'cookieChoices = {};'

Friday, November 7, 2014

CON GÁI LỚP TÔI


Phần VI – KL và đội múa 8P2

Nhờ sự chỉ đạo múa khá “chuyên nghiệp” của KL, lớp tôi đã đoạt giải nhất văn nghệ của trường hai năm liên tiếp, năm lớp sáu và năm lớp bảy. Bài múa “Nhạc rừng” của năm lớp sáu đã được trường cử đi tham gia các cuộc thi đua do các quận và thành phố tổ chức. Sang tới năm lớp bảy, đám con gái chúng tôi chọn màn múa quạt. Thông thường trong màn múa quạt của những đội múa chuyên nghiệp hay nghiệp dư thì các vũ công luôn mặc trang phục mang tính chất dân tộc Việt nam như áo dài, áo bà ba hoặc xà rông, nhưng chúng tôi đã chọn mặc áo trắng và jupe trắng để cho mới lạ. Đúng là con gái HB học trường Tây có khác! Cũng có thể vì lý do riêng tư nữa, chúng tôi muốn thể hiện với xã hội rằng tuy chúng tôi là những đứa con gái học trường Tây mặc jupe nhưng chúng tôi vẫn có thể đại diện cho con gái Việt nam. Năm đó, màn múa quạt của lớp tôi đã giành được giải nhất văn nghệ, thắng luôn cả màn nhạc cảnh “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” được dàn dựng công phu của lớp sáu. Khác hơn mọi năm, trường đặc biệt tổ chức văn nghệ Tất Niên trong rạp hát Lê Ngọc. Không biết do vô tình hay cố ý, cô giáo chuyên phụ trách chương trình đã xếp màn múa của chúng tôi vào màn chót sau nhạc cảnh “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Theo lệ thường thì màn kịch hay nhạc kịch với nhiều diễn viên có trang phục đẹp luôn luôn nằm chót trong chương trình. Do đó khi lớp sáu trình diễn tới đoạn Hoàng tử cứu sống Bạch Tuyết thì mọi người tưởng rằng chương trình sắp hết nên kéo nhau ra về. Chỉ còn vài chục người ngồi lát đát, thưa thớt trong rạp. Chúng tôi đứng sau sân khấu nhìn học sinh lũ lượt ra về vừa buồn lại vừa nản. KL phải khuyên đám con gái lấy hết tinh thần ra trình diễn. Cả bọn đồng ý với nhau cho dù chỉ còn vài người hay không có khán giả thì chúng tôi vẫn trình diễn cho hết bài, quyết không bỏ cuộc. Ngày hôm đó, chúng tôi đã múa thật hay, động viên nhau bằng những nụ cười tươi trên môi, quấn quít nhau trong điệu múa, quên hẳn là khán giả có đông hay không. Tôi cảm thấy lòng mình thật ấm, tôi biết tôi không cô đơn, bạn bè tôi đang cùng tôi trải nghiệm và vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Bước qua năm lớp tám, nhóm con gái trong đội múa quyết định chọn bài múa nào phải thật đặc sắc và mặc trang phục thật lạ để không bị chìm lỉm trong chương trình văn nghệ như năm lớp bảy. Đạo diễn múa tài năng KL đề nghị chúng tôi múa bài Thiếu Nhi Thế Giới Liên Hoan vì bài này có tính cách quốc tế, và lại không khô như những bài hát khác đang được hát hàng ngày trong nước. Lần này nhóm múa tuyển thêm vài bạn mới tham gia để đóng nhiều quốc gia hơn, nhưng sau khi tập dượt vài đợt thì nhóm chỉ chọn thêm được ba bạn tham gia là TV, PK và TL. Mười một đứa con gái họp mặt ở nhà MH như thường lệ để chọn vai cho từng nước trên thế giới. Những nước anh em với Việt Nam đi dự Thế Giới Liên Hoan dĩ nhiên phải có Lào hoặc Campuchia, Trung Quốc và Liên Xô. Ngoài bốn nước đó, tôi đề nghị nước thứ năm là nước Pháp vì chúng tôi học Pháp văn và mê nước Pháp từ tận trong xương tủy. Lúc chia vai Lào và Trung Quốc thì mấy đứa con gái bị sắp vai này có vẻ do dự như không bằng lòng. Cũng may cho tôi, MH với MHo, chúng tôi thuộc loại dáng cao nên không bị chọn làm Lào hay Trung Quốc. Tới lần tập múa thứ hai thì tự nhiên hết đứa này kêu mệt lại đến đứa kia nói bận rộn nên buổi tập bị dời liên miên. Cuối cùng dò la năn nỉ lắm tôi mới biết không ai muốn làm Lào hay Trung Quốc nên giả đò kiếm cớ không xuất hiện. Bữa họp khẩn cấp liền được truyền, tôi bàn:
-“Trong đám tụi mình không ai muốn làm hai nước láng giềng thì sao đây? Hay mình chọn nước khác đi.”
MH gật đầu đồng ý:
-“Ừ, không ai thích mặc xà rông với áo tàu thì chọn nước khác vậy.”
KL đứng dậy đưa mắt hỏi đám con gái:
-“Vậy mình chọn Việt nam, Liên xô, Pháp. Thêm hai nước nào nữa đây?”
MHg giơ tay đề nghị:
-“Nước Đức nhen.”
PK gật gù ủng hộ:
-“Được đó, Đức cũng là nước văn minh. Mà Đông Đức hay Tây Đức?”
TL tặc lưỡi:
-“Tao thích Tây Đức hơn.”
MH chớp mắt cười:
-“Đông Tây cũng được, miễn là nước Đức là được rồi.”
PT với TV cùng lên tiếng:
-“Thêm Tiệp Khắc nữa”.
Cả bọn phấn khởi đồng ý. Phim Tiệp Khắc “Cô bé từ trên trời rơi xuống” với người máy dễ thương Maika đã rất nổi tiếng thời ấy nên Tiệp Khắc cũng là nước thần tượng của nhiều người.
TL cười lém lỉnh hỏi:
-“Đổi nước Việt nam thành nước khác luôn được không?”
MH, tôi và KL đều la lên phản đối:
-“Không được, phải có Việt nam chứ!”
MC hơi mím môi dè dặt hỏi:
-“Mình múa thiếu nhi thế giới mà không có Lào, Campuchia với Trung Quốc là các nước anh em thì có bị thầy cô nói không?”
Cả bọn ngần ngừ giây lát. NM đứng dậy quàng tay qua vai KL, nhướng mày nhìn cả đám:
-“Chắc không sao, mình chỉ múa, làm văn nghệ thôi mà.”
Tôi nói đùa:
-“Coi như đại diện mấy nước đó bị bệnh, không đi dự Liên Hoan được đi.”
MHo cười khúc khích:
-“Đã có Việt nam và Liên xô đại diện cho các nước anh em rồi.”
Cả đám con gái bắt đầu bàn tán xôn xao việc phân chia vai cho từng quốc gia, cách trang phục, dàn dựng màn múa, , và nhiều chi tiết khác. Tôi bỗng dưng thấy hình như các bạn tôi đã lớn ra. Đám con gái bắt đầu biết điệu, bắt đầu để ý tới hình dáng của mình, luôn muốn mình nổi như ngôi sao sáng trong lòng những người chung quanh. Thì ra, đám con gái đã thật sự dậy thì.
Buổi thi văn nghệ được tổ chức sau giờ học, học sinh các lớp có thể ở lại theo dõi chương trình thi nếu muốn. Nhóm múa của chúng tôi chuẩn bị đầy đủ, các nhóm tham gia thi đua ngồi chung quanh không ngừng dòm ngó chúng tôi. Nhiều anh chị còn hỏi chúng tôi sẽ trình diễn màn gì mà trang phục quá đẹp và ngộ. Đám con gái nghe khen khoái chí vô cùng. Trang phục là những bộ đồ đầm hoặc áo kiểu với quần jean, được gởi về từ Mỹ nên màu sắc nổi bật cùng với thiết kế có một không hai ở Saigon vào thời buổi khó khăn đó, nên rất dễ thu hút thị hiếu của mọi người. Cuối cùng thì cũng tới lượt chúng tôi lên sân khấu. Cặp đầu tiên ra chào khán giả là cặp Việt nam do KL làm con gái và PT làm con trai. Mỗi lần một cặp “trai” gái đại diện cho nước nào bước ra sân khấu thì nhạc của nước đó sẽ được dùng làm nền. TL cùng với chị KLinh thay phiên nhau hát nhạc nền cho từng nước. KL uyển chuyển trong chiếc áo đầm trắng cùng với PT lịch sự trong bộ quần áo trắng tiến ra sân khấu bằng những điệu múa cổ truyền của Việt nam. Cặp kế tiếp là nước Liên Xô do TV và MC đóng, bài hát nồng nàn “Triệu đoá hoa hồng” được chọn làm nền cho cặp Liên Xô xinh xắn này. Sau đó PK đóng vai nam và MHg đóng vai nữ đại diện cho nước Tiệp Khắc nhảy múa những vũ điệu dân tộc Tiệp ra chào khán giả. MH khôi ngô trong vai anh chàng nước Đức tiến ra sân khấu trong nhịp điệu rộn ràng, NM mặc chiếc áo đầm xanh lá cây có viền những lằn vải bông ngộ nghỉnh dưới tà áo nhí nhảnh múa theo sau. Khi mỗi cặp bước ra đều được khán giả vỗ tay không ngừng chào đón. Đến lúc bài nhạc “Aupre`s de ma blonde” vang lên, tôi và nhỏ MHo đại diện cho nước Pháp từ hai bên cánh gà nhảy theo nhịp từng bước ra sân khấu, khi ra trước mặt khán giả, tôi lấy cái nón cao bồi đen trên đầu phất một cái rồi nghiêng người chào đúng theo kiểu cao bồi Pháp thứ thiệt, trong khi nhỏ MHo thì hai tay nắm lấy cái váy xòe nhiều màu nhúng chân một cái chào khán giả. Học sinh ngồi dưới sân xi măng vỗ tay la lối, in ỏi. Vỗ tay ủng hộ rầm rộ nhất là một nhóm con trai ngồi xa tít cuối sân. Vì xa quá nên tôi không thấy rỏ là ai nhưng tôi khẳng định không phải là con trai khối lớp tám cùng lứa với tôi. Nhóm con gái vô cùng phấn khởi vì được học sinh trong trường cổ võ nên sau đó đã trổ hết tài nghệ và hoàn thành bài múa thật thành công. Cũng như hai năm trước, lớp tôi đoạt được giải nhất văn nghệ lần nữa. Thầy cô trong ban giám khảo đều rất thích màn múa “Thiếu Nhi Thế Giới Liên Hoan”. Chen lẫn giữa bao nhiêu màn văn nghệ với xà rông, áo bà ba, áo dài, tay cầm súng, tay cầm riều cùng những bài hát về công nhân, nông dân, đảng và bác suốt ba năm qua, bỗng dưng bài múa của chúng tôi đã đem đến một không khí mới cho trường, sau bài nhạc kịch “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. KL quả là thiên tài văn nghệ, nó đã giúp đám con gái lớp tôi dành hạng nhất trong ba năm liền.
Sau này ra đời lập nghiệp, KL không theo đuổi nghệ thuật mà nó làm nghề buôn bán. Làm buôn bán dù sao cũng thực tế hơn là theo nghệ thuật múa, nhất là ở thời buổi mà kiếm miếng ăn cái mặc vẫn còn rất khó khăn, chưa nói tới muốn tham gia vào đoàn múa chuyên nghiệp cũng rất khó. Giá mà KL có cơ hội phát triển tài năng, có lẻ nó sẽ rất thành công và không chừng nó sẽ trở thành người nổi tiếng.
DTDT


No comments:

Post a Comment