Thursday, August 28, 2014
Nguồn gốc của môn chơi thả diều
Thú thả diều có nguồn gốc từ nghệ thuật làm mo vào thời cổ đại của người Trung Quốc. Nghe nói, chiếc diều đầu tiên xuất hiện là vào thời kỳ Xuân Thu (cách đây khoảng hơn 2000 năm) do người thợ có tên Lỗ Ban dùng gỗ chế tạo thành, thời đó cũng đã có sự xuất hiện của diều được làm bằng trúc và đến thời nhà Hán thì có sự xuất hiện của Diều được làm bằng giấy, được gọi là “纸鸢” tức “chỉ diên” (diều hình chim diều hâu), nhưng không được phổ biến rộng rãi cho lắm, do nghành giấy lúc này mới bắt đầu hình thành.
Vào thời cổ đại, cứ mỗi dịp tết Thanh Minh đến, sau khi đã làm lễ cúng bái tổ tiên, người dân Trung Quốc đều có phong tục thả diều. Người xưa cho rằng, thả diều có thể xua đuổi tà khí và những điều rủi ro, xúi quẩy. Họ ghi hết tên những loại bệnh dịch nguy hiểm lên trên thân diều, sau khi đã thả cho diều bay thật cao sẽ dùng kéo cắt đứt dây. Họ muốn nhờ gió đưa diều đến chân trời góc biển và đem theo những loại bệnh dịch này cách xa con người, tránh cho con cháu của họ thoát khỏi bệnh tật…Không những vậy diều còn được các nhà sư dùng với ý nghĩa cầu sự yên bình tốt lành, do đó mỗi lần diều rơi các nhà sư đều làm lễ cúng bái để xua đuổi tà khí và cầu an. Hay diều còn được coi là vật dâng hiến các đấng thần linh của vua và các quần thần trong những đêm trăng sáng….
Cùng với sự phát triển của thời đại, ý nghĩa của việc thả diều cũng dần dần thay đổi. Trong lịch sử, diều đã từng được dùng trong quân sự, hay để đưa tin tức…, có rất nhiều sử sách tư liệu đều nhắc đến việc khi quân của Hạng Vũ bị quân của Lưu Bang bao vây,tướng quân Hàn Tín (thời nhà Hán) đã dùng diều được làm bằng da trâu để thả lên trời, dựa vào độ dài của dây diều để ước tính khoảng cách đến Vị Ương Cung (nơi đang bắt giữ quân của Hạng Vũ)…
Đến giai đoạn giữa của nhà Đường (nền kinh tế lúc này phát triển phồn vinh ổn định), từ chức năng dùng trong quân sự diều đã được dùng trong việc giải trí, tiêu khiển…. Đồng thời cùng với sự phát triển của nghành giấy, nguyên liệu chế tạo diều từ gỗ, trúc, da trâu…cũng dần chuyển biến hoàn toàn sang chất liệu giấy. Diều đã dần dần đi sâu vào cuộc sống của người dân, và góp phần làm đa dạng, phong phú cho cuộc sống của họ.
Đến thời nhà Tống, diều được lưu truyền càng ngày càng rộng rãi hơn, trở thành trò chơi phổ thông của trẻ con. Đồng thời do nhu cầu của xã hội về diều càng ngày càng cao, nên việc chế tạo diều đã trở thành một ngành nghề được người dân công nhận.
Đến thời kì Minh Thanh, diều phát triển đến mức tột đỉnh. Từ kích cỡ, hình thức, kỹ thuật chế tạo, cách buộc dây lèo, nghệ thật hình họa, nghệ thuật âm thanh… đều tiến bộ vượt bậc so với các thời đại trước. Thời này đã bắt đầu dùng bản gỗ niên hoa để in các hình họa trên giấy làm thân diều, các nguyên liệu giấy thì rất đa dạng gồm: giấy thiếp, giấy chạm nổi, giấy tiễn…về âm thanh cũng có chuyển biến lớn, ở các thời đại trước chỉ dùng dây lèo mỏng gắn trên đầu diều, nhờ gió thổi sẽ phát ra âm thanh nghe giống tiếng đàn cổ, nhưng đến thời này thì người dân ở khu vực ven biển còn buộc thêm hồ lô…làm thành còi trên thân diều, khi thả diều sẽ phát ra âm thanh rất vui nhộn và to, cách đó vài mét đều có thể nghe thấy. Vào thời Minh Thanh cũng có rất nhiều văn học gia, họa gia đều lấy diều làm đề tài để sáng tác tác phẩm của mình, ví dụ như họa gia Từ Vị (Công nguyên 1521-1593) đã vẽ hơn 30 bức họa chuyên về diều và hiện các tác phẩm của ông vẫn còn được lưu giữ tại bảo tàng lịch sử Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông, Tô Giang, Quảng Đông Dương Giang…là những nơi có nhiều xưởng sản xuất diều nổi tiếng của Trung Quốc. Các loại diều được chế tạo rất đa dạng, gồm có các loại hình họa về động vật như: gia cầm, sâu bọ, cá.. trong đó thường gặp nhất là hình chim yến, bướm, chuồn chuồn…cũng có các loại diều về các nhân vật thần thoại như Tôn Ngộ Không, hay các loại diều dạng chuỗi dài như hình con rết, hình rồng…Chế tạo diều, cần phải có nghệ thuật rất tinh xảo, người thả diều cũng cần phải có kỹ xảo riêng, có như vậy mới làm cho diều bay một cách vững trãi và tự do trên trời.
Hiên nay, diều của Trung Quốc đã được vận chuyển đến Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, Âu Mỹ…và nhận được sự chào đón,ưa thích của rất nhiều người dân trên thế giới. Mấy năm gần đây, tại Sơn Đông hàng năm đều tổ chức lễ hội thả diều và có sự tham gia của rất nhiều nước trên thế giới, do đó, có thể coi Trung Quốc là quê hương và xứ sở của diều.
Labels:
Tổng hợp
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment