Năm 1865, Cha Philippe thuộc dòng Thừa Sai Paris (MEP) từ bên Trung Hoa sang Chợ Lớn để thành lập xứ đạo cho các giáo hữu người Hoa. Lúc sơ khai chỉ có hai gia đình Công giáo nên phải tạm sát nhập vào họ đạo Chợ Quán. Đến năm 1883, Cha Briller thấy bổn đạo Việt Nam khá đông và vì khác biệt ngôn ngữ không thể đọc kinh chung, nên Ngài cất một căn nhà bên cạnh nhà thờ Thanh Nhơn (nhà thờ người Hoa) để giáo hữu VN đọc kinh, rồi qua dự thánh lễ chung với người Hoa bên thánh đường Thanh Nhơn.
Năm 1890, dưới thời Đức Cha Mossard, giáo hữu VN tăng lên 150 người trong khi số giáo dân người Hoa lại giảm dần; nên người Hoa lại đổi sang đọc kinh bên ngôi nhà bên cạnh; còn giáo hữu VN qua đọc kinh trong nhà thờ của người Hoa. Khi lễ thì lại nhập chung.
Năm 1898, Cha Phanxicô Xaviê (Francois) Assou (người Việt quen gọi là Cha Tam) xây cho người Hoa một nhà thờ mới, lấy tên thánh là Phanxicô Xaviê. Người Hoa nhường nhà thờ Thanh Nhơn cho giáo dân VN và cả hai họ đạo đều có Cha sở trông coi.
Vào ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê (Saint Francisco Savier), giám mục địa phận Sài Gòn Mossard, đã đến làm phép đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường dành cho người Hoa.
Cha Tam cũng đã cho xây dựng thêm ở khu vực xung quanh nhà thờ một trường học, nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú, một số nhà ở cho thuê.
Nhà thờ Cha Tam (nhà thờ Phanxicô Xaviê), địa chỉ hiện nay của nhà thờ tại số 25 Học Lạc, phường 14, quận 5, Sài Gòn.
Nguyên khu đất nhà thờ là đất trống dùng làm nghĩa địa cho người Hoa ở xóm Thợ Rèn thuộc Chợ Lớn. Thời Pháp thuộc chính phủ cho xây ngôi chợ xép gần đó gọi là chợ Lò Rèn.
Ngoài công trình xây cất theo nghệ thuật kiến trúc Gothic của Tây phương, trong nhà thờ còn trang trí những tấm Hoành Phi và các tấm Liễn. Các bức hoành phi là những tấm ván được sơn đen hay đỏ bóng láng giống nền các bức tranh sơn mài của người Việt; trên đó người ta viết những chữ có ý nghĩa về đạo, văn hóa hay phong tục. Các tấm liễn là các câu đối khắc trên gỗ treo trên cột hay tường giống như ở đền miếu của người Hoa.
Kiến trúc Gothic (Gothic Architecture) ra đời sau thời kỳ kiến trúc La Mã (Roman), khoảng năm 1.200 sau Công Nguyên. Sự khác biệt dễ dàng nhận thấy nhất giữa hai lối kiến trúc trung cổ này là trong khi kiến trúc La Mã theo kiểu vòm cong tròn, còn kiến trúc Gothic lại theo kiểu vòm nhọn. Kiến trúc Gothic có cửa sổ nhiều hơn và kích thước cửa sổ lớn hơn so với kiến trúc La Mã. Do đó người Âu châu bắt đầu xây nhà thờ và cung điện theo kiểu kiến trúc Gothic. Thời kỳ hưng thịnh của kiến trúc Gothic có thể kể từ thế kỷ 12-16 ở Pháp, thế kỷ 18 ở Anh và lan rộng khắp Âu châu trong suốt thế kỷ 19, sau đó vẫn ảnh hưởng rất mạnh trong các kiến trúc về nhà thờ và trường đại học và cho đến thế kỷ 20.
Mỹ thuật độc đáo của kiến trúc Gothic người ta có thể quan sát trong các thánh đường Thiên Chúa Giáo và một số công trình dân dụng. Tuy là kiến trúc Gothic, nhưng cái độc đáo là mỗi công trình xây dựng có nét đặc biệt, không hoàn toàn giống nhau. Nhiều công trình kiến trúc Gothic vĩ đại như: nhà thờ Đức Bà ở Paris, tu-viện Westminster và nhà thờ Salisbury ở Anh quốc, nhà thờ Cologne ở Đức, đại học Wellesley ở tiểu bang Massachusetts của Hoa Kỳ v.v… là những kiệt tác kiến trúc vô giá được tổ-chức giáo-dục, khoa-học và văn-hóa Liên Hiệp Quốc “UNESCO” (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
No comments:
Post a Comment