại được một số tác phẩm đã được viết bằngchữ Nôm như đời Trần có cuốn Thiền Tông Bản Hạnh.

Ðến thế kỷ XVIII - XIX chữ Nôm đã phát triển tới mức cao, át cả địa vị chữ Hán. Các tác phẩm như Hịch Tây Sơn, Khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng được viết bằng chữ Nôm là những ví dụ.

Như vậy, có thể thấy chữ Hán và chữ Nôm có những khác nhau cơ bản về lịch sử ra đời, mục đích sử dụng và mỗi chữ có bản sắc riêng về văn hóa.
Chữ Quốc Ngữ hiện nay:
Alexandre de RHODES Pigneau de Behaine (1741-1799)

Ông Alexandre de RHODES viết quyển Từ điển Portugais-Latin-Vietnamien và tham dự việc chuyển sang mẫu tự alphabet La Mã.

Việc chế tác chữ Quốc Ngữ là một công việc tập thể của nhiều linh mục dòng tên người châu Âu, trong đó nổi bật lên vai trò của Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de RHODES (Avignon, 1591 - Perse, 1660 )

Trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Âu). Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc Ngữ. Ðặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và tổ chức in ấn lần đầu tiên cuốn từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - La Tinh (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày.

Xét về góc độ ngôn ngữ thì cuốn diễn giảng vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng đàng ngoài (in chung trong từ điển) có thể được xem như công trình đầu tiên khảo cứu về ngữ pháp. Còn cuốn Phép giảng tám ngày có thể được coi như tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói bình dân hàng ngày của người Việt Nam thế kỷ XVII.

Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes năm 1651 trong cuốn từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - La Tinh đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải chờ đến từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - La Tinh (1772), tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Pigneau de Behaine ( Bá Ða Lộc) thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống chữ Việt mà chúng ta đang dùng hiện nay. 

Hành trình của chữ viết Việt NamPhạm Ðức Dương

Tiếng Việt Mường như nhiều người đã biết, được hình thành cách đây gần 3000 năm do kết quả của quá trình cộng cư giữa người Môn-khmer với người Tày cổ, hình thành một cộng đồng dân cư mới ở tam giác châu thổ sông Hồng, sông Mã.
Ngôn ngữ Việt - Mường chung gồm hai phương ngữ chính là tiếng kẽ chợ ở đồng bằng và tiếng miền ngược ở trung du miền núi. Khi nhà Hán đặt ách thống trị ở Giao Chỉ (đồng bằng Bắc bộ) vào năm 111 sau Công Nguyên, cư dân ở đồng bằng đã tiếp xúc với văn hóa Hán thông qua bộ máy cai trị của các quan thái thú. Với chính sách đồng hóa và nô dịch, họ đã mở trường học chữ nho, bắt người Việt sống theo điển chế Trung Hoa... do ảnh hưởng của 1000 năm đô hộ của người Trung Hoa mà tiếng kẻ chợ đã trở thành tiếng Việt và tiếng miền ngược trở thành tiếng Mường ngày nay.

Đến thế kỷ thứ 10, khi người Việt giành được độc lập và dựng nên quốc gia Đại Việt, tiếng Việt trở thành tiếng phổ thông và tách khỏi tiếng Mường.

Suốt mười thế kỷ độc lập, các triều đại quân chủ Việt Nam tự nguyện tiếp nhận mô hình văn hóa Hán một cách chủ động và thống nhất trong cả nước. Chữ Hán được dùng làm quốc tự trong triều đình, trong thi cử, trong văn chương bác học. Đó là thứ chữ của giai tầng thống trị được suy tôn trọng vọng và là chữ chính thống. Song song với nó, tiếng Việt tồn tại trong quảng đại quần chúng và là quốc ngữ. Do đó dẫn đến một nghịch lý: quốc tự của triều đình không phải để ghi quốc ngữ. Vì vậy người Việt phải mượn ký tự chữ Hán để ghi tiếng Việt, đánh dấu sự ra đời của chữ nôm. Đó là điều đáng ngạc nhiên vì khi đó các nước láng giềng của ta như Lào, Cam-pu-chia, Thái lan... đều mượn chữ ấn Độ để sáng tạo nên chữ viết của họ. Do vậy quốc tự và quốc ngữ của họ là một và được dùng đến bây giờ.

Vì chữ nôm để ghi tiếng Việt nên người Việt dùng để sáng tác thơ ca theo tiếng mẹ đẻ của mình. Còn chữ Hán được dùng để sáng tác thơ kiểu Trung Quốc (thơ Đường...), và đặc biệt để viết văn xuôi (Hoàng Lê Nhất thống trí, Truyền kỳ Mạn lục, Lĩnh nam Trích quái...). Thế kỷ thứ 17 - 18 được đánh dấu bởi sự bùng nổ của văn chương chữ nôm với các tác phẩm truyện, thơ, ngụ ngôn nổi tiếng như (Kiều của Nguyễn Du, bản dịch Chinh Phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, thơ Hồ Xuân Hương...).

Tiếng Việt thời đó hình thành hai lớp từ mượn Hán: lớp Việt hóa hoàn toàn: ví dụ: tiền, hàng, chợ, mùa... Và lớp Hán Việt là những từ mượn Hán và chưa Việt hóa triệt để: chẳng hạn ta có từ núi nên không thể nói "tôi lên sơn" nhưng ta lại nói "có cô sơn nữ ở vùng sơn cước hát bài sơn ca trong một sơn trại..." Chữ nôm do vậy chưa bao giờ được thống nhất về cách ghi, mỗi người có thể ghi khác nhau. Điều đó lý giải tại sao cùng một tác phẩm chữ nôm lại có nhiều cách "luận" và hiểu khác nhau.

Đến thế kỷ 17, với mục đích du nhập Thiên Chúa giáo vào Việt Nam, các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha được sự giúp đỡ của các giáo sĩ người Việt đã La tinh hóa chữ viết để truyền giáo (thường chữ viết gắn liền với tôn giáo), đồng thời tách người Việt ra khỏi khuôn viên của chữ vuông và văn hóa Khổng giáo.

Quá trình xây dựng chữ viết trên cơ sở chữ La tinh mà ngày nay gọi là chữ quốc ngữ đã lặp lại quy trình sáng tác chữ nôm. Alexandre de Rhodes (Bá Đa Lộc) và các giáo sĩ người Âu phải giải quyết hai vấn đề: một là thêm những dấu phụ để phù hợp với cách đọc của người Việt khác với tiếng La tinh, tiếng Bồ Đào Nha..., hai là (khác với chữ nôm) phải ghi riêng biệt từng tiếng khác với cách viết liền như tiếng châu Âu đa tiết.

Quá trình này được phản ánh qua ba cuốn từ điển:

An Nam - Bồ Đào Nha (Gaspar de Amaral);

Bồ Đào Nha - An Nam (Antoine de Barbosa) và

An Nam - Bồ Đào Nha - La tinh (A. de Rhodes - 1651).

Vì tôn trọng cách phát âm của người bản ngữ nên A. de Rhodes đã ghi các âm "ph" thay cho "f", "tl" thay cho "tr", ngaoc (ngọc), thaoc (thóc), bvua (vua); bvui (vui)...

Chính vì địa vị không chính thức và tính không chuẩn hóa của chữ nôm mà chữ quốc ngữ dễ dàng thay thế. Hơn nữa hệ chữ La tinh lại rất dễ đọc và tiện lợi. Vì vậy, lúc đầu các cụ đồ Nho đã hết sức sỉ vả, coi nó là thứ chữ con giun, con dế của đế quốc. Sau này khi thấy nó tiện lợi, học nhanh, dễ chuyển tải các nội dung yêu nước thì chính các cụ Đông kinh Nghĩa thục trong khi chống "cựu học", cổ vũ "tân học" đã phát động việc truyền bá chữ quốc ngữ và văn minh châu Âu"Mở tân giới xoay nghề tân học

Đón tân trào, dựng cuộc tân dân Tân thư, tân báo, tân văn..."(Nguyễn Quyền, giáo học Đông kinh Nghĩa thục)Chính từ công cụ chữ viết quan trọng này, việc tiếp xúc văn hóa Đông - Tây nửa đầu thế kỷ 20 diễn ra sôi động.

Trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay, tiếng Việt được đánh giá như một trong những nhân tố quan trọng, đóng vai trò tích cực vào quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới.

Ngô Quyền

Kỉ Dậu 899-Giáp Thìn 944

Danh tướng, người dựng lên nghiệp nhà Ngô, quê ở Đường Lâm, huyện Phúc Lộc, châu Giao (nay thuộc tỉnh Hoà Bình. Cha là Ngô Môn, vốn là Châu mục, châu Đường Lâm trong thời họ Khúc dấy nghiệp.
Ông là vị tướng tài, được chủ tướng là Dương Diên Nghệ gả con gái là Dương Thị Như Ngọc cho. Ông cùng cha vợ đánh bại quân Nam Hán xâm lược lần thứ nhất(930-931), rồi được cha vợ uỷ quyền trông coi chấu Ái (Thanh Hoá).
Năm Đinh Dậu 937, Kiều Công Tiễn phản bội, giết chết Dương Diên Nghệ, rồi cấu kết với quân Nam Hán. Ông dấy binh giết được Công Tiễn, dẹp tan quân Nam Hán do Hoằng Thao kéo sang xâm lược lần thứ hai trên sông Bạch Đằng.
Năm Kỉ Hợi 939, ông xưng vương, mở nền độc lập tự chủ cho dân nước, đến Giáp Thìn 944, ông mất hưởng dương 45 tuổi, trị nước được 5 năm. Sau khi ông mất, anh vợ là Dương Tam Kha phụ lời uỷ thác của ông, cướp quyền con ông là Ngô Xương Văn, gây nội biến.

Lý Thường Kiệt


                                                                                      
(Kỉ Mùi 1019 - Ất Dậu 1105)

Danh tướng, đại thần nhà Lý. Chính họ tên là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt, sau được ban theo họ vua, nên lấy tự làm tên và mang họ Lý, thành Lý Thường Kiệt. Lúc mất cũng có tên thụy là Quảng Châu, quê ở phủ Thái Hòa, thành Thăng Long (nay thuộc Hà Nội).
Ông tài gồm văn võ, năm 23 tuổi được bổ làm Hoàng môn chi hậu rồi tăng dần đến Thái úy. Trải ba triều Thái tông, Thánh tông, Nhân tông, ông dày công phục vụ đất nước trong việc phá Tống, bình Chiêm, xây dựng đất nước phồn vinh.

Lý Nhân tông xem ông như người em ruột (thiên tử nghĩa đệ), đến cả nhân dân, sĩ phu cũng đều cảm phục tài đức của ông.
Năm Ất Dậu 1105, ông mất, thọ 86 tuổi, được truy tặng Kiểm hiệu Thái úy Việt Quốc Công.
Trong năm 1077, nhân mấy mươi vạn quân Tống do tướng Quách Quì, Triệu Tiết kéo sang xâm lược nước ta, ông đánh chận giặc trên suốt phòng tuyến sông Cầu, và đang đêm cho người tâm phúc đọc vang một bài thơ do ông viết trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát (thuộc địa phận sông Như Nguyệt, khúc sông Cầu, huyện Yên Phong, lộ Bắc Giang, nay là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Giang). Bài thơ như một bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
“Nam quốc sơn hà nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”
Bản dịch:
Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách trời chia xứ sở,
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.”
Các tác phẩm chính:
Phòng tuyến sông Như Nguyệt (phá Tống).

Lê Văn Duyệt

                                              
Quí Mùi 1763 – Nhâm Thìn 1832
Danh tướng công thần bậc nhất /của triều Nguyễn, quê gốc Bồ Đề ( Mộ Đức, Quảng Ngãi). Từ đời ông nội di cư vào Nam, ngụ ở làng Hoà Khánh (gần Vàm Trà Lọt), tỉnh Định Tường. Sang đời thân phụ ông là Lê Văn Hiếu dời đến sinh sống ở Rạch Gầm thuộc tổng Long Hưng, Mỹ Tho, cũng trong tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang).

Từ 1780, đi theo Nguyễn Ánh, hết lòng phò tá cho việc khôi phục cơ đồ chúa Nguyễn, lập nhiều chiến công, đặc biệt là các trận thắng Tây Sơn ở Thị Nại (1800), rồi ở Phú Xuân (1801). Năm 1802, cùng Lê Chất ra thu phục Bắc Hà, sau về làm kinh lược vùng Thanh - Nghệ. Từ 1813, vào Nam làm tổng trấn Gia Định thành; đến năm 1816 được triệu về Huế; năm 1820, lại trở vào Nam làm tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai cho đến khi mất (1832)


Lê Văn Duyệt còn là một nhà chính trị xuất sắc. Ông giữ vững bờ cõi Miền Nam, phát huy ảnh hưởng và uy thế của nước nhà ra các nước láng giềng như Xiêm La (Thái Lan), nhất là Chân Lạp (Cămpuchia). Ông cũng ứng xử khéo léo với những người ngoại quốc phương Tây đến buôn bán ở Gia Định. Về đối nội, ông mở mang đồn điền, đắp đường xây luỹ, tổ chức đào kênh, khai hoang lập ấp, thực hiện tốt chính sách trị an. Được triều đình phong là khâm sai chưởng tả quân dinh, tổng trấn, nhưng nhân dân gọi ông một cách kính trọng là Thượng Công.





Lê Văn Duyệt là người cương trực, ghét xu nịnh. Ông kết án tử hình một viên quan tham nhũng, hống hách tàn bạo với nhân dân là Huỳnh Công Lý, mặc dù người này có con gái là vợ vua Minh Mạng. Bị Minh Mạng ghét vì chống việc lên ngôi và một số chính sách của Minh Mạng.
Khi ông mất, Minh Mạng đã viện nhiều cớ để lập bản án nghiệt ngã đối với ông. Cùng với việc trừng trị nặng nề Lê Văn Khôi (con nuôi của ông và là thủ lĩnh khởi nghĩa đánh thành Gia Định), nhà vua đã bắt tội nhiều người thân của Lê Văn Duyệt, cho san phẳng mộ ông.
Dưới triều Tự Đức, ông được minh oan, mộ và đền thờ được xây lại. Mộ và nơi thờ hiện nay được nhân dân tôn xưng là Lăng Ông hoặc Lăng Ông Bà Chiểu